Người chân thật tu hành phải phát đại tâm. Bạn học Phật không thể thành tựu vì tâm lượng bạn quá nhỏ. Phiền não tập khí đều từ tâm lượng nhỏ hẹp mà biến hiện ra, cho nên khi bạn phát đại tâm thì phiền não tập khí từ vô lượng kiếp đến nay không cần phá mà tự nhiên không còn nữa.
Mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, thực tế mà nói, chỉ có bảy nguyện là “lễ kính, xưng tán, cúng dường, sám hối, tùy hỷ, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế”. Ba nguyện phía sau là thuộc về “hồi hướng”. “Thường tùy Phật học” là hồi hướng chánh giác, một trong ba loại hồi hướng. “Hằng thuận chúng sanh” là hồi hướng chúng sanh. “Phổ giai hồi hướng” là hồi hướng pháp giới. Ba điều phía sau đều là hồi hướng, chúng ta phải nên biết. Hồi hướng Bồ Đề (Bồ Đề chính là chánh giác), hồi hướng chúng sanh, hồi hướng pháp giới cũng chính là hồi hướng tự tánh, hồi hướng chân như. Chân như, tự tánh và pháp giới là một ý nghĩa, chúng ta đã đọc ở trong “Hoa Nghiêm” rất nhiều. Cái gì gọi là pháp giới? Nhất tâm chính là pháp giới. Trong pháp giới, giới có hai ý nghĩa, một ý nghĩa là “phần”, một ý nghĩa là “tánh”. “Phần” chính là giới tuyến. Thí dụ nói quốc gia với quốc gia có giới tuyến, tỉnh với tỉnh có giới tuyến, huyện với huyện có giới tuyến, ý nghĩa là như vậy. “Tánh” chính là tự tánh, nhà Phật gọi là Nhất Chân Pháp Giới, chính là tự tánh, chính là chân như. Ba điều phía sau đều là thuộc về hồi hướng. Ý nghĩa của hồi hướng rất sâu rộng.
Người chân thật chịu phát tâm cũng chính là người phải chân thật tu hành. “Kinh Hoa Nghiêm” nói tiêu chuẩn phải là đại tâm phàm phu. Đại tâm có ý nghĩa hay. Vì sao phàm phu học Phật không thể thành tựu? Không phải nói bạn không có phát tâm, không phải nói bạn không có phát nguyện, không phải nói bạn không có dụng công. Bạn mỗi ngày ở trước mặt Phật Bồ Tát phát nguyện, bạn thật rất nỗ lực, rất dụng công, nhưng vì sao không hiệu quả? Vì tâm lượng của bạn quá nhỏ. Tâm lượng của bạn không cách gì đột phá được sáu cõi luân hồi. Sáu cõi luân hồi là một giới tuyến. Tâm lượng của bạn nhỏ trong giới hạn của nó nên bị nó bao lấy, bạn không thể đột phá ra. Chúng ta tu hành vô lượng kiếp, đời đời kiếp kiếp đến nay vẫn rơi vào cái bước này, vì vậy phải nên hiểu rõ lỗi lầm cuối cùng là do đâu. Chính do tâm lượng bạn quá nhỏ, cho nên nhất định phải phát đại tâm. Đại tâm mới có thể phá vỡ sáu cõi. Phá vỡ chẳng phải vượt khỏi sao? Ta lớn hơn so với nó, nó nhỏ hơn so với ta thì ta vượt qua thôi. A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát vì sao có thể vượt ra khỏi tam giới? Vì tâm lượng của các Ngài còn lớn hơn tam giới sáu cõi nên các Ngài đều vượt qua. Chúng ta phải đoạn phiền não, vượt tam giới, cách này rất ngốc, rất khổ, rất khó tu. Phật dạy chúng ta một phương pháp rất tuyệt diệu, tâm lượng của bạn vừa mở rộng thì bạn liền đột phá. Bên ngoài vẫn còn một ải là mười pháp giới, cho nên tâm lượng của bạn vẫn phải mở rộng vượt hơn cả mười pháp giới thì bạn thành công.
Trên Kinh nói thật không sai, Phật và Pháp Thân Đại Sĩ là tâm bao thái hư lượng khắp pháp giới. Mười pháp giới cũng ở trong tâm lượng của họ, vậy là họ siêu việt, bao gồm tất cả những phiền não tập khí tự nhiên liền mất. Vì sao vậy? Phiền não tập khí đều từ trong tâm lượng nhỏ hẹp mà biến hiện ra, cho nên khi tâm lượng vừa lớn thì phiền não tập khí từ vô lượng kiếp đến nay không cần phá, tự nhiên liền không còn. Bạn thấy, phương pháp này thật xảo diệu.
Sau đó chúng ta mới chân thật tin tưởng, Thế Tôn vì chúng sanh thế giới này của chúng ta nói pháp, “chỉ có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba”. Chúng ta tin tưởng, thấu hiểu lời nói này của Phật không hề sai. Phật vì chúng ta nói pháp chính là dạy cho chúng ta ở ngay trong cuộc sống này viên mãn một đời làm Phật. Bạn làm Bồ Tát, Phật đều lắc đầu, chưa đủ. Phật nhất định muốn bạn làm Phật. Không những muốn bạn làm Phật mà còn muốn bạn phải làm Phật cứu cánh viên mãn. Trong bốn giáo của tông Thiên Thai, Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật, Biệt Giáo Phật đều không làm, mà làm Viên Giáo Phật, đó mới là mục đích chân thật mà Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này. Thế Tôn giáo huấn chân thật đối với tất cả chúng sanh, nếu như chúng ta không thông hiểu ý nghĩa của Ngài, không thể đạt đến được trình độ này thì chúng ta không phải đệ tử chân thật của Thế Tôn, không phải là học trò tốt của Ngài. Học trò tốt nhất định không phụ lòng kỳ vọng của thầy giáo, ngay trong một đời này chúng ta quyết định làm Phật. Nếu y theo “Hoa Nghiêm”, y theo “Kinh Vô Lượng Thọ” thì nhất định không có vấn đề, chúng ta có thể tin được. Hai bộ Kinh này chân thật là bảo bối, là pháp bảo vô thượng. Hy vọng đồng tu chúng ta người người đều trân trọng cơ hội hiện tại này.
* (Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Tập 22)
* Giảng lần thứ 10 tại Singapore
* Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không