Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Phước báo và trí tuệ

Người học Phật chúng ta phải phước huệ song tu
Có tiền là phước báo, dùng tiền là trí huệ“. Nếu người có phước báo to lớn nhưng chẳng có trí huệ, toàn bộ [tiền của] họ dùng đều vô ích; người có trí huệ tuy phước báo nhỏ nhưng họ có thể đem mỗi đồng tiền của họ tu những phước báo to lớn, đó gọi là “xả tài tu phước”. Từ đó có thể biết người chẳng có trí huệ muốn tu phước cũng chẳng tu được.
Trên thực tế xét từ lúc tu nhân mà nói thì trí huệ quan trọng hơn phước báo, vì người có trí huệ sẽ chẳng tạo tội nghiệp và giảm bớt những lỗi lầm của mình đến mức thấp nhất; người chẳng có trí huệ khi tạo tội nghiệp còn tưởng là mình đang tu phước. Trước mắt chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều trường hợp này, họ thiệt là có tiền và cũng phát tâm nhưng những gì họ tạo tác đều là tội nghiệp, chẳng phải tu phước, lại cứ tưởng mình đang tu phước, chuyện này thiệt là rất đáng tiếc.
– Phước huệ nhân quả
Phải biết hết thảy các pháp trong thế gian và xuất thế gian đều là nhân quả phước huệ. Phước tuy quan trọng, nhưng huệ còn quan trọng hơn. Có phước chẳng có huệ, khi hưởng phước nhất định sẽ tạo tội nặng, đây là như nhà Phật thường nói “oán ba đời”. Đến lúc phước hưởng hết, đọa lạc trong ác đạo rồi mới muốn thoát khỏi thì chẳng dễ, không biết phải trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp?
Có huệ chẳng có phước tuy đời sống rất thanh bần, rất khó khăn, nhưng chẳng tạo tội nghiệp. Họ thế nào cũng có khả năng vãng sanh thành Phật, vì sanh sống quá khổ, họ chán chường đời sống trong thế gian này, dễ sanh khởi đạo tâm. Do đây có thể biết phước báo chẳng phải là chuyện tốt, Phật dạy đệ tử xuất gia phải tu phước nhưng nhất định đừng hưởng phước, cứ sống đời sống thanh bần như cũ, phải dùng sự khổ làm thầy, đạo lý là ở chỗ này, là sợ bạn hưởng phước rồi tạo tội nghiệp.
– Tu thanh phước
Họa phước thiệt ra ở tại một niệm mà thôi. Một niệm thiện thì là phước, một niệm ác là tai họa. Phật dạy chúng sanh phước huệ song tu, khi phước huệ viên mãn rồi thì xưng là Nhị Túc Tôn, thế nên tu phước và tu huệ đều vô cùng quan trọng. Trong các thứ phước báo, “thanh phước” là quý nhất. Trong thanh phước có trí huệ cao độ cho nên chẳng tạo tội nghiệp. Trong phước báo của thế gian thì phước báo càng lớn tạo tội càng dễ, vì vậy nên tác dụng phụ [của phước báo] cũng lớn. Đây là điểm chúng ta phải ghi nhớ.
Nếu chúng ta có thể hiểu rõ thanh phước, hưởng thọ thanh phước thì phước báo này thiệt là vô lượng vô biên, trí huệ nhất định sẽ tăng trưởng theo. Chúng ta phải cố gắng tu phước và khuyên mọi người tu phước, khi mọi người đều có phước báo rồi thì khu vực này sẽ chẳng bị nạn. Giả sử chỉ có cá nhân mình có phước, mọi người khác chẳng có phước thì chúng ta cũng chẳng thể tránh khỏi cộng nghiệp, thế nên khuyên lơn chúng sanh tu phước là một việc vô cùng, vô cùng quan trọng.
Phải tu phước như thế nào? [Những gì chúng ta] nghĩ và làm đều vì chúng sanh, có thể quên mình thì đó là phước báo to lớn. Tạo ác là gì? Niệm niệm đều vì mình mà tưởng, mà làm thì đó là chuyện ác to lớn
– Ly tướng tu phước
Xả tài là phước, nhưng càng quan trọng hơn là phải chẳng chấp tướng. Tu phước mà chấp tướng là phước báo nhân thiên, tu phước mà ly tướng mới có thể minh tâm kiến tánh, mới có thể vãng sanh, bất thoái thành Phật.
Chẳng những ngoại tài có thể xả, nội tài cũng phải xả. Nội tài là gì? Tinh thần, lao lực của chúng ta, nếu có thể phục vụ cho đại chúng một cách vô điều kiện thì gọi là xả nội tài. Chẳng cầu báo đáp, thực sự vì xã hội, vì đại chúng mà phục vụ là bố thí.
Trích: “Học vi nhân sư hành vi thế phạm”
Hoà thượng tịnh không giảng
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *