Hiện nay có nhiều địa phương cúng tượng Phật, Bồ Tát chỉ có nửa người, có chỗ cúng tượng Phật, Bồ Tát chỉ có cái đầu, cúng như vậy tạo tội nghiệp, quả báo này nhất định ở tại địa ngục. Cúng tượng Phật nửa người thì tội nghiệp đã chẳng nhẹ, đọa lạc sanh tử chẳng có công đức. Thế nên vẽ hình tượng Bồ Tát phải vẽ cho hoàn chỉnh, phải vẽ tượng toàn thân (cả người), không thể vẽ tượng nửa người, bất luận là tượng ngồi, hoặc đứng đều phải vẽ toàn thân, phải chú ý điểm này! Chúng ta tạo tượng người phàm chúng ta có thể tạo tượng nửa người, không thành vấn đề, còn tượng Phật, Bồ Tát thì tuyệt đối không thể. Tượng người có thể tạo nửa người, bạn nói có ai tạo tượng chỉ tạo cái đầu còn ngoài ra không có gì khác. Trong phong tục tập quán của chúng ta, đây là điều không cát tường, đầu bị người ta chém đứt rồi, sao lại làm như vậy? Không thể như vậy được. Ở đây ngài có viết một câu như vậy, đặc biệt nhắc nhở chư vị đồng tu.
Trong chú giải ngài dùng một đoạn trong Kinh Tạo Tượng Công Đức, trang 33 hàng thứ hai, câu cuối cùng: “Kinh Tạo Tượng Công Đức nói: “Nếu ai lúc lâm chung, thốt lên lời nói [bảo người khác] tạo tượng, thậm chí [tượng được tạo] chỉ nhỏ như hạt lúa mạch, đây là đại mạch, tức là nói tạo tượng, tượng rất nhỏ, nhỏ như hạt lúa đại mạch, rất nhỏ. “có thể trừ tội trong mười ức kiếp sanh tử suốt ba đời, có mười một công đức”. Tạo tượng nhỏ như hạt lúa cũng có công đức to lớn như vậy, huống chi là tạo tượng Phật, Bồ Tát lớn? Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Có lẽ ngày nay có một số người đọc thấy lời này nên tranh nhau tạo tượng Phật lớn, tạo tượng Bồ Tát lớn, họ tạo tượng như vậy có thể có công đức lớn như vậy không? Như đoạn trước có nói, nếu là bất tịnh tài thì sẽ chẳng có công đức này. Thế nên tạo tượng nhất định phải cân nhắc khả năng của mình, miễn cưỡng tích tụ rất nhiều tiền tài bất tịnh thì tượng này tạo không đúng như pháp.
Do đó tạo tượng thì mọi người đều có thể tạo, công đức có được lại không giống nhau. Là cái gì không giống? Nơi phát tâm tạo tượng của bạn, chỗ khởi tâm, tại sao khởi tâm niệm muốn tạo tượng này, động cơ của bạn ở đâu. Nếu tượng này đích thật sẽ làm cho mọi người trồng thiện căn, khởi phát tâm Hiếu của mọi người thì công đức này rất lớn. Nếu động cơ là vì muốn trang nghiêm đạo tràng của mình, tỏ rõ đạo tràng này thù thắng hơn nơi khác, trong ấy có tâm cao thấp, nhà Phật gọi là tâm cao hạ, giống như tranh đua vậy, tâm như vậy không tốt, tâm đó là tâm háo thắng. Tâm háo thắng tuy có công đức rất lớn, tương lai sẽ sanh vào cõi nào? Cõi A Tu La, đường Tu La, kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta phước báo lớn nhất là A Tu La ở cõi Trời, kế đó là A Tu La cõi người, kế đó là A Tu La cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, bốn cõi này đều có A Tu La, chỉ có địa ngục là chẳng có A Tu La. Do đó A Tu La đọa vào cõi nào thì dùng cõi đó để xưng tên. Trong kinh Phật thường gọi là năm cõi (ngũ thú), năm cõi chẳng kể A Tu La, A Tu La ở cõi nào thì tính là cõi đó. Nói sáu cõi thì chỉ A Tu La [riêng rẽ]. Có thể thấy trong kinh Phật thường nói: “Nhân địa bất chân, quả chiêu vu khúc.”[Nhân địa chẳng thật sẽ chiêu cảm được quả cong quẹo], sơ phát tâm của chúng ta là gì? Vì sao lại làm như vậy? Cho nên chân chánh tạo tượng là vì phát triển hoằng dương Phật pháp, đem lợi ích cho chúng sanh, công đức ấy sẽ lớn.
• Trích từ: Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Tập 19.
地藏菩薩本願經講記
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không.
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba.
Thời gian: Khởi giảng ngày 28/5/1998.
Chuyển ngữ: Nhóm Diệu Âm.