Người đời ai ai cũng đều tự cho mình rất hiền lương vì ít nhiều cũng đã từng làm việc thiện giúp đỡ người khác. Nên khi gặp phải tai nạn, hay những khi bệnh hoạn khó khăn thì nếu không oán trời tất cũng trách người. Cho rằng ông trời đã không công bằng với họ, tại sao họ đã làm không ít việc thiện mà sao cuộc đời họ cứ luôn lâm vào những hoàn cảnh hiểm nghèo như vậy ? Để rồi từ đó đánh mất đi lòng tin vào Nhân-Quả, không còn muốn tiếp tục làm việc thiện nữa.
Điều này nói lên rằng, họ chỉ tin vào Nhân-Quả, nhưng lại không hiểu rõ về Nhân-Quả, nên dẫn đến khi gặp phải hiểm cảnh, nghịch cảnh ít ai chịu bình tâm mà nghĩ đến vấn đề trả nghiệp, để chính mình sanh lòng ăn năn hối cải.
Theo quy luật Nhân-Quả thì trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Hạt giống dưa chính là nhân, nếu nhân lúc ban đầu không tốt thì khi gieo xuống đất sẽ đưa đến những quả dưa sau này sẽ không tốt. Ở đây, nhân không tốt là ví dụ cho những tạo tác ác nghiệp, còn nhân tốt là ví dụ cho những hành động thiện lành.
Khi ta đã trót gieo những hạt giống dưa xuống đất rồi mới biết đó là những hạt giống không tốt, liền nghĩ cách cứu chữa bằng cách gieo tiếp những hạt giống đậu thật tốt xuống đất, với hy vọng những hạt giống đậu này sẽ triệt tiêu mất những hạt giống dưa không tốt đã trót gieo trước đây, vậy thì đến khi thu hoạch có phải đều là đậu hết hay không?
Không thể được, trồng dưa thì ra dưa, trồng đậu thì ra đậu, dưa đâu thể biến thành đậu. Không phải vì ta gieo đậu xuống nhiều mà dưa không thể ra quả được, nên biết rằng từng loại từng loại đều có những quả riêng của nó.
Do đó, công và tội không thể lẫn lộn với nhau được. Tuy rằng họ đã làm rất nhiều việc thiện lành, nhưng bên cạnh đó họ cũng tạo không ít ác nghiệp. Những việc thiện do duyên chưa đủ nên thiện quả chưa thể trổ ra. Còn những ác nghiệp là do duyên đã đầy đủ nên ác báo mới trổ ra. Người làm thiện mà luôn gặp phải hiểm cảnh, đạo lý chính là ở chổ này.
Nên biết rằng, mỗi ngày chúng ta gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn, những nhân này không hề bị mất đi mà nó được lưu giữ trong tàng thức của chúng ta, chờ đợi khi đủ duyên thì liền lập tức trổ quả. Quá trình đi từ nhân đến quả đều cần phải có duyên tác động vào, do đó nếu không muốn nhận quả thì cần phải tránh tiếp xúc với duyên.
Giống như ta đem những hạt giống bỏ vào trong bình đậy kín lại không cho nó tiếp xúc với đất, nước, không khí….thì dù trải qua 100 năm cũng không bao giờ trổ quả. Vì sao? Vì không có duyên làm cho những hạt giống đó nẩy mầm đó mà.
Trước đây do bởi vô minh nên chúng ta đã trót gây tạo rất nhiều ác nghiệp, làm rất nhiều điều sai trái. Giờ đây đã giác ngộ chợt nhìn lại quá khứ của chính mình mà giật mình kinh sợ. Nếu muốn cho những nhân ác này không trổ ra quả ác có được không? Có thể được. Bằng cách nào? Tránh tiếp xúc với duyên ác.
Vậy làm sao để tránh duyên ác? Niệm Phật sẽ tránh được duyên ác. Trong cuộc sống hằng ngày thì ngoài trách nhiệm và bổn phận của mình ra, đừng cố thêm vào bất cứ việc gì khác. Khi có thời gian rãnh rỗi thì trong 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi đều chẳng rời khỏi câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Vậy thì sẽ tránh được việc tiếp xúc với duyên ác bên ngoài. Mà duyên ác không có thì dù có nhân ác cũng không thể trổ ra ác quả được. Ác báo không có thì cuộc sống mới dễ chịu, con đường tu học của chúng ta mới được hạnh thông.
Nam Mô A Di Đà Phật
Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không