Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Tức tự tánh bổn lai thị Phật vi Bổn. Vô minh sở phú, kim phương phá Hoặc chứng trí vi Thỉ dã

Tượng Đức Phật trong đêm
Tức tự tánh bổn lai thị Phật vi Bổn. Vô minh sở phú, kim phương phá Hoặc chứng trí vi Thỉ dã. (Tự tánh vốn sẵn là Phật, đó là Bổn; bị vô minh che lấp, nay mới phá Hoặc, chứng trí, đó là Thỉ).
Thật sự nói đến ý nghĩa của Bổn và Thỉ, thì Bổn là nói đến tự tánh, Chân Như tự tánh; đó là Bổn. Bổn và Thỉ đều là nói phương tiện, chẳng Chân. Trong Chân, đâu có Bổn và Thỉ! Có Bổn và Thỉ, đó là giả, chẳng phải là Nhất Chân, đã biến thành hai pháp, làm sao có thể gọi là Nhất Chân cho được? Vì thế, đây là nói phương tiện. Vì chúng ta mê, sau khi mê, lại phá mê khai ngộ, nên gọi là Thỉ. Cái mê ấy có phải là thật sự mê hay không? Chẳng phải là mê thật sự. Nếu thật sự mê, làm sao còn có thể phá cái mê ấy? Không thể phá được! Mê là hư vọng, chúng ta thường gọi là “vọng tình”, mê vọng. Do vậy, mê chẳng phải là thật, giác là thật.
Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát đã nói rất hay: “Bổn Giác vốn có”, vốn sẵn có, “bất giác vốn không”, bất giác là mê, mê vốn chẳng có. Hiện thời có [bất giác] hay không? Hiện tại vẫn chẳng có. Nếu hiện tại là thật sự có, sẽ chẳng thể phá mê được! Giống như tối tăm, có tối tăm hay chăng? Chẳng có tối tăm, vì sao? Đèn vừa bật lên, tối tăm chẳng còn nữa! Nếu có tối tăm thì bật đèn lên, tối tăm cũng chẳng mất đi, nó mới là thật sự có! Đèn vừa bật lên, tối tăm chẳng còn nữa, có thể thấy tối tăm là vọng, chẳng thật. Vì thế, mê là quý vị chưa ngộ. Hễ quý vị giác ngộ, mê chẳng còn nữa! Phá mê khai ngộ, hễ giác ngộ, mê chẳng còn nữa. Do vậy, dẫu thời gian mê lâu dài đến mấy, chúng ta cũng chẳng sợ. Cổ đức tỷ dụ “thiên niên ám thất”, [tức là] căn phòng ấy đã tối tăm cả ngàn năm, thời gian ấy rất dài, nhưng quý vị thắp một ngọn đèn, liền sáng sủa, chẳng còn tối tăm nữa! Từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta luôn mê hoặc. Chớ sợ! Chỉ cần hiện tại quý vị ngộ thì vô lượng kiếp mê tình thảy đều chẳng còn nữa, đều tiêu mất, chỉ sợ quý vị chẳng ngộ!
Lý ấy có thể nói là chẳng khó hiểu, nhưng chuyện ấy chẳng dễ dàng như thế. Cũng có đồng tu tới nói với tôi: “Khi con niệm Phật thì cũng được lắm, lúc đọc kinh cảnh giới cũng rất tốt, nhưng hễ đụng chuyện, phiền não lại dấy lên, làm thế nào đây?” Phiền não dấy lên là mê hoặc, mê tình lại dấy lên! Do đó, chúng ta hiểu rõ: Công phu giác vào lúc nào thì mới là thật sự giác ngộ? Trong lúc gặp chuyện! Nói cách khác, xử sự, đãi người, tiếp vật, tâm quý vị thanh tịnh, không bị xoay chuyển bởi ngoại cảnh thì quý vị thật sự giác ngộ. Vẫn còn bị ngoại cảnh xoay chuyển, tuy niệm Phật, dù mỗi ngày niệm nhiều đến đâu đi nữa, quý vị vẫn là bất giác! Do vậy, giác phải được khảo nghiệm trong xử sự, đãi người, tiếp vật, khảo nghiệm xem quý vị đã thật sự giác ngộ hay chưa?
Do điều này biết rằng: Chúng ta bình thời niệm Phật nhằm bồi dưỡng giác tánh. Chúng ta thường đang mê, bất giác, [niệm Phật nhằm] huân tập khí phận Thỉ Giác, lúc gặp chuyện quý vị chẳng mê thì mới hữu dụng. Chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật này, phải hiểu ý nghĩa của câu danh hiệu này. A Di Đà Phật là tiếng Phạn dịch âm, dịch sang tiếng Hán là Vô Lượng Giác. Niệm một câu A Di Đà Phật là niệm niệm giác, chẳng mê, có ý nghĩa ấy, tức là ý nghĩa “vô lượng giác”. Bất luận lúc nào, bất luận ở nơi đâu, bất luận cảnh giới thuận hay nghịch, ta đều phải giác chứ không mê. Giác chứ không mê, sẽ giữ được tâm thanh tịnh bất động. Ta thấy rõ ràng, nghe rõ rệt, thứ gì cũng rõ ràng, minh bạch, đấy là trí huệ. Tuy điều gì cũng rõ ràng, nhưng trong tâm như như bất động; bất động là gì? Chẳng khởi tham, sân, si, mạn, nghi, chẳng dấy động những thứ ấy. Trong thuận cảnh, chẳng khởi tâm tham ái, chẳng có ý niệm ấy. Trong nghịch cảnh, tâm chẳng sân khuể, tâm cảnh bình đẳng, chẳng có tâm ngạo nghễ, ngã mạn, thứ gì cũng rõ ràng, chắc chắn chẳng có tâm nghi hoặc. Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, trong tâm thảy đều chẳng có. Đấy là như như bất động, lại hiểu rõ ràng bên ngoài, cái tâm khi ấy mới thật sự là giác ngộ, đó là Thỉ Giác.
Thỉ Giác niệm niệm đều là Thỉ Giác. Chẳng hạn như quý vị tu hành chứng quả, chứng đạo, lấy Viên Giáo để nói thì Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín là Thỉ Giác, quý vị đã đắc địa vị Sơ Tín. Từ Sơ Tín đến Nhị Tín vẫn là Thỉ Giác, tức là Thỉ Giác của địa vị Nhị Tín. Từ Nhị Tín đạt lên Tam Tín, vẫn là Thỉ Giác, tức là Thỉ Giác của Tam Tín, mãi cho đến địa vị Đẳng Giác Bồ Tát, vẫn là Thỉ Giác. Do vậy, đối với Thỉ Giác, hằng ngày đều là Thỉ Giác, qua kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn là “thỉ thành Chánh Giác” (mới thành Chánh Giác). Do vậy, biết: Thỉ và Bổn chẳng hai, mang ý nghĩa này. Niệm niệm đều là Thỉ Giác; Thỉ Giác và Bổn Giác là một, không hai. Vì thế, phải hiểu vô minh chẳng thật, nhưng có vô minh hay không? Có! Tuy có, nhưng chẳng thật, chẳng phải là thật sự. Vì nó là pháp sanh diệt; có sanh, có diệt, nên nó chẳng thật. Bổn Giác là thật, vì Bổn Giác là pháp bất sanh, bất diệt. Do Bổn Giác bất sanh, bất diệt, cho nên nó là thật.
“Kim phương phá Hoặc, chứng trí, vi Thỉ” (nay mới phá Hoặc, chứng trí, nên là Thỉ Giác). So với kẻ chưa hiểu Phật thì người học Phật chúng ta là Thỉ Giác. Tuy chúng ta vẫn chưa phá một phẩm vô minh phiền não nào, nhưng chúng ta biết chính mình có Phật Tánh, biết niệm Phật có thể vãng sanh Tịnh Độ, người khác vẫn chưa biết; đấy là Thỉ Giác. Lại thưa cùng quý vị, đấy là Thỉ Giác chân chánh, Thỉ Giác rốt ráo. So với hết thảy các pháp môn Đại Thừa khác, tác dụng sẽ khác nhau. Vì trong hết thảy các pháp môn khác, muốn liễu sanh tử và viên chứng Bồ Đề trong một đời, nói thật sự là chuyện chẳng thể nào xảy ra được. Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật là có thể quyết định thành công trong một đời, ổn thỏa, thích đáng. Do vậy, bất cứ pháp môn nào cũng đều chẳng thể sánh bằng!
Nhưng thật sự có thể lãnh hội, nhận biết pháp môn này, quả thật chẳng dễ dàng cho lắm, vì sao không dễ dàng? Nói ngược lại, tâm chúng sanh chẳng thanh tịnh, họ có tâm phân biệt, tâm chấp trước, tâm [phân chia] cao thấp, có những tâm ấy nên họ coi thường pháp môn Niệm Phật. Họ chẳng hiểu pháp môn Niệm Phật, chẳng nghiên cứu kinh luận thuộc về pháp môn Niệm Phật, [nhưng vẫn khăng khăng] cho [niệm Phật] là mê tín, là giáo pháp dành cho mấy bà già! Thật ra, những bà cụ già niệm Phật đứng mất, ngồi mất, nhiều lắm! Còn kẻ kia rất thông minh, tới cuối cùng sợ rằng vẫn thua bà cụ già, đấy gọi là “thông minh bị thông minh gây lầm lạc”. Đấy là nói người học Phật tự mình mê hoặc, điên đảo, giống hệt như những kẻ chẳng học Phật lại phê bình Phật giáo, bảo Phật giáo là mê tín. Quý vị hỏi họ: “Phật giáo là gì?” Kẻ ấy không biết. [Đã không biết] vì sao [anh dám bạo miệng nói Phật giáo là mê tín]? “Hết thảy mọi người đều nói Phật giáo là mê tín!” Mọi người chê là mê tín, kẻ ấy cũng nói là mê tín, điều này rất nguy hiểm! Quý vị nghĩ Phật giáo là mê tín, nếu nói nó là mê tín thì phải nghiên cứu triệt để một phen để xem nó có đúng là mê tín hay không? Nhất định chớ nên hàm hồ, lơ mơ, mà cứ tùy tiện phê phán, chẳng tránh khỏi gây tạo tội nghiệp! Chính quý vị tự lầm lẫn trong một đời, đó là chuyện nhỏ, quý vị tự làm tự chịu; nhưng quý vị làm cho người khác lỡ làng, tội lỗi ấy lớn lắm! Người ấy học pháp môn này sẽ thành Phật trong một đời; thế mà quý vị khuyên người ấy đừng nên học pháp môn này, lôi người ấy trở vào lục đạo, tội lỗi ấy quá lớn, phá hoại Pháp Thân huệ mạng của người khác. Do vậy, những kẻ phê bình Tịnh Độ; nói thật ra, toàn là những kẻ chẳng hề nghiên cứu Tịnh Độ.
Trong quá khứ, tôi chẳng nghiên cứu, cũng coi thường Tịnh Độ, cũng nói pháp ấy là giáo pháp dành cho mấy bà già! [Hiện thời] tôi hoàn toàn liễu giải nên mới tin tưởng, nhưng để thật sự liễu giải đến mức tin tưởng pháp môn này, gần như phải mất ba mươi năm công phu, chẳng dễ dàng! Ngày nay, tôi đem tâm đắc ba mươi năm thật thà thưa cùng quý vị; nếu quý vị tin tưởng, sẽ khỏi phải phí ba mươi năm. Nếu quý vị không tin, quý vị tu tập ba mươi năm, chưa chắc đã có thành tựu như tôi! Tôi không phải là kẻ người khác nói sao bèn tin như vậy! Thuở đầu, pháp sư Sám Vân khuyên tôi, khi đó, tôi mới học Phật chưa được bao lâu, còn chưa xuất gia; về sau, thầy Lý khuyên tôi, tuy tôi không phản đối, nhưng vẫn chưa thể tin tưởng hoàn toàn, vẫn không chịu dụng công tu học. Sau nhiều năm như thế, nghiên cứu một số kinh điển Đại Thừa, đặc biệt là mười sáu, mười bảy năm giảng kinh Hoa Nghiêm mới thật sự hiểu rõ, hiểu pháp môn này là pháp môn bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật độ chúng sanh. Hiểu được điều ấy quả thật chẳng đơn giản, chẳng dễ dàng; vì thế, tôi vô cùng quý trọng pháp môn này!
Giảng kinh thì tôi chuyên giảng kinh Di Đà; hiện thời, những kinh luận khác tôi cũng không giảng. Kinh Lăng Nghiêm tôi cũng không giảng. Nay quý vị hãy học theo tôi, học kinh Di Đà, hãy xếp kinh Lăng Nghiêm lại, chẳng cần phải học kinh ấy nữa. Kinh Lăng Nghiêm có tuyệt diệu hay chăng? Tuyệt diệu, nhưng rất khó, quả thật chẳng dễ dàng. Thật sự giúp quý vị vãng sanh, giúp quý vị thành Phật, pháp môn này đã đủ rồi! Ta rất biết chọn lọc, chọn lấy món nào hạng nhất, chẳng cần tới hạng nhì. Quý vị phải hiểu kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đều là kinh bậc nhất, ta không cần đến kinh bậc hai nữa. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm tôi cũng không muốn giảng!
Ước nhân quả, tắc thử Phật giáo linh vãng sanh, nãi đắc kiến A Di Đà Phật, thị thử Bổn bỉ Thỉ. (Nếu xét theo nhân quả, vị Phật này dạy [hành nhân] vãng sanh bèn được thấy A Di Đà Phật, nên vị Phật này là Bổn, vị Phật kia là Thỉ).
[Đến đây], Bổn và Thỉ đảo ngược [vị trí], đây là nói theo phương diện nhân quả. Làm sao chúng ta biết có Tây Phương Cực Lạc thế giới? Làm sao biết thế giới Cực Lạc tốt đẹp ngần ấy? Đều do Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho biết. Cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh suốt bốn mươi chín năm, Ngài giảng rất nhiều kinh. Chuyên giảng Tịnh Độ có ba bộ kinh là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Trong đó, kinh Vô Lượng Thọ rất đặc biệt, thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật không chỉ giảng một lần, mà giảng rất nhiều lần, đây là một pháp môn đặc biệt. Những kinh khác đức Phật chỉ giảng một lần trong một đời Ngài, chẳng giảng lại, chỉ riêng kinh Vô Lượng Thọ được giảng rất nhiều lượt!
Nguyên bản kinh Vô Lượng Thọ được truyền đến Trung Quốc rất sớm, từ thời Đông Hán, kinh đã được truyền đến Trung Quốc, do ngài An Thế Cao dịch, đáng tiếc là bản dịch ấy đã thất truyền. Từ đời Hán đến đời Tống, tổng cộng có mười hai lần phiên dịch. Sau này, nhiều học giả, chuyên gia đã khảo chứng, thấy trong Đại Tạng Kinh còn năm bản dịch. Cổ đức phán đoán tối thiểu phải có ba bản gốc khác nhau. Từ chỗ này, ta biết thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nhiều lần tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ, đây là pháp môn đặc biệt, đặc biệt quan trọng! Ngày nay, chúng ta phải thật sự phát dương quang đại pháp môn này, đấy là trách nhiệm của chúng ta. Nếu chúng ta không biết thì thôi, chúng ta không có trách nhiệm ấy. Nếu đã biết, đã nhận thức, phải có trách nhiệm phát dương quang đại. Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu [pháp môn này] cho chúng ta, Ngài là Bổn. Chúng ta y theo giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật để hành phương pháp này, tu hành, trong tương lai nhất định sẽ thấy A Di Đà Phật, thấy A Di Đà Phật là “Thỉ”. Nói theo phương diện nhân quả, đức Bổn Sư của chúng ta là Bổn, A Di Đà Phật là Thỉ. Tu nhân là Bổn, chứng quả là Thỉ. Tu nhân mới hòng chứng quả, vãng sanh là chứng quả. Đó là nói theo phương diện nhân quả.
Tức tự tánh bổn hữu thành Phật chi trí vi Bổn, y Bổn Trí nhi cầu Phật Trí, nãi đắc thành Phật vi Thỉ dã. (Tự tánh vốn sẵn có trí thành Phật, đó là Bổn; nương vào Bổn Trí để cầu Phật Trí, sẽ được thành Phật, thì đó là Thỉ).
Đây là dựa trên nhân quả để luận định Bổn và Thỉ. Bổn có thể gọi là Thỉ, mà Thỉ cũng có thể gọi là Bổn, tùy thuộc quý vị nhìn từ góc độ nào!
Bổn Thỉ hỗ dung, thường giác bất muội, huy thiên giám địa, diệu cổ đằng kim, thường thuyết như thị kinh, bách thiên vạn ức tòa. (Bổn Giác và Thỉ Giác dung nhập lẫn nhau, thường giác chẳng mê, rạng trời, chiếu đất, chói ngời suốt từ xưa đến nay, trăm ngàn vạn ức pháp hội thường thuyết kinh như thế).
Dùng hai ý nghĩa trong phần trước (tức là từ hai góc độ khác nhau) để quan sát Bổn và Thỉ, sẽ thấy Bổn và Thỉ có thể dung thông lẫn nhau. Khi chúng ta dấy lên vô minh, hay lúc có mê tình, bèn gọi tự tánh là Bổn Giác. Chúng ta phá mê tình, [tự tánh hiển lộ], bèn gọi là Thỉ Giác. Đó là ý nghĩa [đã được diễn tả] trong phần trước. Vô minh là giả, là hư vọng, chẳng thật. Vì vậy, bất luận tự tánh giác có vô minh hay không, nói thật ra, nó “thường giác bất muội”. Giống như chúng ta nói trời âm u, là do mặt trời bị mây che kín, mây có thật sự che nổi mặt trời hay không? Thật ra, mây chẳng che lấp mặt trời. Hiện thời, rất dễ hiểu rõ điều này! Quý vị ở thành phố Đài Bắc, mây che lấp thái dương, nhưng đến Cơ Long, nơi ấy không có mây, thái dương chẳng bị che khuất. Do vậy biết: Thái dương thường tỏa ánh sáng, không ai có thể che được, mây dường như che lấp, nhưng thời gian ấy rất ngắn ngủi, tạm bợ, là giả, chẳng thật! Vô minh che khuất bổn tánh của chúng ta giống như mây che lấp thái dương, có thể thấy là nó chẳng thật, mà là giả! Do vậy, mê chắc chắn có thể phá, giác chắc chắn có thể hiện tiền. Trước hết, chúng ta phải kiến lập lòng tin này.
Trong Phật pháp nói đến Tín, thì niềm tin thứ nhất là phải tin vào đạo lý này, phải tin vào sự thật này. Quý vị có thể kiến lập lòng tin trên đây thì mới tin tưởng “chính mình chắc chắn có thể thành Phật, bản thân ta nhất định có thể phá vô minh, có thể khôi phục Bổn Giác”, mới có những tín tâm ấy. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng do cái tâm này biến hiện, đó gọi là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Tự tánh giác là Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, tự tánh mê là thế giới Sa Bà dơ ác, thảy đều là vật được biến hiện bởi tự tánh. Đấy chính là “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Chúng ta tin tưởng, đặc biệt là đối với ba món tư lương, tức là ba điều kiện trọng yếu được nói đến trong Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hạnh; Ngẫu Ích đại sư đã dạy, trước hết hãy Tín Tự. Tín Tự chính là như tôi vừa mới nói, nhất định phải tin tưởng những đạo lý ấy.
Mấy câu tiếp theo đều nhằm trình bày ý nghĩa “Thỉ Giác và Bổn Giác dung thông bất nhị”. “Thường giác bất muội, huy thiên giám địa” (thường giác ngộ, chẳng mê muội, rạng trời, chiếu đất) nhằm tỷ dụ quang minh của Bổn Giác và Thỉ Giác, quang minh chiếu trọn khắp, câu này nói đến không gian, “diệu cổ đằng kim” (suốt từ xưa đến nay) là nói tới thời gian. [Thỉ Giác và Bổn Giác] siêu việt thời gian và không gian!
“Thường thuyết như thị kinh, bách thiên vạn ức tòa” (thường nói kinh như thế, trăm ngàn vạn ức pháp hội). “Thuyết kinh” nhằm dụng ý phá mê khai ngộ; vì vậy, phá mê khai ngộ chính là “thuyết kinh”. Tự tánh quang minh chiếu khắp; đó chính là ý nghĩa thuyết kinh. Hiểu rõ đạo lý này, thuyết kinh chưa hề gián đoạn, về mặt thời gian bèn chẳng gián đoạn, trong không gian bèn trọn khắp hết thảy các nơi, không lúc nào, không chỗ nào chẳng nói kinh. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, lục trần thuyết pháp, cũng là sự thật được hiển hiện dựa trên nguyên lý này. Thật ra, người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh tịnh, nên họ thấy lục trần thuyết pháp, chẳng bị thời gian và không gian ngăn ngại. Trong thế giới này, trước mắt chúng ta, có bao giờ chẳng phải là lục trần thuyết pháp? Vì sao trong cõi này, chúng ta chẳng nói “lục trần thuyết pháp”? Vì tâm không thanh tịnh! Tuy lục trần phóng quang rúng động cõi đất suốt mãi từ xưa cho đến tận nay, nhưng quý vị có mắt mà chẳng thấy, có tai nhưng chẳng nghe, nên [dẫu lục trần thường thuyết pháp vẫn giống như] chẳng thuyết pháp, nguyên nhân là như vậy đó.
Do vậy, Phật pháp bất luận nói tới pháp môn hay tông phái nào, thảy đều dùng tâm thanh tịnh để nhập; tâm quý vị chẳng thanh tịnh, nhập pháp môn nào cũng chẳng được! Nếu muốn nhập Phật môn, Phật môn có tám vạn bốn ngàn môn, có vô lượng vô biên môn, dùng phương pháp nào để có thể nhập? Tâm thanh tịnh có thể nhập. Trước đây, tôi cũng nói với các vị đồng tu ba nguyên tắc: Giác, Chánh, Tịnh. Giác tâm có thể nhập, chánh tri chánh kiến có thể nhập, tâm thanh tịnh có thể nhập, ba điều kiện ấy. Quý vị có một điều, sẽ có thể nhập. Hễ nhập môn thì “một chính là ba, ba chính là một”, đấy chính là “pháp môn Bất Nhị”. Nhưng trong ba điều kiện ấy, giác khó, chánh tri chánh kiến cũng khó, thanh tịnh dễ hơn. Tịnh Độ do tâm thanh tịnh mà nhập, theo môn này mà nhập. Thiền là từ giác tâm mà nhập, Giáo từ chánh tâm mà nhập, pháp môn Niệm Phật từ tâm thanh tịnh mà nhập. So trong ba môn, [môn Tịnh] dễ hơn rất nhiều. Huống chi, trong cái tâm thanh tịnh ấy, ở đây lại là pháp môn Nhị Lực, bản thân chúng ta có công phu, lại có Phật lực giúp đỡ. Vì vậy, pháp môn này được gọi là pháp môn Nhị Lực, Phật lực có thể giúp đỡ và gia trì chúng ta.
Trích: A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
Xin hãy thường niệm A DI ĐÀ PHẬT
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *