Người có lòng thành tín, có tâm lễ kính, biết y giáo phụng hành, trường kỳ chuyên tâm tu học thì người đó sẽ dễ đạt đến công phu thành thục. Người không thành tâm, tu hành không chuyên nhất, thích ôm đồm nhiều thứ thì thường chỉ thu lượm những kiến thức bên lề, dễ biến thành vọng tưởng, khó thâm nhập vào đạo pháp. Trong đó sự thành kính là chìa khóa khai đạo. Thành tất linh “ thành kính sẽ được linh ứng”, đây là điều tối quan trọng chúng ta cần nên chú ý.
Xin kể ra đây một chuyện vừa mới xảy ra năm ngoái (2004) về một sự linh ứng bất khả tư nghì cho cô bác nghe. Câu chuyện do ông Lâm Tâm Nhuận, một thành viên trong ban trị sự hội tịnh tông ở Sydney Úc châu kể lại về một sự có liên quan đến đứa cháu trai, con người anh thứ tư của ông. Khi đó, người cháu trai 29 tuổi, có vợ và một con mới 18 tháng, là nạn nhân trong một tai nạn lưu thông khá nặng vào ngày 28/2/2004 tại Malaysia.
Sau khi bị tai nạn, người cháu của ông được đưa về bệnh viện cấp cứu, nhưng đã bị chấn thương sọ não, nên đã hoàn toàn mê man bất tỉnh. Trong suốt ba ngày liền bác sĩ tây y và đông y đều liên tục theo dõi và chữa trị, nhưng sau cùng họ xác định rằng khó có hy vọng tỉnh lại, và báo cho gia đình biết rằng nạn nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Biết được bác sĩ đã vô phương cứu chữa, người anh của ông quyết định đem con về nhà niệm Phật hộ niệm, việc sống chết quyết lòng giao trọn cho Phật, Bồ Tát gia trì. Cháu ông được đưa về nhà và đặt nằm trong phòng thờ Phật. Trước thân thể bất động của con, người cha đã khai thị như vầy:
– Con à, hiện tại, vì một tai nạn xe mà khiến con bị ảnh hưởng và lâm vào tình trạng vô cùng nguy kịch, tánh mạng như chỉ mành treo chuông. Các bác sĩ ở bệnh viện đều phải bó tay chịu thua, cho nên ba mới đem con về đây niệm Phật. Nếu duyên thọ của con chưa dứt, thì hãy mau mau tỉnh dậy. Bằng ngược lại, thì ba đây vì con mà niệm Phật, niệm cho đến khi nào được đức Phật A Di Đà tới tiếp dẫn thì con mới đi. Bằng không, nếu có ai khác tới dụ dẫn con, con cũng mặc kệ, nhất định không theo. Nhớ lời dặn dò của ba và nương vào Phật mà liễu thoát sanh tử. Nhớ nhé! Nhớ nhé!
Nói xong, anh của ông bắt đầu đem hết tâm thành ra niệm từng câu Phật hiệu. Cả nhà cũng đều dốc lòng kiên trì thành tâm hộ niệm. Họ thành tâm niệm Phật, khẩn thiết cầu Phật Bồ Tát gia bị. Tất cả đều niệm Phật nhiếp tâm đến nỗi dường như quên cả thời gian và thực tại bên ngoài. Họ cứ niệm mãi, niệm mãi… không ngừng. Niệm cho đến sáng ngày thứ ba ( nghĩa là thêm ba ngày nữa), tất cả là sáu ngày trong cảnh mê man bất tỉnh, thì đứa cháu ông tỉnh dậy, tỉnh hẳn như người bình thường và có thể trở lại sở làm việc. Thật bất khả tư nghì!
Ai đã cứu cháu của ông thoát cái chết, ông viết tiếp:
Tôi hỏi đứa cháu:
– Trong lúc hôn mê con có thấy gì đặc biệt không? Con đã thấy gì, và đi đâu?
Cháu tôi kể ra hết, đặc biệt nó nói là nó đã thấy đức Quán Thế Âm Bồ tát ( giống y như bức thánh dung mà ba mẹ đang thờ trong nhà) nhưng cao lớn lạ thường. Ngài được vây quanh bởi nhiều Thánh chúng, xuất gia có, tại gia có, số lượng đông đến không thể kể hết.
Và đặc biệt trong số đó nó thấy có cả ông nội nữa. Quán Thế Âm Bồ Tát tay cầm nhành dương liễu đã rảy nước lên người con ba vòng. Khi con vừa chợt phát khởi lên ý gọi Ngài, thì ngay lúc ấy con đã tỉnh dậy.
Câu chuyện này có thật, mới vừa xảy ra. Như vậy, tụng kinh Địa Tạng Bổn Nguyện có thể giải nạn, thì niệm Phật cũng được tiêu tai giải nạn…
Cũng xin nói thêm là, người cháu có nhắc đến ông nội của anh ta đã cùng đến với Quán Thế Âm Bồ tát, đây chính là cụ Lâm Đạo Truyền đã vãng sanh lúc 11 giờ 20, ngày rằm tháng 2 năm 2004 (năm Giáp Thân) nghĩa là trước đó không lâu.
Cụ đã biết trước ngày ra đi ba tháng và âm thầm chuẩn bị tất cả những gói quà cùng tiền bạc chia phần cho từng người, nhưng việc vãng sanh thì chỉ báo cho người nhà biết trước khi ra đi 30 phút. Cụ nói cho người con trai trưởng biết rằng vào giờ phút đó A Di Đà Phật sẽ tới tiếp dẫn, rồi cụ an nhiên nằm theo thế kiết tường vãng sanh, hưởng thọ 101 tuổi.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT xin thường niệm.
(Trích “Khuyên Người Niệm Phật” – Diệu Âm cư sĩ)