Khẩu tạo nghiệp rất dễ dàng, khẩu tạo nghiệp đáng sợ nhất. Các vị đọc qua Kinh Địa Tạng, tạo khẩu nghiệp thì tương lai đọa địa ngục cắt lưỡi, địa ngục cày lưỡi. Bạn xem các địa ngục đó, có rất nhiều địa ngục đều là quả báo do nghiệp nhân của khẩu nghiệp mà ra. Vọng ngữ, hai chiều, ác khẩu, thêu dệt rất dễ dàng phạm phải, cho nên người chân thật tu hành, tương lai ở niệm Phật đường này, chân thật bước vào niệm Phật đường thì thân tâm thế giới tất cả buông bỏ, bao gồm tất cả ý niệm đều buông bỏ, chỉ có một niệm A Di Đà Phật thì bạn nhất định thành công, mới gọi là chân thật “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Chúng ta cũng không cần phải hỏi cách tu như thế nào, bạn chỉ là một lòng một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật thì điều này bạn liền làm được rồi, không nên khởi vọng tưởng tiếp nữa.
Hiện tại, còn có một loại người không chỉ chính mình khởi vọng tưởng, mà còn phái một số người đi nghe ngóng người khác, vọng tưởng này sẽ càng lớn, càng sai lầm. Bạn học Phật như vậy, học đến sau cùng đọa vào A Tỳ Địa ngục; A Tỳ Địa ngục có rất nhiều địa ngục lớn nhỏ, đều là nơi bạn nhận quả báo. Trên đề Kinh của bổn Kinh hiển thị ba cương lĩnh lớn để chúng ta tu hành là “Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác”. Nếu mỗi ngày bạn biết nhiều sự việc đến như vậy thì tâm của bạn làm sao có thể được thanh tịnh? Người xưa dạy chúng ta: “Biết nhiều việc thì phiền não nhiều”, bạn muốn biết nhiều việc đến như vậy để làm gì? Còn phải phái người đi nghe ngóng, bạn nói xem, có đáng lo không? Đại khái sau khi nghe ngóng thì nghiên cứu làm thế nào đối phó, phiền não này sẽ càng lớn, đó là giữ tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, hơn nữa đều là tạo ra địa ngục, ba đường, rất là đáng sợ. Chúng ta giác ngộ chính là phải từ ngay chỗ này mà tỉnh ngộ ra. Việc của người khác không liên quan gì với ta, ta nghe ngóng họ để làm gì? Ta quản họ để làm gì?
Cho nên Thiền tông Lục Tổ Đại Sư Huệ Năng nói rất hay: “Nếu là người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Không phải thế gian không có lỗi lầm, mà là họ quan tâm chính mình còn không kịp, làm gì có thời gian để đi quản người khác. Vậy thì phải dùng cách nhìn thế nào để xem người khác? Vừa rồi tôi nói qua, dùng cách nhìn của Phật để xem người khác, chúng ta xem người khác thảy đều là chư Phật Như Lai thị hiện. Họ hành thiện, thị hiện ra dáng vẻ thiện cho ta xem; họ làm ác là họ thị hiện dáng vẻ ác để cho ta xem, họ đều là chư Phật Như Lai, họ thảy đều không có lỗi.
Lỗi lầm ở đâu vậy? Ta thấy rồi khởi tâm động niệm thì là tạo tội nghiệp. Ta thấy cảnh giới tốt thì khởi tâm tham, nhìn thấy cảnh giới ác thì khởi tâm sân hận thì ta tạo nghiệp, họ không tạo nghiệp, họ là chư Phật Như Lai. Chúng ta hoàn toàn dùng loại tâm trạng này, tâm trạng chân thành để tu tập, chúng ta ngay trong một đời này nhất định thành Phật. Đúng như đã nói, trong cái nhìn của Phật xem tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Ngày nay chúng ta phải học theo chiêu này, đây là cao chiêu. Trong cái nhìn của Bồ Tát xem thấy tất cả chúng sanh đều là Bồ Tát, người thiện xem thấy tất cả chúng sanh đều là người thiện, người ác xem thấy Phật Bồ Tát cũng là người ác. Đạo lý này chúng ta phải nên hiểu, đạo lý này chính là “cảnh tùy tâm chuyển”. Vì sao chúng ta không dưỡng tâm Phật của chúng ta? Chúng ta chính mình vì sao không rõ Phật tánh của chính mình?
“Vì người diễn nói” là diễn điều này. Ngày nay người thế gian xem thấy cái này không đúng, nhìn thấy cái kia cũng không đúng, [còn] chúng ta xem thấy tất cả chúng sanh đều là Phật Bồ Tát, cung kính bình đẳng, đó chính là tu hạnh Phổ Hiền. Quyển Kinh vừa mở ra là “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”, đó là đệ tử Di Đà chân chính.
Khinh vô lượng thọ giảng lần thứ 10 năm 1998 (Trích tập 37)
Chủ giảng : Hoà Thượng Tịnh Không