Đức Đạt Ma sang Trung Hoa “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Chỉ bày rành rõ tất cả chúng sanh đều là Phật. Thẳng đó nhận được tự tánh thanh tịnh này, tùy thuận không nhiễm ô, trong hai mươi bốn giờ đi đứng ngồi nằm tâm không khởi vọng, ấy là hiện thân thành Phật; chẳng cần dụng tâm dụng lực, cũng chẳng cần tạo tác thi vi, không nhọc một mảy may suy nghĩ nói năng. Do đó, nói thành Phật là việc rất dễ dàng, rất tự tại, đạt được là tại nơi ta, không phải cầu bên ngoài.
Tất cả chúng sanh trên thế giới này, nếu thật không cam chịu trường kiếp trầm luân trong tứ sanh lục đạo, hằng đắm chìm nơi bể khổ, muốn thành Phật được thường, lạc, ngã, tịnh, phải tin lời chân thật của Phật Tổ “buông hết tất cả, không nghĩ nhớ thiện ác”, mỗi người khả dĩ liền đó thành Phật. Chư Phật, Bồ-tát và lịch đại chư vị Tổ sư phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh, không phải là không bằng cứ, đâu phải chỉ hứa nguyện suông. Đã nói ở trên, pháp vốn như vậy, Phật Tổ lắm phen dạy rõ căn dặn kỹ càng, là chân ngữ thật ngữ, không một mảy hư dối. Phật do lòng đại từ bi không nệ tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mê muội chìm đắm trong biển khổ sanh tử, vừa ra lại vào, luân chuyển không dừng, mê lầm điên đảo, trái tánh giác hợp vọng trần. Ví như vàng ròng bỏ vào hầm phẩn, không những chẳng dùng được mà lại nhơ nhớp quá lắm. Ngài bất đắc dĩ nói ra tám muôn bốn ngàn pháp môn, tùy căn cơ chẳng đồng của chúng sanh dùng đối trị tham, sân, si, ái v.v… tám muôn bốn ngàn bệnh tập khí vi tế. Như vàng đã dính các thứ nhơ nhớp, mới dạy người dùng sạn, bàn chải, nước, vải v.v… để mài giũa, chùi rửa nó.
Sở dĩ Phật nói pháp, mỗi môn đều là diệu pháp, đều có thể liễu thoát sanh tử, thành Phật đạo. Chỉ có vấn đề hợp cơ hay không hợp cơ, không cần phân biệt pháp môn cao hay thấp. Pháp môn lưu truyền ở Trung Hoa rất phổ thông là Tông, Giáo, Luật, Tịnh, Mật. Năm pháp môn này tùy căn tánh và chỗ hứng thú của mỗi người thực hành môn nào cũng tốt. Quan trọng là trong một môn được thâm nhập, trải thời gian lâu không đổi thay, như vậy khả dĩ thành tựu.
Về Tông môn chủ trương tham thiền, tham thiền cốt “Minh tâm kiến tánh”, cần tham suốt được cái “bản lai diện mục của mình”, nên nói: “Giác ngộ tự tâm, thấy suốt bản tánh”. Pháp môn này phát nguyên từ hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen, ngài Ca Diếp cười chúm chím, đến Tổ sư Đạt Ma truyền sang Trung Hoa, về sau chỗ hạ thủ công phu đã từng thay đổi.
Các bậc Thiền đức trước đời Đường, đời Tống phần nhiều nghe một lời, hoặc nửa câu được ngộ đạo. Thầy trò truyền nhau chẳng qua dùng tâm ấn tâm, không có một thật pháp. Ngày thường thưa hỏi, trả lời cũng chẳng qua tùy cách phá chấp, theo bệnh cho thuốc mà thôi.
Các vị sợ vọng tưởng, cho hàng phục vọng tưởng là rất khó khăn. Tôi xin thưa quí vị, không nên sợ vọng tưởng cũng không cần phí sức hàng phục vọng tưởng. Các vị chỉ cần nhận ra vọng tưởng, không chấp trước nó, không tùy thuận nó, cũng chẳng cần xua đuổi nó, chỉ không cho tiếp tục thì vọng tưởng tự lìa. Nên nói: “Vọng khởi liền biết, biết vọng liền lìa”. Nếu khéo lợi dụng vọng tưởng khởi công phu, khán “Vọng tưởng này từ chỗ nào phát sanh?”. Vọng tưởng không tánh chính nó là không, tức là tâm tánh vốn không của ta, tự tánh thanh tịnh pháp thân Phật ngay đây được hiện tiền. Xét thật mà nói, chân vọng một thể, chúng sanh và Phật không hai, sanh tử Niết-bàn, phiền não Bồ-đề đều là bản tâm bản tánh, không cần phân biệt, không cần ưa chán, không cần thủ xả. Tâm thanh tịnh này xưa nay là Phật, không nhận một pháp, làm gì có nhiều mối?
THAM THIỀN YẾU CHỈ – Hòa Thượng Hư Vân
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch