Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Không khí ô nhiễm ấy chính là oán khí của hết thảy chúng sanh tử nạn

Không khí ô nhiễm ấy chính là oán khí của hết thảy chúng sanh tử nạn - HT Tịnh Không
Giáo học Đại Thừa chẳng dễ dàng như vậy. Giáo học Nho, Thích, Đạo và giáo học của các tôn giáo khác, nói theo phía người hiện thời, sẽ là chẳng phù hợp! Vì thế, tổ sư đã vạch ra một phương hướng: “Nhân Quả”. Trong lúc tai nạn bức thiết nghiêm trọng sắp xảy đến, giáo dục nhân quả sẽ hữu hiệu. Vì thế, nay chúng ta phải coi thứ này như trọng điểm. Người khác có cảm ứng, muốn quay đầu, sẽ dạy kẻ đó luân lý, đạo đức, tôn giáo, vì sao? Người ấy có thể tiếp nhận. Chẳng tin tưởng nhân quả, quý vị nói luân lý, đạo đức với kẻ đó, kẻ ấy cũng chẳng tin tưởng, chẳng thể tiếp nhận. Do vậy, chúng ta phải coi thứ này như công khóa bậc nhất, công khóa bắt buộc phải tu, hãy nghiêm túc khéo học tập.
Hãy xem người hiện thời đối với những động vật, bất luận là những con thú được nuôi nấng trong nhà, hoặc dã thú săn bắn được, thủ đoạn quá tàn khốc, xem nhiều lần [bộ đĩa ấy], sẽ khiến cho lương tâm của quý vị dẫn phát, sẽ thấy chẳng nhẫn tâm [giết hại như vậy]! Sau đấy tôn giáo mới nói với quý vị, oan oan tương báo, chẳng hết, chẳng xong! Trên cả thế giới, [những con vật] chạy trên đất, bay trên không, bơi trong nước, hết thảy những loài chúng sanh ấy hằng ngày bị bắt giết, nếu quý vị thấy hiện tượng này, sẽ cảm thấy quá tàn nhẫn, quá đáng sợ. Quý vị tin tưởng nhân quả, tin tưởng những chúng sanh ấy đều có thần thức, tuyệt đối chúng nó chẳng phải là cam tâm tình nguyện cúng dường quý vị. Nói cách khác, mối cừu hận ấy có trả được hay không? Oán khí ghê gớm lắm; nếu quý vị quan sát cẩn thật, sẽ có thể nhìn ra!
Hiện thời, chúng ta thường đi xa, ngồi máy bay ở trên mây, từ trên nhìn xuống toàn là khói sương, đấy là gì vậy? Oán khí! Rất ít khi từ phía trên mà có thể thấy rõ ràng phía dưới, cảnh giới ấy quá ít. Chỉ cần bay lên không trung của lục địa, sẽ thấy khói sương. Nay chúng ta nói là “không khí ô nhiễm”, ô nhiễm nghiêm trọng. Tôi thường nói sự ô nhiễm ấy chính là oán khí của hết thảy chúng sanh tử nạn, chẳng phải là chuyện tốt đẹp. Chúng ta có cái tâm cảnh giác cao độ, làm thế nào để có thể giúp đỡ các oán thân trái chủ hóa giải oán kết, mà phương pháp hóa giải hữu hiệu nhất chính là giảng kinh, tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng. Có phải là thật sự có hiệu quả hay không? Có hiệu quả, chắc chắn là có hiệu quả.
Trong quá khứ, qua các buổi giảng, tôi cũng đưa ra rất nhiều trường hợp cụ thể. Nghiệp lực của chúng sanh giống như gió to, sóng lớn. Chúng ta thật sự y giáo phụng hành, tâm chúng ta sẽ bình lặng. Sóng trong sự bình lặng ấy sẽ là sóng sau khi bị xung kích bởi sự bất bình, đương nhiên là chúng ta vẫn theo gió đuổi sóng, nhưng cơn sóng ấy, [tuy là] sóng to, [so với sóng khi bất bình], nó sẽ nhỏ hơn, ôn hòa hơn! Lý giống nhau, nhưng vì mong mỏi nhiều người sẽ thật sự giác ngộ, nhiều người tâm địa sẽ thật sự thanh tịnh, bình đẳng, từ bi mà chúng ta dùng cái tâm chân thành, nguyện tâm chân thành để mong cầu hóa giải xung đột, mong cầu thế giới hòa bình. Ý niệm ấy chính là hồi hướng, ý niệm ấy chớ nên gián đoạn giữa chừng, chớ nên tạm bỏ, phải là niệm nào cũng đều chẳng gián đoạn, nó sẽ sanh ra hiệu quả.
Chúng ta chẳng mong được người khác ca ngợi, vì sao? Chúng ta đã từ bỏ tiếng tăm, lợi dưỡng, làm việc chúng ta đáng nên làm. Chuyện đáng nên làm là cứu khổ cứu nạn, đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn. Vì thế, niệm kinh Địa Tạng, Địa Tạng Bồ Tát là ai? Là chính mình. Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? Là chính mình. Dùng lòng hiếu kính của Địa Tạng, dùng tâm từ bi của Quán Âm, niệm nào cũng đều chẳng bỏ chúng sanh, niệm nào cũng đều cầu nguyện an định, hòa bình, niệm nào cũng đều mong cầu hóa giải xung đột. Hóa giải xung đột nhất định phải thực hiện từ bản thân chính mình, ta chẳng còn xung đột với bất cứ ai, với bất cứ chuyện gì, với bất cứ chúng sanh nào, làm từ chỗ này thì sẽ có hiệu quả. Nếu chẳng làm từ chính mình, chỉ là “miệng có, tâm không”, sẽ chẳng có hiệu quả. Tâm và miệng tương ứng, sẽ sanh ra hiệu quả. A, hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi nói tới chỗ này.
(Trích: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Tịnh Hạnh Phẩm thứ 11, tập 40)
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *