Loại thứ nhất là “Hôn Trầm”. Tinh thần không thể đề khởi, ngồi ở nơi đó, thậm chí đứng ở nơi đó cũng có thể “ngủ gật”. Chúng ta thường gặp được trong lúc giảng Kinh, trong thính chúng có người “ngủ gật” mà ngáy ra tiếng, hoặc ngay trong lúc đả Phật thất cũng thường có người như vậy, đến khi chỉ tịnh thì chân thật là có rất nhiều người ngủ gật, thậm chí khi đang đi kinh hành, họ cũng đi, thế nhưng họ vừa đi vừa ngáy, đây là thuộc về hiện tượng của “Hôn Trầm”. Đây là chướng ngại, là phiền não rất nghiêm trọng.
Loại thứ hai là “Trạo Cử”. Trạo cử là trong tâm vọng niệm quá nhiều. Bình thường chúng ta không phát hiện ra, dường như không có vọng niệm, nhưng khi vừa chỉ tịnh tĩnh lặng lại, không biết từ đâu đến nhiều “vọng niệm” như vậy. Cho nên, có người nói với tôi, khi không ngồi tĩnh tọa thì không có “Vọng Niệm”, khi vừa tĩnh tọa thì nhiều “Vọng Niệm” đến như vậy. Kỳ thật, khi không ngồi tĩnh tọa thì “Vọng Niệm” cũng nhiều như vậy nhưng bạn không hề phát giác, đến khi bạn muốn tĩnh lặng lại thì mới phát hiện bạn “Vọng Niệm” nhiều đến như vậy, mới hiểu được phương pháp đối trị.
Thông thường chúng ta cũng không nói “Thất Giác Chi”, vì “Thất Giác Chi” nói được quá phiền não. Chân thật là có khế nhập tương đối với Phật pháp, biết dùng những nguyên lý, nguyên tắc trong kinh điển, thông thường chúng ta sử dụng phương pháp là khi “Vọng Niệm” quá nhiều thì nhất định phải bình lặng, không nên chú ý “Vọng Niệm”, càng sợ “vọng niệm” nhiều thì “vọng niệm” sẽ càng nhiều, chắc chắn không thể dừng lại. Khi “Vọng Niệm” khởi lên, dùng phương pháp gì vậy? Không nên để ý đến nó, nếu như niệm Phật thì đem ý chí chuyên chú vào câu Phật hiệu, không luận là thiện niệm hay ác niệm, thảy đều không để ý đến nó, ý niệm chuyển đổi, chuyên chú Phật hiệu lâu ngày dài tháng thì vọng niệm tự nhiên liền ít. Thông thường chúng ta dùng phương pháp này rất có hiệu quả.
Nếu như là “Hôn Trầm” nhẹ, không phải là rất nghiêm trọng thì Kinh hành, nhiễu Phật. Mọi người đang chỉ tịnh cũng không hề gì, chỉ cần bạn không chướng ngại đại chúng, bạn có thể đứng dậy nhiễu Phật. Thậm chí ở niệm Phật đường không quá lớn, không có chỗ để bạn nhiễu Phật, bạn có thể đứng dậy ra bên ngoài niệm Phật đường nhiễu Phật. Đây là phương pháp đối trị.
Nếu như hôn trầm tương đối nghiêm trọng một chút, thì tốt nhất là “Lạy Phật”. Nếu như “Lạy Phật” mà cũng ngủ, vậy thì không còn cách nào, rất khó làm. Cho nên nhất định phải đề khởi tinh thần, đương nhiên tinh thần cùng nguyện lực của chính mình có quan hệ rất lớn. Nhất định phải phát đại nguyện: “Nguyện độ chúng sanh, Nguyện liễu sanh tử, Nguyện thành Phật đạo”. Phàm là người có thành tựu, không gì khác là do có “nguyện lực” đang thúc đẩy họ, cho nên họ mới có thể dõng mãnh tinh tấn.
(Trích Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo – tập 67)
Hoà Thượng Tịnh Không