Sư họ Tư Mã, tổ tiên quê ở Hà-Nội, thân phụ Sư dời về Kỳ Châu huyện Quảng Tế, mới sanh Sư. Sư xuất gia khi còn để chóp. Tuy tuổi ấu thơ, mà Sư có ý chí siêu việt, ngưỡng mộ Không tông và các môn giải thoát.
Năm 14 tuổi là một Sa-di, Sư gặp Tổ Tăng-Xán cầu xin pháp môn giải thoát, được Tổ khai ngộ cho. Sư theo hầu Tổ suốt chín năm, mới được truyền pháp. Sau khi được pháp, Sư một bề tinh tấn trọn ngày đêm không nằm. Niên hiệu Đại-Nghiệp thứ 13 (613 T.L.) đời Tùy, Sư thống lãnh đồ chúng sang Kiết Châu. Đến đây bị bọn giặc Tào-Võ-Vệ vây thành suốt bảy tuần. Dân chúng trong thành kinh hoàng. Sư dạy họ chí tâm niệm “Ma-ha bát-nhã”. Toàn dân trong thành đều thành kính tụng niệm. Quả nhiên bọn giặc nhìn trên thành có thần binh trùng điệp, chúng sợ hãi rút quân. Niên hiệu Võ-Đức thứ hai (619 T.L.) đời Đường, Sư sang đất Loa-Xuyên. Ở đây, Sư giáo hóa ngót bảy năm. Sau Sư trở về an trụ tại Kỳ-Xuân trên núi Phá-Đầu. Ở đây, Tăng chúng bốn phương đua nhau tìm đến tham vấn rất đông.
Đời Đường niên hiệu Trịnh Quán thứ tư (630 T.L.) Sư đang ở trên núi Phá Đầu nhìn xem khí tượng, biết trên núi Ngưu Đầu có bậc dị nhơn. Sư đích thân tìm đến núi nầy, vào Chùa U Thê hỏi thăm những vị tăng rằng:
– Ở đây có đạo nhơn chăng?
Có vị tăng đáp:
– Phàm là người xuất gia ai chẳng phải đạo nhơn?
Sư hỏi:
– Cái gì là đạo nhơn?
Tăng im lặng không đáp được. Có vị tăng khác thưa:
– Cách đây chừng mười dặm bên kia núi, có một vị sư tên Pháp Dung, lười biếng đến thấy người chẳng đứng dậy chào, cũng không chấp tay, phải là đạo nhơn chăng?
Sư liền trèo núi tìm đến thấy Pháp Dung đang ngồi thiền trên tảng đá, dường như chẳng để ý đến ai. Sư hỏi:
– Ở đây làm gì?
Pháp Dung đáp:
– Quán tâm.
– Quán là người nào, tâm là vật gì?
Pháp Dung không đáp được, bèn đứng dậy làm lễ thưa:
– Đại đức an trụ nơi nào?
Sư đáp:
– Bần tăng không có chỗ ở nhất định, hoặc Đông hoặc Tây.
– Ngài biết thiền sư Đạo Tín chăng?
– Vì sao hỏi ông ấy?
– Vì nghe danh đức đã lâu, khao khát muốn đến lễ yết.
– Thiền sư Đạo Tín là bần đạo đây.
– Vì sao Ngài quan lâm đến đây?
– Vì tìm đến thăm hỏi ngươi, lại có chỗ nào nghỉ ngơi chăng?
Pháp-Dung chỉ phía sau, thưa:
– Riêng có cái am nhỏ.
Pháp Dung liền dẫn Sư về am. Chung quanh am toàn loài cọp sói nằm đứng lăng xăng, Sư giơ hai tay lên làm thế sợ. Pháp Dung hỏi:
– Ngài vẫn còn cái đó sao?
Sư hỏi:
– Cái đó là cái gì?
Pháp Dung không đáp được. Giây lát, Sư lại tấm đá của Pháp Dung ngồi vẽ một chữ PHẬT, Pháp Dung nhìn thấy giật mình.
Sư bảo:
– Vẫn còn cái đó sao?
Pháp Dung không hiểu, bèn đảnh lễ cầu xin Sư chỉ dạy chỗ chân yếu. Sư bảo:
– Phàm trăm ngàn pháp môn đồng về một tất vuông. Diệu đức như hà sa thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới, định, huệ, thần thông biến hóa, thảy đều đầy đủ nơi tâm ngươi. Tất cả phiền não xưa nay đều không lặng. Tất cả nhơn quả đều như mộng huyễn, không có tam giới có thể ra, không có bồ đề có thể cầu. Người cùng phi nhơn tánh tướng bình đẳng. Đại đạo thênh thang rộng lớn bặt suy dứt nghĩ. Pháp như thế, nay ngươi đã được không thiếu khuyết, cùng Phật không khác, lại không có pháp gì lạ.
Chỉ tâm ngươi tự tại, chớ khởi quán hạnh, cũng chớ lóng tâm, chớ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, rỗng rang không ngại, mặc tình tung hoành, chẳng làm các việc thiện, chẳng làm các việc ác, đi đứng ngồi nằm, mắt thấy gặp duyên thảy đều là diệu dụng của Phật. Vì vui vẻ không lo buồn nên gọi là Phật.
Pháp Dung thưa:
– Tâm đã đầy đủ, cái gì là Phật? cái gì là tâm?
Sư đáp:
– Chẳng phải tâm thì không hỏi Phật, hỏi Phật thì chính là tâm.
Pháp Dung thưa:
– Đã không khởi quán hạnh, khi gặp cảnh khởi tâm làm sao đối trị?
Sư đáp:
– Cảnh duyên không có tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm, nếu tâm chẳng theo danh (tên),vọng tình từ đâu khởi? Vọng tình đã chẳng khởi, chơn tâm mặc tình biết khắp. Ngươi chỉ tùy tâm tự tại, chẳng cầu đối trị, tức gọi là pháp thân thường trụ, không có đổi thay. Ta thọ pháp môn đốn giáo của Tổ Tăng-Xán, nay trao lại cho ngươi. Nay ngươi nhận kỹ lời ta, chỉ ở núi nầy sau có năm vị đạt nhơn đến nối tiếp giáo hóa.
Một hôm Sư đến huyện Huỳnh Mai, giữa đường gặp một đứa bé dáng vẻ khôi ngô, độ chừng bảy tuổi. Sư để tâm nơi đứa bé, bèn hỏi:
– Ngươi họ gì?
Đứa bé đáp:
– Họ thì có, mà không phải họ thường.
– Là họ gì?
– Là họ Phật.
– Ngươi không họ à? – Vì họ ấy là không.
Sư nhìn những người thị tùng bảo:
– Đứa bé nầy không phải hạng phàm, sau nầy sẽ làm Phật pháp hưng thịnh.
Sư cùng thị tùng tìm đến nhà đứa bé, thuật những lời đối đáp lạ thường của nó và xin cha mẹ cho nó xuất gia. Cha mẹ đứa bé đồng ý cho nó xuất gia. Thế là, Sư nhận đứa bé làm đệ tử xuất gia, đặt tên là Hoằng Nhẫn. Một hôm Sư gọi Hoằng Nhẫn đến bảo:
– Xưa Như Lai truyền chánh pháp nhãn tạng chuyển đến đời ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát. Ngươi đều giữ gìn, cố gắng truyền trao không cho dứt bặt. Nghe ta nói kệ:
Hoa chủng hữu sanh tánh, Nhơn địa hoa sanh sanh, Đại duyên dữ tín hiệp, Đương sanh sanh bất sanh.
Dịch: Giống hoa có tánh sống, Nhơn đất hoa nảy mầm, Duyên lớn cùng tín hợp, Chính sanh, sanh chẳng sanh.
Sư lại bảo Hoằng Nhẫn:
-Trước trong thời Võ Đức ta có viếng Lô Sơn, lên tột trên đảnh nhìn về núi Phá Đầu thấy một vầng mây màu tía giống như cái lộng, dưới phát ra lằn hơi trắng chia ra sáu đường, ngươi cho là điềm gì?
Hoằng Nhẫn thưa:
– Đó là điềm sau Hòa Thượng con cháu sẽ chia thêm một nhánh Phật pháp.
Sư khen:
– Hay thay, ngươi khéo biết đó
Niên hiệu Trinh Quán thứ 18 (644 T.L.) nhà Đường, Vua Thái-Tông ngưỡng mộ đạo hạnh của Sư sai sứ mang chiếu thỉnh Sư về kinh đô để tham vấn đạo lý. Sứ đi đến ba phen mà thỉnh không được. Sư cứ từ chối là già bệnh. Lần thứ tư, vua hạ lệnh nếu Sư không chịu đi thì lấy thủ cấp đem về, vì Sư phạm tội trái lệnh. Sứ giả đọc chiếu chỉ xong, Sư ngửa cổ
cho sứ chém, mà thần sắc vẩn thản nhiên. Sứ giả thấy thế, không dám hạ thủ, trở về tâu lại nhà vua. Vua nghe việc nầy càng thêm kính phục, gởi đồ lụa gấm đến cúng dường.
Đến niên hiệu Vĩnh-Huy năm thứ 2 (651 T.L) đời Đường, ngày mùng 4 tháng 9 nhuần năm Tân-Hợi, Sư gọi môn nhân vào dặn: -Tất cả các pháp thảy đều là giải thoát, các ngươi phải tự gìn giữ và giáo hóa đời sau. Nói xong, Sư ngồi an nhiên thị tịch. Sư thọ 72 tuổi. Môn nhơn xây tháp thờ tại núi Phá-Đầu. Sư từ khi ngộ đạo cho đến lúc thị tịch gần ngót mười năm mà vẫn tinh tấn tu hành không khi nào nằm nghỉ.Thật là một gương sáng về hạnh giải đều tuyệt đỉnh.
Ngày mùng tám tháng tư năm sau, tự nhiên cửa tháp mở ra, nghi dung của Sư xinh tươi như lúc sống. Từ đây về sau môn nhơn không đóng cửa tháp. Đời Tống vua truy phong Sư hiệu Đại Y Thiền Sư.
_____________________________
Phần-Phụ:
1. Tài Tòng Đạo Giả
Một hôm, Tổ Đạo Tín đi viếng núi Long Phong gặp một vị sư già trồng tòng, thời nhơn gọi là Tài-Tòng đạo giả. Vị sư ấy hỏi Tổ rằng:
– Đạo Pháp của Như Lai có thể cho tôi nghe được chăng?
Tổ đáp:
-Tuổi ông đã già, dù có nghe được cũng không hoằng hóa kịp. Nếu có tái sanh được thì ta cũng nán chờ.
Đạo giả nghe dạy rồi từ tạ đi xuống núi. Đến huyện Huỳnh Mai, thấy một cô gái đang giặt áo ở bờ sông, ông chào và hỏi: – Nhà cô ở gần xa, cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ được chăng? Cô đáp:
-Tôi còn cha mẹ không dám tự quyền, mời Sư vào nhà hỏi cha mẹ tôi là hơn.
Ông bảo: –
Vậy cô có bằng lòng không cho tôi biết?
Cô đáp:
– Riêng tôi bằng lòng.
Đạo giả nghe cô hứa chịu, bèn trở về núi ngồi ngay thẳng viên tịch.
Cô gái kia là con út của nhà họ Châu, sau khi hứa lời với Đạo giả rồi, không bao lâu có thai. Cha mẹ cô thấy chưa chồng mà có thai, là làm ô nhục gia phong, quyết định đuổi cô đi. Cô đang tuổi trẻ mà mang phải cái nợ giữa đường, sống bơ vơ không chỗ nương đỡ, phải đi kéo chỉ mướn nuôi miệng qua ngày.
Đến ngày, cô sinh ra một đứa con trai xinh xắn, nhưng vì sự kỳ dị không chồng có con, nên cô đành đem thả xuống sông.
Sáng ngày, cô thấy đứa bé ngồi xếp bằng trên mặt nước, khí sắc tươi tỉnh lạ thường.Cô vừa lấy làm lạ vừa xót thương nên bồng về nuôi dưỡng. Đến bảy tuổi, đứa bé gặp Tổ Đạo-Tín đối đáp một cách phi thường, được Tổ xin về cho xuất gia đặt tên là Hoằng-Nhẫn. Hoằng-Nhẫn có nghĩa là mẹ nhẫn nhục nuôi con, cũng có nghĩa Tổ Đạo-Tín nhẫn chờ đứa bé khôn lớn truyền pháp. Theo truyện nầy, Tổ Hoằng-Nhẫn là thân sau của Tài-Tòng đạo giả.
2. Thiền sư Pháp-Dung núi ngưu Đầu (594 – 567 T.L.)
Sư họ Vi quê ở Duyên-Lăng, Nhuận-Châu. Năm mười chín tuổi, Sư đã học thông kinh sử, tìm xem đại bộ Bát-Nhã hiểu thấu lý chơn không. Một hôm, Sư tự than: -Đạo nho sách đời, không phải pháp cứu cánh. Bát-Nhã chánh quán là thuyền bè xuất thế.Sư bèn vào ở ẩn núi Mao theo thầy xuất gia học đạo. Sau, Sư đến núi Ngưu-Đầu ở trong thất đá trên ngọn núi phía bắc chùa U-Thê. Lúc đó, có các loài chim tha bông đến cúng dường. Các loài thú dữ quanh quẩn bên Sư không ngớt.
Khoảng niên hiệu Trinh-Quán nhà Đường (627-650 T.L) Tổ Đạo-Tín nhơn thấy khí tượng lạ tìm đến gặp Sư. Nhơn đó, Sư được đại ngộ. Từ khi đắc pháp về sau, nơi pháp tịch của Sư đại thạnh. Khoảng niên hiệu Vĩnh-Huy đời Đường (650-656 T.L) đồ chúng thiếu lương thực, Sư phải sang Đơn-Dương hóa duyên. Đơn-Dương cách núi Ngưu-Đầu đến tám mươi dặm, Sư đích thân mang một thạch(tạ) tám đấu, sáng đi chiều về để cúng dường ba trăm tăng. Như vậy, mà ngót ba năm, Sư cung cấp không thiếu. Quan Ấp Tể tên Tiêu-Nguyên-Thiện thỉnh Sư giảng Kinh Bát-Nhã tại chùa Kiến-Sơ. Thính giả vân tập. Sư giảng đến phẩm Diệt-Tĩnh, đất chấn động. Bác-Lăng-Vương hỏi Sư:
– Khi cảnh duyên sắc phát, không nói duyên sắc khởi; làm sao biết được duyên, muốn dứt cái khởi ấy?
Sư đáp:
– Cảnh sắc khi mới khởi, Sắc cảnh tánh vẫn không, Vốn không người biết duyên, Tâm lượng cùng tri đồng, Soi gốc phát chẳng phát, Khi ấy khởi tự dứt, Ôm tối sanh hiểu duyên, Khi duyên, tâm chẳng theo, Chí như trước khi sanh, Sắc tâm không nuôi dưỡng, Từ không vốn vô niệm, Tưởng thọ ngôn niệm sanh, Khởi pháp chưa từng khởi, Đâu cầu Phật chỉ dạy.
Hỏi:
– Nhắm mắt không thấy sắc, Cảnh lự lại thêm phiền, Sắc đã chẳng quan tâm, Cảnh từ chỗ nào phát?
Sư đáp:
– Nhắm mắt không thấy sắc, Trong tâm động lự nhiều, Huyễn thức giả thành dụng, Há gọi trọn không lỗi, Biết sắc chẳng quan tâm, Tâm cũng chẳng quan người, Tùy đi có tướng chuyển, Chim bay trông không thật.
Hỏi:
– Cảnh phát không chỗ nơi, Duyên đó hiểu biết sanh, Cảnh mất hiểu lại chuyển, Hiểu bèn biến làm cảnh, Nếu dùng tâm kéo tâm, Lại thành biết bị biết, Theo đó cùng nhau đi, Chẳng lìa mé sanh diệt?
Sư đáp:
– Tâm sắc,trước,sau,giữa, Thật không cảnh duyên khởi, Một niệm tự ngừng mất, Ai hay tính động tịnh, Đây biết tự không biết, Biết,biết duyên chẳng hợp, Nên tự kiểm bản hình, Đâu cầu tìm ngoại cảnh,Cảnh trước không biến mất, Niệm sau chẳng hiện ra, Tìm trăng chấp bóng huyền, Bàn dấu đuổi chim bay, Muốn biết tâm bản tánh, Lại như xem trong mộng, Ví đó băng tháng sáu, Nơi nơi đều giống nhau, Trốn không trọn chẳng khỏi, Tìm không lại chẳng thành, Thử hỏi bóng trong gương, Tâm từ chỗ nào sanh?
Hỏi:
– Khi đều đặn dụng tâm, Nếu là an ổn tốt?
Sư đáp:
– Khi đều đặn dụng tâm, Đều đặn không tâm dụng, Bàn quanh danh tướng nhọc, Nói thẳng không mệt phiền, Không tâm đều đặn dụng, Thường dụng đều đặn không, Nay nói chỗ không tâm, Chẳng cùng có tâm khác.
Hỏi:
– Người trí dẫn lời diệu, Cùng tâm phù hợp nhau, Lời cùng tâm đường khác, Hiệp thì trái vô cùng?
Sư đáp:
– Phương tiện nói lời diệu, Phá bệnh đạo đại thừa, Bàn chẳng quan bản tánh, Lại từ không hóa tạo, Vô niệm là chơn thường, Trọn phải bặt đường tâm, Lìa niệm tánh chẳng động, Sanh diệt chẳng trái lầm, Cốc hưởng đã có tiếng, Bóng gương hay ngó lại.
Niên hiệu Hiển Khánh năm đầu (656 T.L) nhà đường, Ấp Tể Tiêu Nguyên Thiện thỉnh Sư xuống núi trụ trì chùa Kiến Sơ. Sư hết lời từ chối mà không được. Bất đắc dĩ, Sư gọi đệ tử thượng thủ là Trí Nham truyền trao pháp ấn và dặn dò tiếp nối truyền dạy tại núi nầy. Sư sắp xuống núi bảo chúng:
– Ta không còn bước chơn lại núi nầy. Lúc đó chim thú kêu buồn gần suốt tháng không dừng. Trước am có bốn cây ngô đồng, giữa tháng hè bỗng nhiên rụng lá.
Năm sau (657 T.L) ngày 23 tháng giêng, Sư thị tịch tại chùa Kiến Sơ, thọ 64 tuổi, tuổi hạ được 41. Ngày 27 đưa quan tài lên núi Kê Long an táng, số người tiển đưa hơn vạn.
Phái thiền của Sư truyền, sau nầy gọi là Ngưu Đầu Thiền, vì lấy tên núi mà đặt tên. Số môn đồ khá đông, lưu truyền thạnh hành đến sáu đời mới dứt.
1 bình luận trong “31. Đạo Tín ( 580 651 T.L. ) – Tổ thứ tư Trung Hoa”