Ý nghĩa chứa đựng trong danh hiệu của Phật, Bồ Tát sâu rộng vô tận, danh hiệu công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa hàm chứa trong danh hiệu, nhất định phải niệm cho ra tánh đức của mình, danh hiệu của Phật là danh hiệu của Tánh Đức, danh hiệu của Bồ Tát là danh hiệu của Tu Đức, Tánh – Tu chẳng hai. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, niệm danh hiệu này đem tâm từ bi của mình phát ra, như vậy gọi là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát là đem tâm hiếu kính của mình phát ra, đó là Địa Tạng, Địa Tạng là hiếu kính.
Văn Thù là trí huệ, Phổ Hiền là thực hành, làm chân thật, thế nên niệm danh hiệu Bồ Tát phải niệm như vậy mới thực sự có công phu. Danh hiệu của Phật là tánh đức, niệm Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân từ thanh tịnh, Thích Ca nghĩa là nhân từ, Mâu Ni nghĩa là thanh tịnh, niệm niệm dùng nhân từ để đối đãi hết thảy chúng sanh, trong hết thảy cảnh duyên bố thí tâm thanh tịnh của mình, như vậy là niệm Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác, giác tức là không mê, giác tâm bất động, do đó niệm câu A Di Đà Phật này gọi là nhất tâm xưng niệm, niệm đến cùng cực thì được nhất tâm bất loạn, nhất tâm tức là tâm bất động. Tâm còn bị cảnh giới bên ngoài lay động, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài vẫn còn khởi tâm động niệm, vậy thì chẳng phải A Di Đà Phật. Tâm A Di Đà Phật tiếp xúc cảnh giới bên ngoài chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng có phân biệt, chẳng chấp trước, như vậy gọi là A Di Đà Phật.
Chúng ta có thể hiểu được cách niệm như vậy, người đến lúc
mạng chung [danh hiệu] vừa lọt vào tai vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo, công đức này lớn lắm. Sức mạnh niệm Phật của húng ta, hiện nay chúng ta dùng “ba” (làn sóng) để giảng thì mọi người dễ hiểu, niệm lực này chính là làn sóng, tâm chân thành, tâm thanh tịnh thì làn sóng này thù thắng vô cùng. Tuy người ta chết rồi, nhưng ý thức vẫn còn, họ phải đi đầu thai, chúng ta nói A Lại Da thức vẫn còn, nghĩa là nói “bản thức (A Lại Da Thức) còn nghe được”. A Lại Da thức còn hoạt động, nó vẫn còn “sóng”, làn sóng này của chúng ta có thể khởi cảm ứng đạo giao với
làn sóng của người mất, đây tức là gia trì, tức là họ được lợi ích, giúp họ trồng hạt giống Phật trong A Lại Da thức. Sức mạnh của hạt giống mạnh hay yếu là ở tại người niệm, nếu người niệm hiểu lý, niệm niệm tương ứng thì sức mạnh của hạt giống này lớn vô cùng. Nếu chúng ta chẳng hiểu đạo lý này, nhưng cung kính chắp tay niệm câu Nam mô A Di Đà Phật, thì sức này yếu hơn. Vậy thì có lợi ích hay không? Vẫn có, nhưng đời này chẳng đạt được.
(Lược Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Quyển Hạ
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Tập 26 – PHẨM THỨ BẢY: LỢI ÍCH CHO KẺ CÒN NGƯỜI MẤT – Trang – 19 -20 )