Tôi ở nước ngoài giảng Kinh cũng không tệ, pháp duyên rất thù thắng. Có rất nhiều đồng tu hỏi tôi: “Pháp sư à! Ngài dùng phương pháp gì để bổ dưỡng? Tôi thấy thân thể của Ngài rất tốt”. Tôi nói, tôi có bổ phẩm tốt nhất, bổ phẩm gì vậy? Nước từ công ty nước máy Đài Loan. Tôi chỉ uống nước, không có bất cứ thì gì khác, trà lá tôi đều không uống. Vì sao vậy?
Pha trà phiền phức, hao phí tinh thần, làm việc này thật là không đáng. Tôi ăn cơm một bữa, rất là đơn giản, không có dinh dưỡng, tôi ăn vào thì rất là khỏe mạnh, các vị xem qua thật là không chịu nổi. Đây là lời chân thật, không phải là giả. Tại vì sao vậy? Các vị phiền não nhiều, vọng tưởng nhiều. Thân thể là một cái máy, mà cái máy đang không ngừng hoạt động, vận động thì phải có năng lượng, năng lượng chính là thức ăn, ăn uống bổ sung năng lượng cho thân thể, để cho thân thể này vận động được tốt hơn, thế nhưng trên thân thể của mỗi một người khác nhau, có máy móc tiêu hao năng lượng, có loại tiết kiệm năng lượng.
Thân thể này của tôi là tiết kiệm năng lượng, thân thể của các vị là tiêu hao năng lượng, cho nên các vị cần phải bổ sung lượng lớn, một ngày ba bữa không đủ, còn phải ăn dặm thêm mấy lần. Thế nhưng năng lượng tiêu hao vào chỗ nào vậy? Các vị đều không biết, tôi nói cho các vị nghe, 95% tiêu hao nơi vọng tưởng. Cho nên tâm của bạn càng thanh tịnh thì năng lượng bạn tiêu hao càng ít, bổ sung chút xíu thì đủ dùng rồi. Thế Tôn năm xưa ở đời, trong tăng đoàn nửa ngày ăn một bữa là đủ dùng rồi. Trên Kinh Phật nói với chúng ta, tâm của A La Hán thanh tịnh hơn so với chúng ta nhiều, cho nên một tuần lễ ăn một bữa. Bạn liền biết được, năng lượng của họ tiêu hao rất ít. Bích Chi Phật sức định sâu hơn so với A La Hán, cũng chính là tâm thanh tịnh hơn nhiều, cho nên nửa tháng ăn một bữa. Bích Chi Phật nửa tháng đi khất thực một lần. Các Ngài ăn món gì vậy? Đi khất thực, người ta cho thứ gì thì ăn thứ đó, không hề yêu cầu.
Cho nên chúng ta nên biết, mỗi ngày chúng ta ăn nhiều đến như vậy thì chính mình phải sanh tâm hổ thẹn, vọng niệm quá nhiều, đều tiêu hao ở nơi đó. Vọng niệm ít, tâm địa thanh tịnh, đối với lao tâm lao lực đều tiêu hao ít.
Tôi ở Đài Trung, thân cận lão sư Lý mười năm, tôi học theo thầy. Thầy nửa ngày ăn một bữa, cũng gần hơn 50 năm, một ngày ăn một bữa, ăn rất ít. Sức làm việc của thầy so với sức làm việc của năm người thông thường cũng không bằng thầy. Bình thường một người muốn gặp thầy thì phải hẹn trước một tuần, nếu không phải hẹn trước một tuần lễ, lâm thời đến nhất định không tìm được thầy. Thầy làm việc quá bận rộn. Cho nên khi tôi theo thầy, tôi mới biết được sự tiêu hao năng lượng 95% là ở nơi vọng tưởng. Sức làm việc của lão sư Lý tuy là nhiều, nhưng do thầy không có vọng tưởng, cho nên sự tiêu hao năng lượng của thầy ít đến như vậy. Tôi học với thầy, nhưng không cách nào học được. Tôi cũng ăn một bữa, thế nhưng bữa ăn của tôi nhiều hơn so với thầy. Chúng ta ăn bánh mạn đầu nhỏ (một loại bánh bao bột), lão sư Lý một bữa ăn hai cái bánh bao bột, nhưng tôi phải ăn ba cái. Vào lúc đó ở Đài Trung, phí dụng đời sống mỗi ngày của thầy là hai đồng tiền Đài Loan.
Các vị phải nên biết, vào lúc đó 40 đồng tiền Đài đổi lấy 1 đồng Mỹ kim, hay nói cách khác, 1 đồng Mỹ kim, lão sư Lý có thể sống được 20 ngày. Tôi thì không cách nào sống đủ, một ngày tôi phải dùng ba đồng Đài, làm thế nào cũng không làm được như Ngài. Đây chính là tâm của chúng ta, cái tâm thanh tịnh này vẫn là không thể so được với Ngài.
Đời sống càng đơn giản càng tự tại, đó gọi là phước báo chân thật. Phước báo không phải có địa vị, không phải có tiền của, mà phước báo là đối với thế xuất thế gian, thông đạt tường tận chân tướng của người và sự vật, đời sống đơn giản, tùy duyên an vui, đây gọi là thật tự tại, đây là phước báo chân thật. Người thế gian không biết điều này.
Trong lòng không có vướng bận, không có lo buồn, thân không có lão khổ, đây mới là phước báo chân thật. Cho nên câu nói “bất nhiễm lợi dưỡng”, đặc biệt là các đồng tu xuất gia phải cố gắng ghi nhớ. Vừa nếm được lợi dưỡng thì bạn liền đọa lạc, hay nói cách khác, ba đường liền có phần. Quyết định không nên tiêm nhiễm, định huệ của bạn thành tựu, có thể tùy duyên, nhưng trong tùy duyên quyết định không tiêm nhiễm. Đại đức tông môn thường nói “bách hoa tùng trung quá, phiến diệp bất triêm thân”, chính là đạo lý này. Đó là tùy duyên.
Nam Mô A Di Đà Phật!
TRÍCH Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 128)
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.