Hôm nay tôi cũng nói ra một thí dụ cho mấy đồng tu nghe, cũng là do họ đến hỏi. Họ hỏi là những Bồ Tát này cùng phàm phu chúng ta có phải cùng đồng một A Lại Da Thức hay không?
Tôi nói, không sai, là như nhau. Nếu giống nhau thì vì sao lại nói “khứ hậu lai tiên tác chủ công”? Ngay trong không giống có không giống. Thế Tôn ở trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói rất hay, Phật đem tâm tánh thí dụ cho đại hải, đem A Lại Da Thức của mỗi một chúng sanh thí dụ cho bọt nước. Bạn nói xem, bọt nước này ở trong biển lớn, một người là một bọt nước, những bọt nước này là giống nhau hay không giống nhau? Đều là trong đại hải biến hiện ra, cho nên giống nhau, cùng giống một A Lại Da Thức. Khi bọt nước này của bạn không bể thì không giống, bởi vì phạm vi của bạn rất hẹp; bọt nước của bạn sau khi bể rồi thì hoàn toàn giống nhau, cho nên quả nhiên có thể chuyển thức thành trí. Trí tuệ khai rồi thì tất cả công đức trí tuệ của chư Phật đã tu vô lượng kiếp đều biến thành chính ta. Vì sao công đức trí tuệ của các Ngài tu mà biến thành của ta?
Vì cùng đồng một pháp thân, cùng đồng một tự tánh, đồng một A Lại Da Thức, vì sao không thể đem của người khác biến thành của ta?
Đạo lý giống như vậy, vô lượng kiếp đã tu của ta cũng biến thành của người khác, cho nên “viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc”, đến quả địa Như Lai thì Phật Phật như nhau, không hề khác nhau chính là đạo lý này. Hiểu rõ đạo lý này mới biết được khai ngộ là đáng quý. Sau khi ngộ rồi thì tất cả thông đạt, thế xuất thế gian pháp tất cả thông đạt. Do đó, từ xưa đến nay, thế xuất thế gian pháp, chân thật thiện tri thức dạy học, chân thật thương yêu chúng sanh đều là chủ trương dạy bảo bạn “một môn thâm nhập, huân tu dài lâu”, không phải dạy bạn rất nhiều, rất tạp. Dạy bạn rất nhiều, rất tạp là hại bạn, làm cho bạn hướng đến con đường danh lợi, không phải hướng đến học vấn chân thật. Học vấn chân thật không có liên quan gì với danh vọng lợi dưỡng, có học vấn chân thật sẽ không còn truy cầu danh vọng lợi dưỡng, đó cũng là một chữ “duyên”. Có duyên có thể nhờ danh vọng lợi dưỡng giáo hóa chúng sanh, lợi ích chúng sanh, quyết không ham muốn danh vọng lợi dưỡng, quyết không truy cầu danh vọng lợi dưỡng. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, sau đó mới có thể nắm chắc được phương châm tu học.
Hôm nay thời gian hết rồi, chúng ta chỉ học đến đây. A Di Đà Phật!
Trích Kinh Vô Lượng Thọ Lần 10 – tập 17
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ