Một pháp Niệm Phật là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện để dứt niệm. Chẳng niệm gì khác ngoài niệm Phật cũng là một cách để hoán chuyển mỗi ý niệm. Niệm Phật xem ra rất gần với quán tưởng.
Niệm Phật chính là tịnh niệm, đem một niệm thanh tịnh để đối trị các niệm nhiễm trược. Và nhất tâm mà niệm lại chính là dùng cái niệm thuần nhất để đối trị những niệm tạp loạn.
Vả lại, Phật là Giác, niệm niệm đều là Phật thì niệm niệm đều là Giác. Giác là biết tự tánh vốn vô niệm; vì thế bảo là càng thân thiết. Nhưng nếu có thể siêng năng, khẩn thiết Nhất Tâm thì sẽ có thể đạt tới mức niệm mà vô niệm. Phải biết rằng mục đích của niệm Phật phải quy về vô niệm, tức là quay về với Chơn Như, thì chẳng nói đoạn mà tự đoạn, chẳng cầu chứng mà tự chứng vậy. Phương tiện ấy hay đến mức như thế đó!
Tuy công phu niệm Phật chưa thể đạt tới niệm mà vô niệm, nhưng nếu hạnh nguyện chơn thật, thiết tha, nương vào bi nguyện lực của Phật Di Ðà cũng sẽ được tiếp dẫn vãng sanh, liền giống như bậc A Tỳ Bạt Trí, Hán dịch là Bất Thối, tức là địa vị Sơ Trụ. Nếu tu các pháp khác thì cần phải trải qua nhiều kiếp số lâu xa, nay pháp này được thành tựu ngay trong một đời nên bảo là pháp phương tiện nhất trong các pháp phương tiện.
Nhưng để đúng là hạnh nguyện chơn thật, thiết tha thì ắt phải cả đời niệm Phật cầu sanh thì mới đúng là chơn thật, thiết tha. Nếu một mặt niệm Phật, một mặt lại khởi lên những ý tưởng trần trược thì hạnh nguyện chẳng chơn thật, thiết tha vậy.
Vì thế, người niệm Phật phải đoạn một tầng ý niệm. Nếu như chưa thể dễ dàng làm được thì phải nên cố thực hiện cho được hai câu: “Chẳng trụ vào sắc mà sanh tâm, chẳng trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm”.
Nếu chẳng được vậy thì nguyện chẳng thiết, hạnh chẳng chơn, làm sao được Phật tiếp dẫn đây? Trần trược khí nặng hết sức chẳng tương ứng với hai chữ Thanh Tịnh nên Phật cũng chẳng biết làm sao được nữa!
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu tác phẩm Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Thắng Quán Diệu Hú Giang Vị Nông thời Dân Quốc