Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Đối cảnh mới là thật sự tu hành

Đối cảnh mới là thật sự tu hành - Phải thấy lỗi của mình
Quốc sư Hiền Thủ, đại sư Thanh Lương đều là người minh tâm kiến tánh. Chúng ta đọc Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ, trong này đưa ra bốn điều kiện quan trọng, là tứ đức, là điều không thể thiếu trên con đường tu hành chứng quả. Thứ nhất là: “Tùy duyên diệu dụng”, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, công đức này chính là diệu dụng. Hiện nay một số người trong xã hội tùy duyên, tùy duyên họ tạo nghiệp, tùy duyên họ đang tạo nghiệp địa ngục, như vậy thì không còn diệu nữa, tương lai họ chịu là gì? Ba đường ác. Bởi thế Phật Bồ Tát dạy chúng ta tùy duyên phải diệu dụng, diệu dụng là gì? Không tạo nghiệp, tùy duyên không tạo nghiệp. Chẳng những không tạo ác nghiệp, đến thiện nghiệp cũng không tạo, vì sao vậy? Vì thiện nghiệp sanh vào ba đường lành, không tương ưng với thế giới Cực Lạc, như vậy là không diệu dụng. Tạo thì phải tạo, nhưng cả hai bên thiện ác đều không đứng vào, cũng chính là không phân biệt không chấp trước, đây là gì? Đây gọi là tịnh nghiệp. Quả báo của tịnh nghiệp trong lục đạo không có, quả báo ở đâu? Quả báo ở thế giới Cực Lạc, trong tâm quý vị chỉ có Phật A Di Đà, chỉ có thế giới tây phương Cực Lạc. Chúng ta làm tất cả điều lành, đoạn ác tu thiện, vì sao vậy? Tất cả đều vì thế giới Cực Lạc. Công đức tôi làm những việc tốt, đoạn ác tu thiện, hồi hướng về thế giới Cực Lạc, nâng cao phẩm vị của mình, đây gọi là tịnh nghiệp, không thể không hiểu đạo lý này! Ngày này chúng ta đoạn ác, ngày nay chúng ta tu thiện là vì Phật A Di Đà, tuân thủ giáo huấn của Phật A Di Đà, đây là tu hành, tu điều gì? Tu tâm thanh tịnh của mình, tu tâm bình đẳng của mình. Nếu không tiếp xúc với người, không tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, thì quý vị tu thanh tịnh bình đẳng ở đâu? Tu với tất cả hữu tình chúng sanh, đó là hay nhất, vì sao vậy? Hoàn cảnh phức tạp, nếu tu hành ở đây thật sự đoạn tận được tâm tốt xấu, dùng tâm bình đẳng đối đãi với người, không phải tôi thích cái này, không thích cái kia, như vậy không được. Những thứ đó là tập khí phiền não, phải đoạn tận nó, đoạn tận, phải thường tiếp xúc, trong khi tiếp xúc rèn luyện dần, thật sự không còn ý niệm này, không còn ý niệm tốt xấu, thật sự lấy tâm bình đẳng đối nhân tiếp vật. Giống Phật A Di Đà, thực hành trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thật tu thật hành trì, đó chính là câu thứ hai: “oai nghi hữu tắc”. Ta khởi tâm động niệm có quy củ, ngôn ngữ hành vi cũng có quy củ, quy củ này là gì? Trong Phật pháp như vừa mới nói, khi Tịnh tông học hội thành lập, đã đề xuất năm khoa mục: Tịnh Nghiệp Tam Phước, Lục Hòa Kính, Tam Học, Lục Độ, Thập Đại Nguyện Vương. Tôi đưa ra năm khoa mục này, năm khoa mục này chính là quy củ của chúng ta. Chúng ta làm người trong đời này, khởi tâm động niệm không rời khỏi năm phạm vi này, đều có thể tương ưng với nó. Ngày hôm nay ta thật sự đã học Phật, không rời Phật A Di Đà, không rời Đức Thế Tôn. Những gì Phật dạy, tôi đều y giáo phụng hành, đây gọi là học Phật. Nếu vứt bỏ những thứ này, đó gọi là Phật học, không phải học Phật, đó gọi là Phật học. Phật học là nghiên cứu giáo huấn của Phật như một loại học thuật của thế gian, không liên quan đến nhân quả báo ứng và tư tưởng cuộc sống của mình, đây gọi là Phật học.
Người học Phật thật sự, thái độ của họ vô cùng trong sáng, câu thứ ba là tâm thái của người học Phật trong ngoài nhất như. Bên ngoài “nhu hòa”, nhu thuận, hòa mục. Nhu thuận nghĩa là họ có thể hằng thuận chúng sanh, sống hòa thuận với tất cả chúng sanh. Hòa mục và hài hòa khác nhau, ý nghĩa của hòa mục thâm sâu, trong mục có tình thân, gọi là thân hòa, hòa mục là thân hòa. Hài hòa vẫn có khoảng cách, hòa mục không có khoảng cách. Hòa mục là gì? Anh em chị em, cha con, anh em, chị em hòa mục. Hài hòa là người ngoài, xóm làm xung quanh họ có khoảng cách. Đối với tất cả mọi người đều giống như anh em chị em của mình vậy.
“Chất trực”, chất trực là chân tâm, đây là bản chất. Bản chất là trực tâm, trực tâm là đạo tràng, trực tâm chính là tâm chân thành, không có chút hư ngụy nào. Đây là gì? Đây là Phật Bồ Tát. Nếu chúng ta không dùng tâm này đối với người, như vậy là chúng ta không có học Phật. Người ta gạt mình, mình lấy tâm chân thành đối đãi họ, quý vị nói là vì sao? Ta học Phật, họ không học Phật, họ trôi lăn trong luân hồi lục đạo. Tâm họ đang gạt chúng ta là tâm luân hồi, họ tạo nghiệp luân hồi, còn chúng ta muốn đến thế giới Cực Lạc, tâm luân hồi không đến được thế giới Cực Lạc. Ta cần phải buông bỏ tâm luân hồi. Như Chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian, chúng sanh dùng tâm hư ngụy đối với Phật, nhưng Phật dùng chân tâm đối với chúng sanh. Chúng ta học theo ai? Phải hiểu rõ ràng minh bạch.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA TẬP 535
PS TỊNH KHÔNG
===================
HOAN NGHÊNH PHỔ BIẾN
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *