Thường thường, như chúng ta đã biết về phương pháp Hộ Niệm thì mỗi một pháp môn có mỗi cách hộ niệm khác nhau. Cho nên nếu chúng ta tu học theo pháp môn Tịnh độ để trở về Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta nhất định phải nghiên cứu về Di Đà Tịnh độ, nghiên cứu về đại nguyện của Đức A Di Đà, nghiên cứu những lời khai thị của những vị tổ sư trong Tịnh độ tông. Có như vậy chúng ta Hộ Niệm mới chính xác được.
Nhiều người sơ ý, khi nghe nói tới hộ niệm thì vội vã chạy tìm tất cả những sách vở người ta nói về hộ niệm đem ra nghiên cứu, sau cùng rồi thì ứng dụng sai! Vô cùng sai!
Như hôm qua chúng ta đưa ra một câu chuyện, là các vị tu tự lực họ không bao giờ chấp nhận theo một vị Phật nào hết. Tại vì họ tự lực tu chứng mà. Họ không chấp nhận theo vị Phật nào thì A Di Đà Phật xuất hiện ra họ cũng không chấp nhận luôn. Cho nên mới có câu: “Phùng Phật Sát Phật, Phùng Ma Sát Ma” là như vậy. Họ không theo đâu. Nếu chúng ta đem những chuyện hộ niệm của Tịnh Độ Tông mà hỏi một vị mà họ không tu theo Tịnh độ thì nhất định các Ngài sẽ nói theo cách khác, làm cho tâm hồn chúng ta có thể sẽ bị chơi vơi, chao đảo!
Ví dụ như các vị tu theo pháp Tiểu Thừa, thì theo như ngài Hòa Thượng Trí Tịnh giải thích, các Ngài đó chỉ nghiên cứu những kinh điển của Đức Bổn Sư nói trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nói trong cõi Ta bà mà thôi. Các Ngài đó không biết đến những vị Phật trên mười phương Pháp giới. Còn chúng ta tu theo Tịnh độ Tông là tu theo Đại Thừa Giáo, Phật nói rộng trên mười phương pháp giới. Chính vì vậy mà có nhiều người nói rằng là không có Phật A Di Đà, nghe vậy thì ta nên hiểu rằng các vị đó thực ra họ tu theo các giáo phái thuộc về Nhị Thừa, họ chỉ y cứ những kinh điển ở trong cõi Ta bà này thôi. Nếu mà họ không xem qua kinh Đại Thừa, thì họ không biết chuyện hộ niệm này đâu.
Rõ rệt!… Cũng là trong Phật Giáo nhưng có tới tám mươi bốn ngàn Pháp môn tu tập. Chúng ta tu theo pháp niệm Phật đi về Tây Phương thì nhất định chúng ta chỉ nên y cứ vào pháp hộ niệm của chư Tổ Sư trong Tịnh độ thì chúng ta hộ niệm mới chính xác và mới cứu người vãng sanh được.
Trở lại vấn đề hết sức quan trọng hôm nay. Tại sao các Ngài thường nguyện là “Tướng Hảo Quang Minh”? Ngay trong lời nguyện của ta cũng vậy, “Nguyện khi con lâm chung không còn chướng ngại, biết trước ngày giờ, thấy A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, Chư Đại Hải Chúng, Tướng Hảo Quang Minh hiện thân tiếp dẫn…”. Vì thật sự là có nhiều pháp môn thuộc về tự lực họ không bao giờ chấp nhận một tha lực nào hết. Trong pháp tu của họ, tất cả mọi cảnh giới đều chỉ là sự thử thách của tâm họ mà thôi! Cũng giống như một người chiến sĩ ra giữa trận tiền thì lúc nào cũng phải xem chừng kẻ địch, chứ ít khi thấy những người hiền lương như người ở quê nhà. Chính vì vậy mà… có nhiều cái pháp hộ niệm người ta diễn tả một vị Bồ Tát có hình tướng dễ sợ lắm. Thật sự có tài liệu nói như vậy. Họ diễn tả A Di Đà Phật có thân tướng đen, có cặp mắt to, có sừng luôn!… Người ta nói vậy đó. Người ta nói là ánh sáng của Phật chói chang, nhìn vào muốn nổ con mắt, còn ánh sáng của Ma Vương lại mềm mại, uyển chuyển. Nghe vậy, có nhiều người hỏi, như vậy thì chúng ta biết tin ai? Người thì nói ánh sáng của Phật dịu dàng, còn có người thì nói quang minh của Phật chói chang, như vậy mình biết tin theo ai?
Thật ra, đó là do phép tu của họ mà nó biến ra như vậy. Phật gọi “NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO”. Với Tịnh Độ Tông chúng ta luôn luôn khiêm nhường, thành kính. Nhìn hình tướng A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí trên bàn thờ, quý vị thấy khuôn mặt của các Ngài luôn luôn hiền từ và lúc nào nhìn các Ngài thì mình cảm thấy an lành liền. Nhưng khi vào những tự viện khác, nhất là đi vào các giới Mật Tông, quý vị sẽ thấy những hình tượng khác liền! Họ diễn tả những khuôn mặt của Phật không hiền, và hình tượng của những vị Kim Cang Tát Đõa dữ lắm. Thật ra đó là những biểu tượng nói rằng: Cái ma chướng, cái nghiệp chướng, cái vọng tâm của mình nó “Dữ” như vậy đó!…
Để đối trị với những chướng nạn này, phương cách của họ là quyết lòng lăn xả vào vòng nghiệp chướng để:
Phá nó. Tiêu nó. Phải chiến thắng nó thì mình được chứng đắc. Nếu không chiến thắng thì mình phải chịu thất bại!
Còn phương pháp của Tịnh Độ Tông thì không phải nhào vào trong nghiệp chướng để phá nghiệp chướng, diệt nghiệp chướng để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, mà phương pháp của Tịnh Độ Tông chúng ta là:
Ly cái nghiệp ra. Ly cái khổ ra. Xa lìa cái nghiệp chướng đi. Tất cả những cảnh ác… mình xa lìa đi.
Mình trở về cái cảnh giới an nhiên thanh tịnh, gọi là “Tâm Tịnh Quốc Độ Tịnh”. Vì chúng ta xa lìa trận tiền ra, nên chúng ta mới trở về được cái hậu phương an lành. Hậu phương chúng ta luôn luôn có các vị Bồ Tát, có chư Thiên Long Hộ Pháp, có quang minh của Phật che chở, cho nên người niệm Phật thường ở trong cảnh giới hiền từ. Kinh của Tịnh độ nói, khi về trên Tây Phương thì chúng ta gặp Chư Thượng Thiện Nhân.
Còn các Ngài tu tự lực quyết phá nghiệp để về Niết Bàn, cũng là Chư Thượng Thiện Nhân đó, nhưng trước khi về đó, các Ngài thường thường gặp quỷ Tiêu Diện trước. Quỷ Tiêu Diện đó thật ra là Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng mà cái tâm cơ của con người quá ư khắt khe, nên Ngài mới thị hiện ra hình tướng như vậy!
Biết như vậy rồi thì chúng ta đừng nên nghiên cứu rộng, nhiều khi không hiểu lỡ lạc vào con đường khác thì bị trở ngại! Có nghĩa là chúng ta một lòng cầu A Di Đà Phật phóng quang tiếp độ. Ngài đại từ đại bi thì quang minh của Ngài cũng đại từ đại bi. Tâm của chúng ta hiền lành, chất phát, thật thà, chí thành, chí kính thì ứng vào cái tâm đó, A Di Đà Phật cũng ứng hiện ra những quang minh hiền lành tươi mát để cứu độ chúng ta. Hòa Thượng Tịnh Không nói, ánh sáng của Phật lúc nào cũng nhu nhuyễn, hiền hòa, còn ánh sáng của Ma Vương thì giống như có gai, làm nổ con mắt. Nói vậy là Ngài ứng vào Tịnh Độ Tông để khai thị cho chúng ta.
Như vậy khi ra đi chúng ta cứ nhìn A Di Đà Phật. Ngài sẽ hiền hòa giống như tấm hình đó ứng hiện ra mà cứu chúng ta về Tây Phương. Đó gọi là “Tướng Hảo Quang Minh”.
Nhớ lấy những điểm này, chớ nên nghiên cứu mà có thể gặp những chuyện trở ngại. Tại vì rất nhiều, xin thưa thật là có rất nhiều phương pháp hộ niệm khác lạ lắm! Chúng ta không nên sơ ý áp dụng vào mà nhiều khi bị trở ngại, không được vãng sanh.
Trích: Hộ Niệm Là Một Pháp Tu ( toạ đàm 21)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị