Bạn đi đến chùa xin quý thầy quy y để được thọ ngũ giới và có pháp danh, vậy bạn có hiểu rõ được ý nghĩa chân thật của quy y Tam Bảo là gì không?
Lục Tổ Huệ Năng đại sư trong Đàn Kinh giảng về Tam Bảo rất hay: Phật Bảo là Tự Tánh Giác, Pháp Bảo là Tự Tánh Chánh, Tăng Bảo là Tự Tánh Tịnh. Lúc chúng ta thọ tam quy có đạt được Tự Tánh Giác, Chánh, Tịnh hay không? Nếu lúc bạn thọ Tam Quy đạt được thì bạn đã quy y thật sự, “quy y” nói trong kinh là việc này, chẳng phải là nói trên hình thức. “Quy” nghĩa là quay về, từ chỗ nào quay về? Từ chỗ mê, tà, nhiễm lúc trước. “Y” là gì? Nương theo Tự Tánh Giác, Chánh, Tịnh, đó là thật sự quy y, một niệm này đã quay về, đó thật sự là đệ tử Phật. Nếu chẳng xả bỏ mê, tà, nhiễm, chẳng nương theo Giác, Chánh, Tịnh thì sự quy y đó là mạo danh, nói dễ nghe một chút, như tông Thiên Thai nói trong Lục Tức, đây là Danh Tự Quy Y. Danh Tự Quy Y nghĩa là gì? Có danh không thật, một chút tác dụng gì cũng chẳng có. Muốn thật sự có thể hữu dụng, mức tối thiểu bạn cũng phải là “Quán Hạnh Quy Y”, nếu chúng ta tu học không thể khế nhập vào địa vị Quán Hạnh, chỉ ở địa vị Danh Tự thì sẽ luống uổng. Nói thật ra địa vị Danh Tự rất dễ tạo tội nghiệp, rất dễ đọa ba đường ác; khi đến địa vị Quán Hạnh, khi công phu quán hạnh được đắc lực thì có thể được phước báo nhân thiên, sẽ chẳng đọa tam đồ. Nếu vào địa vị Tương Tự thì bạn sẽ thành công, trên Bồ Tát đạo bạn tu hành chứng quả rồi. Tương Tự vị là quả vị gì? Nếu dùng quả vị nói trong kinh Hoa Nghiêm, “Địa vị Tương Tự” chính là Thập Tín Bồ Tát, bạn đã chuyển phàm thành thánh. “Phần Chứng” tam quy tức là quả vị Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên.
Công đức quy y không thể nghĩ bàn, bạn phải thật sự quy y, trong kinh Phật nói bạn chân chánh quy y thì có ba mươi sáu vị thần hộ pháp ngày đêm hộ vệ bạn, đây là việc đương nhiên. Tại sao họ phải bảo hộ bạn? Vì tôn kính bạn, khâm phục bạn, ngưỡng mộ bạn, chẳng phải có ai phái họ đến bảo hộ bạn mà họ tự động bảo hộ bạn. Đó mới gọi là Tam Bảo. Tự Tánh Giác, Chánh, Tịnh mới là Tam Bảo, đây là tổng nguyên tắc, tổng cương lãnh để tu hành chứng quả trong nhà Phật. Vừa vào cửa Phật, vào lớp đầu tiên liền truyền thọ tổng cương lãnh của việc tu hành chứng quả cho bạn, đó gọi là truyền thọ Tam Quy, làm cho bạn trong đời này, đời đời kiếp kiếp đều hướng về phương hướng này, nỗ lực tiến đến mục tiêu này, bạn mới có thể thành Bồ Tát, thành Phật. Nền giáo học trong Phật pháp thật sự là tốt đẹp đến cùng cực! Chân thật viên mãn, vừa mở đầu liền chỉ rõ ràng, chỉ rành rẽ con đường này.
Nhưng hiện nay [việc quy y] chúng ta thường thấy là quy y một vị pháp sư nào đó, như vậy là hỏng hết. Thói tệ “quy y một pháp sư nào đó” đã bắt đầu từ lâu rồi, trong trước tác của Ngẫu Ích đại sư chúng ta thấy được. Ngẫu Ích đại sư là người cuối triều Minh, lúc đó ngài đã nêu ra sự hiểu lầm của việc quy y. Cho nên có thể biết vào thời đại đó, cách chúng ta năm trăm năm, năm trăm năm trước đã có việc “quy y một pháp sư nào đó” rồi, chẳng phải quy y Tam Bảo. “Đây là sư phụ của tôi, vị kia không phải sư phụ của tôi”, nghĩ như vậy là phá hòa hợp tăng. Tăng đoàn là một gia đình hòa hợp, những đệ tử quy y trong đó có phân biệt, chấp trước đây là sư phụ của tôi, đây là đạo tràng của sư phụ tôi nên tôi phải ủng hộ, còn kia chẳng phải nên tôi bài xích, làm vậy là đã phá hòa hợp tăng. Mọi người đều biết việc phá hòa hợp tăng là tạo tội nghiệp đọa Vô Gián địa ngục; nói cách khác khi bạn chưa quy y thì còn chưa tạo tội nghiệp, sau khi quy y lại tạo nên tội nghiệp này, đến cuối cùng quy đến chỗ nào? Quy đến A Tỳ địa ngục, như vậy có oan uổng không? Sai lầm quá đỗi.
Tại sao lại sanh ra sự sai lầm này? Do một niệm mê tình, một niệm tự tư, tạo thành sai lầm to lớn này. Sự sai lầm này từ từ lan rộng ra, làm cho nhiều người đối với ý nghĩa chân chánh của sự quy y mê mất, không những có ảnh hưởng rộng lớn, mà thời gian ảnh hưởng cũng dài, từng đời truyền mãi về sau, chúng ta cứ tưởng như vậy là đúng, ai có thể phát hiện được sự sai lầm này? Nếu chúng ta không đọc Lục Tổ Đàn Kinh, nếu không đọc những trước tác của Ngẫu Ích đại sư thì làm sao chúng ta biết được? Đàn Kinh khơi gợi cho chúng ta, khi Lục Tổ truyền quy y, ngài chẳng nói “Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, ngài chẳng giải thích như vậy. Ngài nói “Quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”. Năm xưa lúc tôi đọc kinh này đã đem lại sự khơi gợi rất lớn cho tôi, tại sao ngài lại nói như vậy? Ngài là người đời Đường, cách chúng ta hơn một ngàn ba trăm năm, chắc chắn lúc đó mọi người đã hiểu lầm Tam Bảo, mê trong “Phật, Pháp, Tăng”, chẳng biết ý nghĩa thật sự của Phật, Pháp, Tăng, cho nên ngài mới nói “Quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”, sau đó nói “Phật nghĩa là Giác, Pháp nghĩa là Chánh, Tăng nghĩa là Tịnh” ngài nói như vậy. Ngài nói như vậy là vì người thời đó chắn chắn đã hiểu sai ý nghĩa chân chánh của Phật, Pháp, Tăng rồi cho nên Huệ Năng đại sư truyền thọ Tam Quy mới dùng cách nói [như trên], nhằm thức tỉnh mọi người, việc này rất có lý.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – tập 33 / trang 511,512)