Ám khảo là để chỉ cho thử thách trong âm thầm không lộ liễu, hành giả nếu chẳng khéo lưu tâm tất khó hay biết.
Có người ban sơ tinh tấn niệm Phật, rồi bởi gia thế lần lần sa sút, làm điều chi thất bại điều đó mà sanh lòng lo lắng, chán nản không thôi, để rồi trể bỏ việc tu hành của chính mình.
Có vị thì công việc làm ăn âm thầm phát triển thuận lợi, rồi ham mê chạy theo lợi lộc mà quên lãng đường lối tu hành.
Có kẻ trước siêng năng tụng niệm, nhưng vì thiếu sự kiểm điểm bản thân, nên phiền não ở nội tâm mỗi ngày tăng theo 1 chút, rồi lần lần sanh ra biếng trễ, có đôi khi 3 tháng hay một vài năm không niệm Phật được 1 câu.
Có người tuy sự sống vẫn điều hoà đầy đủ, nhưng vì thời cuộc bên ngoài biến đổi, nên thân thế cùng với nhà cửa nay đổi mai dời, tâm mãi hoang mang hướng ngoại, bất giác quên bỏ sự trì niệm hồi nào không hay.
Trên đây đều là ảnh hưởng diễn biến của nghiệp thiện ác, nhưng nó có sức âm thầm lôi cuốn hành giả làm cho bê trễ việc tu hành, nên gọi là khảo. Khi mới bắt đầu tu, ai ai cũng có chung 1 điểm hảo tâm, nhưng rồi lần lượt bị những duyên nghiệp trong ngoài khảo đảo, khiến cho 100 người đã rớt hết 99 người. Cho nên người xưa thường nói:
– Tu hành nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật tại Tây Thiên, tam niên vấn Phật yếu tiền.
Đây có nghĩa là năm đầu tiên tu học thì Phật ở trước mặt, đến năm thứ 2 thì Phật đã về Tây Thiên, đến năm thứ 3 thì phải được trả tiền mới chịu niệm Phật.
Là người niệm Phật, trên đường tu chắc chắn sẽ gặp không ít chướng duyên, nhưng đối với những chướng duyên thô trước mắt như oan gia trái chủ quấy phá…thì còn có thể nhìn thấy mà an nhẫn vượt qua, nhưng với ám khảo thì nó tiềm ẩn bên trong, khiến cho trong lúc chủ quan không dễ nhận ra, để rồi bị nó kéo cho trượt dài trên con đường tu hành mà chính mình chẳng hay chẳng biết. Do đó mà ta cần phải hết sức cẩn thận và luôn tỉnh giác lấy chính mình.
A Di Đà Phật!
– Trích từ Niệm Phật Thập Yếu –