Người phước báu to, thật sự Vãng Sanh. Vì sao? Chúng tôi đã trông thấy.
Người phước báu to, khi lâm chung, đầu óc sáng suốt, bảo người bên cạnh: Phật đã đến, tôi trông thấy. Phật đến tiếp dẫn tôi, tôi theo Phật ra đi. Đó là quyết định Vãng Sanh. Phước báu kém hơn, nghiệp chướng nặng hơn, khi lâm chung, người ấy bị bệnh khổ. Phật đến tiếp dẫn, người ấy trông thấy, cũng muốn nói cho người nhà biết, miệng mấp máy, muốn nói mà chẳng thốt ra tiếng, miệng máy động là muốn bảo người nhà: Tôi thấy Phật đến tiếp dẫn tôi. Thường là khi chúng ta trợ niệm, dường như thấy người ấy mấp máy miệng niệm theo chúng ta.
Thật ra, trong Sát Na cuối cùng, người ấy chẳng phải là niệm Phật, mà là thấy Phật đến tiếp dẫn, cố gắng nói mà chẳng phát ra âm thanh, những tướng trạng này đều là quyết định Vãng Sanh.
Sợ nhất là trong một Sát Na lâm chung, thần trí chẳng sáng suốt, mê hoặc, điên đảo, người trong trạng huống ấy, thông thường là lưu chuyển theo nghiệp, bị nghiệp lực lôi đi, đó là chuyện rất đáng sợ.
Đây là chuyện thật sự then chốt trong cả một đời chúng ta, đại sự bậc nhất trong cả một đời ở ngay trong lúc ấy.
Nếu chúng ta muốn hoàn thành viên mãn đại sự bậc nhất này, nhất định phải hiểu: Trong một đời này, chúng ta đối với khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác phải biết tu phước, đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện. Tu thiện đắc phước báu, quyết định chẳng hưởng thụ phước báu, lưu lại phước báu để dùng trong một Sát Na lâm chung.
Trong Sát Na ấy, chẳng sanh bệnh, biết trước lúc mất, biết chính mình sẽ ra đi vào hôm nào, ra đi rất tự tại, ra đi rất tiêu sái, đấy là phước báu.
Người ra đi như vậy, trong hơn bốn mươi năm nay, chúng tôi thấy rất nhiều tại Đài Loan.
Đài Loan xác thực là phước địa, là đảo báu. Trong lịch sử Trung Hoa, từ xưa tới nay, trong một khu vực như vậy, trong vòng bốn mươi năm ngắn ngủi, người niệm Phật Vãng Sanh đông ngần ấy, vẫn là chưa hề nghe nói tới. Đứng mất, ngồi mất, chẳng sanh bệnh.
Thành phố Đài Bắc, vào năm Dân Quốc năm mươi mốt-năm mươi hai (một ngàn chín trăm sáu mươi hai-một ngàn chín trăm sáu mươi ba), Liên Hữu Niệm Phật Đoàn đặt trụ sở tại đường Long Giang.
Người sáng lập Liên Hữu Niệm Phật Đoàn là lão Cư Sĩ Lý Tế Hoa Vãng Sanh, vị này cách chúng ta chẳng quá lâu.
Hai vợ chồng lão Cư Sĩ tham gia hội Niệm Phật. Hội Niệm Phật của họ cộng tu theo phương thức giống như chúng ta thường niệm một cây hương (một tiếng rưỡi) trong khi đả Phật Thất.
Khi chỉ tĩnh bèn giảng khai thị. Thông thường, giảng khai thị nửa tiếng. Hôm ấy, lão Cư Sĩ cao hứng giảng khai thị tới một tiếng rưỡi. Giảng xong, từ tạ mọi người: Tôi phải về nhà. Cụ đã tám mươi mấy tuổi. Sau khi bước xuống giảng tòa, đến phòng khách nhỏ ở bên cạnh Niệm Phật Đường, ngồi trên sofa, ngồi xong bèn tịch, đã Vãng Sanh.
Quý vị thấy có tự tại lắm hay không? Về sau, chúng tôi hỏi dò, lão nhân gia biết trước hai tháng sẽ ra đi vào ngày nào, cho nên vào ngày nghỉ mỗi tuần đều đến thăm và chào từ biệt bạn cũ. Hôm lão nhân gia Vãng Sanh, Cư Sĩ Từ Tỉnh Dân cũng có mặt tận nơi. Hôm đó, ông Từ cũng tham gia niệm Phật hội.
Thuở ấy, ông Từ là ký giả của báo Tân Sanh (đời sống mới), đích thân tận mắt thấy chuyện này, hôm sau viết một bức thư bảo đảm gởi cho tôi, tôi ở Đài Trung, cho tôi biết niệm Phật Vãng Sanh là thật, chẳng giả tí nào, ông ta đích thân trông thấy mà.
Phước báo của chúng ta phải dành để hưởng khi ấy. Hiện thời có phước báo bèn hưởng hết sạch, lúc lâm chung sẽ chẳng có phước, đúng là chẳng có phước.
Hiện tiền có phước, phước báo của chúng ta để cho mọi người hưởng, chính mình chẳng cần hưởng, phước báo của chúng ta vĩnh viễn còn tại đó.
Lâm chung biết trước lúc mất, chẳng ngã bệnh, đứng mất, ngồi mất, tùy thuộc ý nghĩ của chính mình, đó là đúng. Đấy mới là người thông minh thật sự.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
HT Tịnh Không Giảng Giải