Vì vậy tôi khuyên bảo đồng tu, chúng ta không cần phải lo ngại gì, không nên sợ tạo tội nghiệp, tôi thì thấy không có tội nghiệp, các vị in hình tượng Phật đăng lên các loại báo chí, đăng tải danh hiệu của Phật, danh hiệu của Bồ Tát, chữ càng to thì càng tốt, càng rõ càng tốt. Vì sao vậy? Khiến cho người xem vừa nhìn thấy thì mãi mãi thành hạt giống đạo. Có một số người băn khoăn: “Tôi mà in những điều này lên báo, người ta đem tờ báo xé nát rồi ném vào thùng rác, đây không phải là có tội rồi sao?”. Phải học “Địa Tạng Bồ Tát”, “ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục? Ta mà vào địa ngục thì biết bao nhiêu chúng sanh đã thành Phật”, rất đáng mà, cho nên không có do dự.
Tịnh Tông chúng ta có tổ thứ sáu là Đại Sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Trước khi chưa xuất gia, Ngài là một tài vụ cho Cục thuế quốc gia, là một viên chức nhỏ. Ngài trộm lấy tiền ở trong ngân khố nhà nước, đó thật sự là trộm cắp. Trộm cắp để làm gì? Để phóng sanh, thường xuyên trộm cắp, thường xuyên phóng sanh. Về sau bị người ta mật báo tố giác, bị xử tội tử hình. Khi tra xét hỏi có phải đã trộm tiền không, Ngài thừa nhận rất là thành thật: “Tôi đã trộm và trộm rất nhiều lần”. “Để làm gì vậy?”. “Phóng sanh”. Thế là viên quan thẩm phán đem vụ án này gửi đến chỗ của hoàng đế. Hoàng đế xem qua cũng cảm thấy rất buồn cười, bèn dặn dò cứ chiếu theo pháp luật mà làm, phán quyết chém đầu tử hình, nhưng mà hoàng đế căn dặn quan giám trảm, nếu như ông bị trói ở ngoài pháp trường đến lúc phải chém đầu mà ông không hoảng sợ thì hãy đưa về để Ngài gặp mặt, còn nếu như ông sợ hãi hoảng hốt thì cứ việc giết đi là xong. Đại Sư Vĩnh Minh bị trói lại đem đến pháp trường, sắc mặt không thay đổi, một chút hoảng sợ cũng không có. Quan giám trảm hỏi ông: “Vì sao mà ông không sợ?”. Ngài nói với quan giám trảm: “Tôi lấy một mạng này mà cứu được muôn ngàn mạng khác, xứng đáng mà”. Cho nên Ngài rất hoan hỷ, một chút hoảng sợ cũng không có. Hoàng đế triệu kiến, tha tội cho Ngài, hỏi Ngài muốn làm việc gì? Ngài muốn xuất gia, hoàng đế làm hộ pháp cho Ngài, về sau trở thành vị tổ thứ sáu trong Tịnh Độ Tông chúng ta. Vậy chúng ta ngày nay đăng một bức hình lớn của Phật A Di Đà ở trên báo, hay danh hiệu của Phật A Di Đà, có biết bao nhiêu là người đều xem thấy. Cho dù họ đem quăng vào đống rác hay bỏ xuống hầm xí, ta cũng không để ý. Bạn đã trồng thiện căn cho biết bao nhiêu người, bạn độ biết bao nhiêu người, bao gồm cả những người không tin vào Phật, những người hủy báng Phật, những người chống đối Phật, tất cả đều đã được trồng thiện căn, bạn đều đã độ tất cả họ.
Học Phật nhất định là phải khai trí tuệ, không nên chết cứng với những giới điều. Trong các giới điều là nói như vậy, không sai, tại vì sao? Đó là bạn có tâm ác ý, khinh thường, hủy báng hình tượng Phật, đây là có tội, còn chúng ta hiện nay dùng cái tâm không như vậy, chúng ta muốn lợi ích chúng sanh, là muốn giúp đỡ chúng sanh trồng hạt giống Phật vào trong A Lại Da Thức. Giới điều, thực tế nếu dùng lời hiện nay mà nói là vô cùng dân chủ, vô cùng mở cửa, vô cùng tự do, cho nên Ngài chế định ra giới điều, mỗi một giới cấm đều có khai duyên. Khai duyên chính là có thể khai mở ra, khai giới chứ không phải phá giới, không phải phạm giới. Chúng ta ngày nay đăng tải hình Phật ở trên báo chí tạp chí, đăng tải danh hiệu Phật Bồ Tát, đây là khai giới, không phải phạm giới, không phải phá giới. Nhất định phải hiểu cái đạo lý này. Tâm của chúng ta thuần túy là lợi ích cho chúng sanh, thuần túy là giúp đỡ tất cả chúng sanh, trồng hạt giống Phật Bồ Tát vào trong A Lại Da Thức. Họ trong đời này không thể thành tựu, đời sau kiếp sau họ có duyên với Phật, rộng kết thiện duyên .