Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Trọn chẳng có chuyện do được hối lộ mà giáng phước

Tranh Phật Tây Phương - A Mi Đà Phật
Người thế gian khi có việc vui, thông thường khi làm lễ mừng thọ, và những ngày lễ cần ăn mừng, rất nhiều người lại sát sanh để cúng bái, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp mà chính mình không thể nào biết được. Những sự việc này chúng ta thấy được quá nhiều. Trong Kinh Phật nói rất tường tận, ngày vui của chính mình phải nên đáp tạ quỷ thần. Việc đáp tạ quỷ thần nhất định không nên sát sanh để cúng bái. Việc sát sanh cúng tế thành thật mà nói, thiện thần thiện quỷ đều xa lánh, không bằng lòng gánh vác tội lỗi này. Bạn là vì họ mà giết thì tội lỗi này họ phải gánh vác. Chỉ có một số ác thần hung sát mới không chút kiêng dè, tiếp nhận cúng dường huyết thực. Người và quỷ thần đều do đây mà đọa lạc. Người tạo tác ác nghiệp thì đời sau đọa địa ngục, quỷ thần tạo tác tội nghiệp thì đời sau cũng đọa địa ngục, luân chuyển ở trong sáu cõi. Cho nên, trong tất cả các ngày vui, nhất định không nên sát sanh. Trong Vựng Biên đều nói đến, trong đó có một đoạn nói rất hay, lời văn không dài, Ngài nói: “Bình đẳng là Phật, chánh trực là thần”. Hai câu này nói rất hay. Trong Kinh điển Phật thường nói, Phật là tâm bình đẳng, Bồ Tát là tâm lục độ, Duyên Giác là tâm nhân duyên, Thanh Văn là tâm Tứ Đế. Trong tâm thường giữ pháp như vậy thì mới có thể siêu việt sáu cõi luân hồi.
Ngài nói: “Trọn chẳng có chuyện do được hối lộ mà giáng phước”. Chúng ta sát sanh cúng bái thần minh, đích thực là có sự việc này. Năm xưa tôi ở Đài Loan, vào lúc đó đã xuất gia rồi, ở Đại Khê có chùa Hương Vân (vào lúc đó chúng tôi ở trong chùa này), mùng một, mười lăm, cư dân ở lân cận đều mang đầu heo, gà, vịt, cá, thịt đến bái Phật, cúng dường Phật. Bạn nói xem, thành ra thứ gì chứ? Xem Phật Bồ Tát như là thần linh để đối đãi! Dùng những thứ này để cúng bái quỷ thần, cúng bái Phật Bồ Tát , đây là hối lộ. Đối với Phật Bồ Tát, đối với quỷ thần làm việc hối lộ, còn hy vọng Phật Bồ Tát, quỷ thần sẽ giáng phước cho họ, làm gì có loại đạo lý này? Do đây có thể biết, những người này không biết chút gì đối với Phật pháp, hoàn toàn là mê tín. Đài Loan có tồn tại loại mê tín này. Tôi tin ở trên thế giới, loại mê tín như thế này nhất định không ít. Truy cứu những nhân tố này, đệ tử học Phật chúng ta, đặc biệt là đệ tử xuất gia có trách nhiệm, nhất định không thể nào thoái thác. Chúng ta là người xuất gia không tận hết trách nhiệm giáo hóa chúng sanh, đối với đại chúng xã hội không thể đem Phật pháp giảng rõ ràng, giảng tường tận, còn có những người mê tín, thậm chí chúng ta còn tạo tác tất cả sự dẫn dắt mê lầm cho đại chúng, tội lỗi này vô lượng vô biên. Đây có lẽ chính là câu người xưa đã nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”. Chúng ta dẫn dắt tất cả chúng sanh đi làm việc mê tín, đây là đặc biệt sai lầm. Thậm chí chúng ta ngày nay nói Phật giáo là tôn giáo thì đã dẫn dắt chúng sanh mê tín.
Chúng ta ngày nay rất rõ ràng, rất tường tận, Phật giáo không phải là tôn giáo, mà Phật giáo là giáo dục trí tuệ của Phật-đà, không có liên quan gì với tôn giáo. Ngày nay chúng ta xem Phật giáo là tôn giáo, chính là dẫn dắt đại chúng mê tín, tội lỗi đã là vô lượng vô biên rồi. Cho nên, ngay chỗ này Ngài viết đoạn này rất hay. Xã hội có rất nhiều người ở trước Phật Bồ Tát, trước quỷ thần mà hứa nguyện, chính mình có mong cầu rồi hứa nguyện, đến khi hoàn nguyện thì sát sanh để cúng tế. Loại nguyện này là ác nguyện. Ngài nói ở chỗ này rất hay: “Dẫu được thỏa lòng”. Bạn có được cái đã nguyện cầu, quả nhiên bạn có được rồi; bạn muốn thăng quan, quả nhiên thăng quan rồi; bạn muốn phát tài, quả nhiên phát tài rồi, nhưng trên thực tế, đây không phải là do bạn hứa nguyện mà được Phật Bồ Tát mãn cái nguyện của bạn, quỷ thần mãn cái nguyện của bạn, mà là trong mạng của bạn đã được ấn định, Phật Bồ Tát với quỷ thần căn bản không có liên quan gì. Thế nhưng bạn hứa cái ác nguyện, bạn tạo ra ác nghiệp, quả báo nhất định ở phía sau, nếu không ở đời sau, thì ở đời sau nữa. Phía sau là nói cuối đời này của chúng ta, bạn phải gặp ác báo này. Nhân duyên quả báo không hề sót lọt. Trong Cảm Ứng Thiên nói rất rõ ràng, lý tuy là nói không nhiều, chú giải của Vựng Biên bổ sung vào, cho nên nói có lý luận viên mãn, còn về mặt sự thì đã nói rất nhiều, cái sự này chính là chứng cứ chân thật. Loại chứng cứ của trồng nhân thiện được quả thiện, chứng cứ của tạo nhân ác được ác báo thì quá nhiều, quá nhiều. Chúng ta đọc bộ sách này, xem qua nghiệp nhân quả báo ngày trước, sau đó quay đầu lại, tỉ mỉ quán sát xã hội hiện tiền chúng ta, xem tạo tác của người hiện nay, thấy quả báo của người hiện nay so với ghi chép trong sách càng rõ ràng hơn. Chúng ta làm sao có thể không tin, làm sao có thể không nỗ lực mà học tập?
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG
TRÍCH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN,TẬP 51
Được gắn thẻ , , , , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *