Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Được mười phương ba đời tất cả chư Phật tán thán

Tam Thánh Phật
Trong tất cả Kinh, có Kinh Đại Thừa được một vị Phật, hai vị Phật, ba bốn năm vị Phật tán thán, nhưng được mười phương ba đời tất cả chư Phật tán thán thì chưa thấy qua. Chỉ có hai bộ Kinh được tất cả chư Phật đều tán thán, đó là bộ Kinh Vô Lượng Thọ và bộ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh. Hai bộ Kinh này là được tất cả chư Phật tán thán.
Chư Phật Như Lai tán thán A Di Đà Phật là tán thán cái gì? Tán thán nguyện lực hoằng thâm của Ngài, hạnh nguyện không thể nghĩ bàn, Ngài phát nguyện muốn độ hết thảy tất cả chúng sanh, cho nên chư Phật tán thán.Tại vì sao vậy? Chư Phật phát nguyện độ chúng sanh nhưng vẫn chưa phát nguyện được lớn đến như vậy. Ta muốn độ chúng sanh thế giới này, ta muốn độ chúng sanh đại thiên thế giới này, không hề nghĩ đến muốn độ tận hư không, khắp pháp giới tất cả chúng sanh.
A Di Đà Phật nghĩ đến, đây là chỗ chư Phật Như Lai không thể không bội phục.
Chư Phật Như Lai tại vì sao tán thán Bồ Tát Địa Tạng? Bồ Tát Địa Tạng đại biểu Hiếu Đạo. Hiếu Đạo là đại căn đại bổn chư Phật Bồ Tát tu hành, không thể không tán thán. Mỗi một vị Phật Bồ Tát đều là từ pháp môn này tu học thành tựu, cho nên mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều là học trò của Ngài Địa Tạng. Vì sao nói là học trò của Ngài Địa Tạng? Đều là nói hiếu thân tôn sư, là học trò trong cái pháp môn này. Địa Tạng biểu thị hiếu thân tôn sư, mỗi mỗi đều là từ pháp môn hiếu thân tôn sư này mà thành tựu, cho nên đây là pháp cơ bản trong pháp Bồ Tát. Xả bỏ căn bản thì không thể thành tựu. Tất cả chư Phật tán thán, đạo lý là như vậy.
Chúng ta tu học Đại thừa, tu học Tịnh Độ, cầu nguyện vãng sanh, phải ghi nhớ điều kiện vãng sanh cơ bản là Tam Phước. Bạn nên biết tín-nguyện-hạnh, ba tư lương là xây dựng trên nền tảng tam phước, không có tam phước thì làm gì có ba tư lương. Cái thứ nhất trong tam phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, bạn có làm được hay không? Việc này dễ làm hơn rất nhiều so với đoạn kiến tư phiền não. Đoạn kiến tư phiền não không dễ dàng. Quyết tâm phụng hành bốn câu này không khó.
Tín-Nguyện-Hạnh của chúng ta từ ngay chỗ này mà xây dựng thì ngay trong một đời này mới có thể quyết định vãng sanh. Cho nên các vị nhất định phải ghi nhớ, không có một vị Phật Bồ Tát nào mà không hiếu thuận cha mẹ, không có vị Phật Bồ Tát nào mà không phụng sự sư trưởng. Chúng ta ngay một đời thành tựu, hai người này có ân đức rất lớn đối với chúng ta. Cho nên trong pháp Bồ Tát dạy chúng ta “tri ân báo ân”.
Tri ân báo ân là ở trong Kinh Đại Bát Nhã, Bồ Tát Nhị Địa đã tu, đây là một trong tám khóa mục. Trong tri ân báo ân tinh yếu nhất chính là ân cha mẹ và ân sư trưởng. Phật Bồ Tát là sư trưởng của chúng ta. Ý nghĩa này rất sâu rất rộng, cho nên Ngài mới phát nguyện độ tận chúng sanh.
• Trích trong PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải – Tập 86.
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ.
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *