Có rất nhiều người hỏi tôi: “Thầy rất có tiền, tiền do đâu mà có?” Thật đấy! Trong các tôn giáo, Phật giáo xác thực là có tiền nhất, tiền do đâu mà có? Do bố thí, càng thí càng đưa tới nhiều hơn. Đừng nên hỏi xin tiền người khác, cứ tận hết sức tu bố thí, nó sẽ đưa tới.
Dân gian Trung Quốc thờ thần Tài, thần Tài là ai? Chính là đại phu Phạm Lãi của nước Việt thời Xuân Thu, có lẽ người bình thường biết đến Phạm Lãi chẳng nhiều lắm, nhưng người biết Tây Thi rất nhiều. Tây Thi là vợ của Phạm Lãi. Thuở trẻ, Tây Thi bị quốc vương là Câu Tiễn phái sang nước Ngô, làm gián điệp trước mặt Ngô vương Phù Sai, sưu tập tình báo. Do vậy, nước Ngô lẽ đâu chẳng vong quốc? Nước Ngô đã mất rồi, cô ta trở về ôm lấy chồng, cùng nhau rời khỏi Câu Tiễn, đi buôn bán. Người này thông minh, có trí huệ, yêu nước, thực hiện hy sinh, hiến dâng. Buôn bán được mấy năm bèn phát tài, sau khi phát tài bèn đem của cải cứu giúp nhân dân đói nghèo, tức là tán tài, đi khắp nơi kết duyên, bố thí, cúng dường. Bố thí hết rồi, từ món vốn nhỏ nhoi lại buôn bán, sau hai ba năm lại phát tài, quý vị thấy lịch sử ghi là ông ta “tam tụ, tam tán” (ba lần đại phát tài, ba lần phân chia hết tài sản). Trong mạng ông ta có tiền của. Bố thí hết rồi, mấy năm sau lại phát đạt, lại còn phát tài nhiều hơn trước, phát tài rồi lại tán tài, tam tụ, tam tán. Đây là điển hình, khuôn mẫu cho giới thương nhân.
Vì thế, người Trung Quốc coi ông ta là Tài Thần, trong quá khứ thờ Tài Thần là thờ Phạm Lãi. Tôi thấy ở Đài Loan cũng thờ thần tài, nhưng xem ra là ai? Quan Công! Quan Công chẳng dính dáng gì đến phát tài. Quan Công tượng trưng cho nghĩa khí, trong mười hai đức mục, Quan Công đại diện cho lễ nghĩa liêm sỉ, trọn chẳng tượng trưng cho của cải. Thờ Phạm Lãi làm Tài Thần thì có lý, phải học tập ông ta quý vị mới có thể phát tài. Do vậy, bố thí hết sức trọng yếu. Kẻ muốn phát tài, hãy tu tài bố thí. Của cải chẳng dành cho chính mình, của cải phải vì quảng đại quần chúng, quý vị mới thật sự phát tài.
* Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 98
* Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
* Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
* Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong
Hoan nghênh copy đăng tải rộng rãi kết thiện duyên.