Tất cả chúng sanh đồng nương bốn đại mà thành, cho nên không có cái ta, và những vật sở hữu của cái ta. Nhưng, thảng hoặc có kẻ chịu khổ, có kẻ hưởng vui, và có tốt xấu, có quả báo hiện tại, quả báo hậu lai là tại sao?
Thời mới đáp như sau: tùy theo hành nghiệp của mỗi một chúng sanh mà cảm quả báo sai khác như thế. Chớ chẳng phải ai tạo tác cho, in như một hột giống nằm dưới ruộng mọc lên những cây lúa; như nhà huyền thuật hiện ra các hình sắc, như loài chim nở ra khỏi vỏ là có tiếng kêu. (Kinh Hoa Nghiêm)
Ví như cát trong biển cả, nhiều không thể tính biết được; cũng như người tạo tác thiện ác họa phước, trước sau gây nên, nhiều không thể kể xiết. Nhưng đến khi mạng tận, thời làm ác phải sanh về chỗ khổ, mà làm lành sẽ sanh về chỗ vui; vì lành hay dữ đã điều có dự định nơi chỗ sẵn sàng trước vậy. (Kinh Bột)
Vua Di Lan hỏi ngài Na Tiên: Người trong đời ai cũng có tứ chi đầy đủ: đầu mặt mắt tai và thân thể… nhưng sao có người sống lâu, có kẻ chết yểu, cho đến nhiều bệnh ít bệnh nghèo giàu cao thấp đẹp đẽ xấu xí; lại có người được người ta tin cậy, có người bị người ta nghi ngờ, có kẻ thông minh, có kẻ ngu muội. Tại sao có sự bất đồng như thế, thưa ngài?
Ngài Na Tiên đáp: ví như trái cây của các thứ cây, thứ cay, chua, thứ đắng, ngọt. Ngài hỏi lại nhà vua nó sai khác như thế, tại sao, tâu đại vương?
Vua đáp: vì trồng nhiều thứ cây khác nhau.
Ngài nói: cũng giống như người trồng cây kia. Bởi hành động tạo tác của mỗi người sai khác chẳng đồng, chẳng ai giống ai, cho nên mới có quả báo sai biệt như Đại Vương vừa kể trên. Và còn thêm nữa: ai cũng có cái miệng mà sao có kẻ nói ra tiếng, mà có người lại câm! Cho nên kinh Phật dạy: giàu sang, nghèo hèn, xấu tốt là đều do sự tạo tác của đời trước mà có, thời thiện ác tùy theo tự thân hình mà có được vậy. (Kinh Na Tiên Tỳ Kheo)
Ta thường thấy: kẻ yêu nghiệp mà được hưởng phước, còn người hiền lành lại bị tai họa, sở dĩ có trái ngược như thế là vì quả báo thiện ác chưa đến ngày chín; chớ quả báo thiện ác đến ngày chín, thời kẻ ác phải chịu khổ, mà người thiện được hưởng vui.
Kia như đánh người bị người đánh lại; gây oán với người bị người oán lại, cho đến mắng chửi hay sân nộ với họ, thời bị họ phản ứng như thường.
Vì người đời không nghe biết Chánh pháp nên chưa hiểu lý nhân quả của ba đời ấy thôi. Mạng sống ta đây có được là bao! Mà gây ác làm chi, đừng khinh thường ác nhỏ cho là ít lỗi; giọt nước tuy ít chứa dồn đầy thùng; tội nhiều đầy nhẫy cũng do chứa từ ít mà thành. Cũng chớ coi thường chút lành cho là không phước, một giọt nước tuy ít mà chứa dồn đầy lu. Phước đức đến khi đầy đủ cũng nhờ chứa dồn từng mảy mún mà thành. (Kinh Pháp Cú)
Cha làm chẳng lành, con chẳng thay chịu; con làm chẳng lành cha cũng chẳng chịu thay. Làm lành tự hưởng phước, làm dữ tự chịu ươn. (Kinh Nê Hoàn)
Người làm thiện ác có bốn kẻ chứng biết: một trời, hai đất, ba người gần, bốn ý của ta. (Kinh Mạ Ý)
Nếu ta làm nghiệp lành vì sức mạnh tự nhiên mà được hưởng nghiệp báo tốt, dầu cho có sức mạnh của nhà vua viện trợ đi nữa cũng chẳng bằng sức mạnh của nghiệp. (Luận Đại Trang Nghiêm Kinh)
Ngài Ma Ha Nam bạch Phật rằng: Những lúc tôi gặp phải xe, ngựa, voi điên và người đánh lộn là khi ấy tôi mất tâm niệm Phật, không may lâm nạn bị chết thì sẽ sanh về cõi nào?
Đức Phật dạy: Lúc ấy không may thời ngươi vẫn được sanh về cõi lành, chứ chẳng sanh về ác thú đâu, ngươi đừng lo sợ. Ví như cái cây thường ngày nó nghiêng về hướng đông, nếu mà nó bị gãy thì quyết định nó ngã vế hướng đông. Người lành cũng như thế, nếu khi thân chết nhờ sức hun đúc ý thức lành đã nhiều ngày từ trước như kính tin trì giới, học hỏi, bố thí và trí huệ chắc được lợi ích mà sanh lên trời. (Luận Tà Trí)
Muốn biết nhơn đời trước, cứ xem hưởng thọ quả ngày nay, muốn biết quả đời sau, cứ xem gây nhơn ngày nay. (Kinh Nhân Quả)
1. Trước khổ sau vui
2. Trước vui sau khổ
3 .Trước sau đều khổ
4. Trước sau đều vui
Hạng người thứ nhất là sanh vào trong gia tộc ti tiện sát nhơn mà biết thọ giáo tu pháp lành, ăn năn sám hối cải ác tu thiện. Hạng người thứ hai là sanh vào trong giòng hào tộc, vua chúa mà chẳng biết thụ giáo tu thiện gì cả, sẽ phải sanh vào ác thú. Hạng người thứ ba là sanh vào trong nhà nghèo hèn mà cũng chẳng biết tu phước làm thiện gì cả cũng sẽ sanh vào ác thú. Và hạng người thứ tư là sanh vào nhà giàu sang mà biết tu thiện là hạng người sẽ được sanh lên trời. (Kinh Tăng Nhứt A Hàm).
Xin nguyện chúc cho quý vị thân tâm được an lạc, tự tại, bồ đề tâm kiên cố, đạo tâm bất thối chuyển, thiện căn được vun bồi, đầy đủ trí tuệ giác ngộ, giải thoát
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
(Trích Kinh Lời Vàng của Dương Tú Hạc soạn tập)
Cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch