Thời xưa cúng thần tài là cúng Phạm Nặc [hay Phạm Lãi]. Ông là người thời đại chiến quốc, đại phu của Việt Vương Câu Tiễn. Sau khi bị nước Ngô tiêu diệt, Việt Vương có thể phục hưng lại nhờ có sự trợ giúp của Phạm Lãi và Văn Chủng. Hai người này là tay trái và tay phải của Việt Vương, trợ giúp ông hồi phục quốc gia.
Phạm Lãi thông minh, sau khi đại công cáo thành, ông liền khuyên Văn Chủng phải mau rời khỏi Việt Vương Câu Tiễn. Ông nhận biết rất rõ ràng con người này. Việt Vương Câu Tiễn trong lúc hoạn nạn rất xem trọng những người có tài năng, nhưng khi thiên hạ thái bình thì ông không cần, sợ họ tạo phản, luôn tìm biện pháp để trừ bỏ họ. Phạm Lãi tự mình rời bỏ, lưu lại một bức thư cho Văn Chủng. Sau khi Văn Chủng xem xong, cho rằng không nghiêm trọng như ông đã nói. Kết quả không ngoài dự đoán của Phạm Lãi, Câu Tiễn ban cho Văn Chủng tự chết, cho nên Văn Chủng phải tự sát.
– Phạm Lãi lén trốn đi, đổi tên đổi họ thành Đào Chu Công, làm nghề buôn bán. Làm ăn không bao lâu, ông phát tài to. Sau khi phát tài, ông đem tất cả tiền của ra bố thí hết, cứu giúp người nghèo khổ. Sau khi bố thí hết, ông bắt đầu lại từ buôn bán nhỏ. Làm được vài năm, ông lại phát tài, phát tài rồi ông lại bố thí. Trên sách sử ghi chép “tam tụ, tam tán” (ba lần tụ, ba lần tán), ông có thể tán tài ra, bố thí ân đức. Đây là tấm gương tốt cho người buôn bán.
Người làm buôn bán kiếm được tiền của xã hội thì hoàn trả về cho xã hội. Cho nên cúng dường ông là thần tài thì rất có đạo lý. Ông là thương nhân mô phạm, chúng ta kinh doanh buôn bán phải lấy Phạm Lãi làm mô phạm. Ông là người chân thật thông minh, thật có trí tuệ, thật có học vấn.
Làm sao bạn có thể có quả báo giàu có như vậy? Bố thí! Chỉ cần bạn chịu bố thí thì được, phước báo tự nhiên đến. Cho nên tiền không nên đi đầu tư, tiền không nên để ngân hàng, để ở đâu cũng không đáng tin. Bố thí cho tất cả chúng sanh, đó mới là thật đáng tin, nhất định không thể mất, hơn nữa, lợi tức đó nhiều hơn không biết gấp bao nhiêu lần so với lợi tức mà ngày nay các vị làm bất cứ buôn bán gì.
Tôi nói lời này với các vị là lời chân thật. Nếu các vị không tin tưởng, bản thân tôi chính là thí dụ. Bạn xem, mọi người cúng dường đến cho tôi, tôi thảy đều đem bố thí hết. Tôi đi đến bất cứ nơi nào, trên người không cần mang theo một phân tiền, nghĩ cái gì, người ta đều đưa đến cúng dường cho tôi, dùng không hết, như vậy thật tự tại.
Con người của tôi đời trước không có phước, một chút phước báo cũng không có. Phước báo này của tôi là tu được từ lúc nào? Sau khi học Phật, hiểu rõ được đạo lý này, tôi mới thật làm. Phương pháp bố thí này là Đại Sư Chương Gia dạy cho tôi. Tôi thật làm và làm rất có hiệu quả. chỉ cần bạn chịu bố thí, nếu bạn thiếu kém thứ gì, trong lòng vừa nghĩ thì có người đưa đến liền. Tuyệt diệu không thể nói!
Những năm đầu tôi tu được còn tương đối ít, thế nhưng liền đã có cảm ứng. Khi tôi đang cầu học, đời sống của tôi rất là khó khăn. Tôi mong muốn những gì? Muốn có Kinh sách. Trong lòng vừa nghĩ, đại khái không đến một tháng thì có người mang đến. Tôi chỉ nhớ có một quyển sách là “Trung Quán Luận Sớ”, tôi nghĩ qua sáu tháng mới có người mang đến cho tôi, đó là một lần dài nhất. Các thứ khác như “Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao”, khi tôi vừa mới học Phật, trong lòng muốn có loại này, thì chỉ trong một tháng có người mang đến cho tôi.
Chân thật là “hữu cầu tất ứng”, chỉ cần mong cầu đúng lý đúng pháp thì đều có cảm ứng. Từ 26 tuổi học Phật thì tôi thật làm, tôi chăm chỉ làm. Càng làm càng có cảm ứng không thể nghĩ bàn. Cho nên, đối với từng câu từng chữ trên Kinh Phật đã nói, tôi tin sâu không nghi.
* Trích “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh” giảng giải, tập 13,
* Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không