Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Kinh Vô Lượng Thọ là đức Phật Thích Ca giới thiệu Tây Phương Tịnh Độ cho chúng ta

Tịnh Độ Tây Phương
Ngày nay chúng ta sanh vào thời Mạt Pháp, chúng ta tuân theo lời dạy của Phật, chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, vậy là chẳng sai. Kinh luận của Tịnh Tông ít hơn so với bất kỳ tông phái nào, số lượng kinh điển chúng ta y cứ rất ít. Ít thì dễ thọ trì. Nhưng chúng ta biết bộ kinh thứ nhất trong Tịnh Tông là kinh Vô Lượng Thọ, năm xưa lúc đức Phật còn tại thế đã giảng kinh này nhiều lần, đây là một pháp môn rất đặc biệt. Trong đời đức Phật Thích Ca chẳng giảng kinh nào nhiều lần ngoài kinh Vô Lượng Thọ. Căn cứ vào tư liệu còn được lưu lại có thể chứng minh tối thiểu Ngài đã giảng hết ba lần, có thể nhiều hơn, giảng nhiều lần nghĩa là pháp môn này đặc biệt quan trọng lắm. Cho nên kết tập kinh tạng cũng nhiều lần kết tập, truyền đến Trung Quốc có đến mười hai lần phiên dịch, rất đáng tiếc là những bản dịch này trong mười hai bản đã mất hết bảy bản, hiện nay chúng ta chỉ có thể coi năm bản giữ trong Đại Tạng Kinh. Nội dung của năm bản này đại đồng tiểu dị, những chỗ khác nhau này cũng rất quan trọng, giúp cho chúng ta đoạn trừ nghi hoặc, sanh lòng tin.
Bởi vậy chúng ta phải hiểu rõ mục đích của đức Phật giảng những kinh điển này. Chúng ta không thể không biết nghĩa thú của ba cuốn kinh trong Tịnh Tông. Kinh Vô Lượng Thọ là đức Phật Thích Ca giới thiệu Tây Phương Tịnh Độ cho chúng ta, là sách thuyết minh. Giải thích duyên khởi của Tây Phương [Cực Lạc] thế giới hình thành như thế nào?
Lịch sử của Tây Phương thế giới, lý luận, cơ sở và chân tướng sự thật của đức Phật A Di Đà xây dựng Tây Phương thế giới, mục đích của A Di Đà Phật xây dựng cõi Tịnh độ này, và thành tựu của Ngài, giới thiệu và giải thích một cách đầy đủ. Làm cho người nghe sanh khởi lòng ngưỡng mộ, ưa thích, phát nguyện cầu sanh, [được vậy] thì mục đích của Ngài đã đạt được. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là thuyết minh bổ túc cho kinh Vô Lượng Thọ, trong đó có ba điểm quan trọng nhất cần bổ túc.
Thứ nhất là bổ túc trên lý luận, Quán kinh nói “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (Tâm này là Phật, tâm này làm Phật), đây là bổ túc trên lý luận.
Sự bổ túc thứ nhì là thuyết minh thêm chi tiết về phẩm vị [vãng sanh], kinh Vô Lượng Thọ chỉ nói đơn giản về ba bậc vãng sanh, Quán kinh nói rõ hơn về chín phẩm vãng sanh.
Thứ ba là bổ túc về phần phương pháp, kinh Vô Lượng Thọ giảng về phương pháp chỉ nói “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, ngoài ra dạy chúng ta tu phước, nói một cách đơn giản. Quán Kinh giảng về mười sáu pháp quán, đây là phương pháp: Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Trì danh niệm Phật, nói một cách tường tận. Trì danh là pháp quán thứ mười sáu, để ở sau cùng, sau cùng là quan trọng nhất, đây là một thói quen của Phật khi nói kinh, màn hấp dẫn để đến sau cùng, đến màn chót. Khế hợp nhất với cơ nghi của hết thảy chúng sanh.
Trì danh Niệm Phật là pháp quán thứ mười sáu, phổ độ hết thảy chúng sanh, chân chánh làm được “Thích hợp khắp ba hạng căn tánh, thâu nhiếp cả lợi căn và độn căn”, trên độ đến Đẳng Giác Bồ Tát, dưới độ đến chúng sanh trong địa ngục, công đức của danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn, thế nên đây là thuyết minh bổ sung. Tiểu bổn Phật Thuyết A Di Đà Kinh hoàn toàn là khuyên chúng ta phát nguyện vãng sanh.
(Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký -Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Quyển Thượng .PHẨM THỨ NĂM: DANH HIỆU CỦA ĐỊA NGỤC: – Tập 15-Tr -370 -371)
Được gắn thẻ , , , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *