Đạo Phật, Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Uy nghi khi lễ lạy, tụng kinh

Uy nghi khi lễ lạy, tụng kinh - Thích Nhất Hạnh
🙏 Không nên đứng ở khoảng giữa trước bàn thờ mà lễ lạy, vì đó là chỗ của vị thủ tọa.
* Khi có người đang lạy, không đi ngang qua trước mặt người ấy.
* Khi muốn thực tập lễ lạy, nên vào sớm trước khi có chuông báo giờ tọa thiền của chúng, hoặc sau khi đại chúng đã xong buổi công phu để tránh gây trở ngại cho những người khác đang đi lại trong thiền đường.
* Chắp tay phải ngay ngắn, các ngón tay không so le, tay không cầm vật gì.
* Nếu quán tưởng hai bàn tay là búp sen, thì có thể có chỗ trống giữa lòng hai bàn tay.
* Không đụng các ngón tay vào cằm hoặc vào lỗ mũi.
* Thở nhẹ và sâu ba hơi rồi quán tưởng trước khi lạy.
* Khi lạy, đưa búp sen hai tay lên ngang trán, rồi hạ xuống ngang ngực trước khi xòe hai tay sang hai bên để lạy xuống. Đưa tay lên ngang trán và đi ngang qua bình diện trái tim ngụ ý đem cả tim và óc mình mà lễ lạy.
*** Khi lạy xuống, năm vóc phải thực sự sát đất.
Trong tư thế năm vóc sát đất, ngửa hai bàn tay ra hai bên đầu, tỏ ý trình bày hết con người thật của mình lên Bụt, không dám dấu diếm một điều gì.
Lạy xuống, phải buông bỏ hoàn toàn ý niệm về ngã.
Mình không là gì cả, mình không có gì cả, tất cả cơ thể, sức khỏe, tài năng, thông minh, kiến thức của mình đều là những gì của tổ tiên tâm linh và huyết thống trao truyền lại.
Lạy như thế nào mà hòa nhập được vào dòng sống của tổ tiên và các thế hệ hậu lai, để không thấy mình còn một cái ta riêng rẽ và khổ đau.
Trong tư thế năm vóc sát đất, nên thở thật thoải mái ba lần, để cảm thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng và không lo lắng gì trong giờ phút ấy.
Đây là một phép thực tập quay về nương tựa nơi dòng sống bất diệt của tổ tiên.
Nếu Phật đường đông người quá thì có thể chọn những lúc vắng người để lễ lạy. Nên thực tập năm cái lạy, ba cái lạy hoặc Sám pháp địa xúc mỗi ngày, vì lạy như thế giúp ta chuyển hóa khổ đau và trị liệu tâm lý cô đơn và giải trừ những mặc cảm.
*** Tụng kinh, nên để tâm ý vào lời kinh, đừng nên chỉ chú trọng vào kỹ thuật tán tụng và âm điệu.
Niệm Bụt đừng niệm suông bằng miệng, phải tiếp xúc với nội dung đại từ, đại bi, đại trí và đại nguyện của Bụt.
Nên biết sử dụng mười danh hiệu Bụt để làm sống dậy trong tâm những chất liệu ấy của Bụt.
* Xướng tụng không nên bắt giọng quá cao hay quá thấp.
* Không nên sử dụng bùa phép, xem tướng, bói quẻ, chủ trương đốt vàng mã và tiền giấy, không cúng giải trừ sao hạn, thực tập đồng bóng, trừ tà yếm quỷ.
* Không nên biến sự thực tập hộ niệm thành nghề cúng bái, đưa ra giá cả cho những đám tang hoặc những buổi cầu siêu.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
Trích trong : Các thiên uy nghi.
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *