Như Phật dạy, trên bước đường tu của chúng ta có cảm thì mới có ứng. Thực tế chúng ta thấy những người tu lâu, niệm Phật nhiều, nhưng không cảm tâm, nên không đạt kết quả tốt. Quan trọng là phải có độ cảm tâm giữa ta và Đức Phật. Trong hoàn cảnh nào đó, mỗi người có độ cảm khác nhau. Độ cảm chính là nhân duyên giữa ta và Phật, hay Bồ tát nào, vì có nhân duyên thì thời tiết đến mới cảm được. Có thời tiết nghĩa là thí dụ như từ thuở nhỏ, tôi cảm Đức Phật Di Đà, lúc đó tôi mới năm tuổi. Nhưng sau khi tôi xuất gia học đạo vào năm mười hai tuổi, theo con đường tiến lên của mình, tôi lại cảm về Phật Thích Ca nhiều hơn khi bắt gặp kinh Pháp Hoa và đi sâu vào yếu chỉ kinh, nhận chân được hóa thân Phật Thích Ca cho đến viên mãn Báo thân và Pháp thân thanh tịnh của Ngài. Từ đó, giúp tôi hoằng truyền Phật pháp dài lâu, không mệt mỏi, là nhờ gặp đúng thời tiết tác động cho độ cảm này phát sanh và tăng trưởng.
Từ hóa thân Phật đi vào Báo thân Phật là thế nào? Hóa thân là Phật Thích Ca xuất hiện trên cuộc đời cách đây hơn hai ngàn năm và tôi hình dung mỗi nơi đều có ứng hóa thân Phật, như vậy có rất nhiều hóa thân Phật. Và tôi đọc kinh Duy Ma thấy năm trăm công tử dâng năm trăm lọng báu cúng Phật, được Phật dồn lại thành một cây lọng che mát cả tam thiên đại thiên thế giới và ở dưới mỗi cây lọng nhỏ có một hóa Phật. Tôi cảm nhận rằng từ khi Phật Niết bàn cho đến các vị Tổ sư lập giáo khai tông từ nơi này sang nơi khác, phải chăng đó chính là hiện hữu của hóa thân Phật. Và ngày nay, chúng ta truyền trao pháp Phật cho người tu theo thì chúng ta cũng tiêu biểu cho một hóa thân Phật. Thật vậy, chúng ta cảm Phật, đưa Phật vào tâm, thể hiện ra lời nói và việc làm khiến cho người phát tâm tu theo Phật đạo, mới là Phật sự. Từ độ cảm hóa thân Phật Thích Ca, tôi phát hiện rằng tâm là Thiền, thân là Phật và miệng là pháp.
Và xa hơn, tôi nghĩ về Báo thân Phật, nghĩa là sanh thân Phật tuy không còn, nhưng công đức của Ngài đã thành tựu không mất. Như vậy, bước theo dấu chân Phật, việc thứ hai của chúng ta tu là tích lũy công đức do cảm được Báo thân Phật. Nhìn thấy Báo thân Phật, hay thân công đức của Ngài, chúng ta liên tưởng đến thân tội lỗi của chúng sanh. Vì mang thân tội lỗi nên có người sống mà bị coi như đã chết, không ai nghĩ đến, hay bị người ta ghét bỏ, mong cho chết. Hoặc người bình thường thì họ hiện hữu lúc sống và chết thì không còn nữa. Đó là hình ảnh của chúng sanh trong thế giới sanh tử.
Chúng ta cảm nhận được công đức của Phật và đưa Báo thân Phật vào lòng chúng ta. Phật không phải là con người hữu hình hữu hoại, nhưng Phật là công đức, chúng ta thấy Phật bằng công đức. Vì vậy, có Phật hay không, không quan trọng, nhưng điều chính yếu là ta quý kính công đức của Phật, của các bậc tiền nhân, nhớ nghĩ đến việc làm lợi lạc quần sanh của các ngài. Thí dụ tôi đến chùa Vĩnh Phước thì nhớ đến Sư bà Huyền Học là người đặt nền tảng để sau này Ni sư Như Hoa phát triển. Nền tảng đó là công đức của Sư bà đã tu tạo được. Tuy Sư bà không còn, nhưng công đức này còn mãi trong lòng của những người đang thừa hưởng. Quý cô ngày nay tu học được an lành phải nhớ công lao của Sư bà để lại và các cô phải làm gì để lại cho thế hệ mai sau. Người trước đã làm và người sau phải nối chí.
Thấy Báo thân Phật, cảm công đức của Phật và ta đem phước đức, trí tuệ của Ngài vào lòng, thệ nguyện quyết tâm làm theo Phật để tạo phước đức, trí tuệ của ta giống như Phật. Như vậy, chúng ta đã nắm bắt được Báo thân Phật để chúng ta xây dựng Báo thân Bồ tát của chính mình. Người tu khác nhau ở điểm có Báo thân lớn hay nhỏ, hay không có Báo thân, tức tu hành không sanh được công đức. Đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ để tiến tu đạo nghiệp.
Báo thân là thân phước đức, trí tuệ; nhờ trí tuệ mới tạo được phước đức, nên chúng ta tu hành lấy trí tuệ làm sự nghiệp là nghĩa này. Tạo phước đức trước, tu trí tuệ sau là nghịch chuyển, ít có kết quả. Kinh nghiệm của riêng tôi nhận thấy người tu huệ trước, tu phước sau, có kết quả nhiều hơn. Tôi xuất gia từ nhỏ, tu huệ suốt hơn hai mươi năm, tạo được sự hiểu biết tương đối chính xác và dùng sự hiểu biết ấy để tạo phước đức; nghĩa là thấy việc đáng làm thì làm, nên nói mới nói và nói lúc nào mới có kết quả tốt. Không có trí tuệ, cứ biết rồi nói thì làm mất lòng đại chúng, nói không đúng người, coi chừng mang họa. Hòa thượng Trí Tịnh ít nói, nhưng nhờ nói đúng người, đúng lúc, đúng chỗ, nên ngài thành công nhiều việc.
Có trí tuệ thấy việc đúng thì làm, không làm theo bắt chước. Có trí tuệ, phước đức theo cái thấy đúng của trí tuệ mà sanh ra. Không có trí tuệ, không tạo được phước đức. Và có phước đức, nhưng không có trí tuệ, phước đức dễ bị mất. Có phước giống như những hoàng tử hay vua chúa, nhưng vì không có trí tuệ, nên giải quyết công việc không được, để người hợp tác, cộng sự thao túng, làm sai trái, cuối cùng mất ngôi, hay bị mất mạng. Thực tế chúng ta thấy không ít thủ trưởng thân bại danh liệt, vì thiếu hiểu biết, bị người cộng sự làm hại.
Quán tưởng Báo thân Phật thấy phước đức, trí tuệ của Ngài thì việc tu hành của ta là phát huy phước đức, trí tuệ làm sự nghiệp của mình. Có phước đức, trí tuệ mới thực sự làm Thầy; chỉ có hình thức chiếc áo xuất gia thì người xưng con với ta, nhưng thực lòng họ không nghĩ như vậy. Có thể khẳng định rằng chúng ta không cần mọi việc, chỉ cần tu cho có đạo đức và tri thức và có đạo đức tri thức thì chùa chiền tự có. Thiếu trí mà ôm chùa là tai họa, không đáng mừng. Chùa lên hay xuống tùy ở phước đức, trí tuệ. Biết như vậy, chúng ta từ bỏ vật chất thế gian để xây dựng phước đức, trí tuệ, hình thành Báo thân của chúng ta.
Bồ tát Phổ Hiền dạy rằng cần suy xét cái gì mà đến lúc mạng chung còn đem theo được, không làm những việc không mang đi được cho uổng công. Chỉ có phước đức, trí tuệ đời đời kiếp kiếp gắn liền với ta. Hành Bồ tát đạo rất cần phước đức, trí tuệ, quyến thuộc.
Và thân sau cùng của Phật là Pháp thân. Ngài tu hành đạt được phước đức, trí tuệ vẹn toàn và sử dụng phước đức, trí tuệ ấy để biến các pháp thành thân của Ngài; nói cách khác là mọi vật đều tùy thuộc sự điều động của Phật gọi là y báo, phước đức và trí tuệ là chánh báo. Thí dụ Phật Di Đà làm vua Vô Tránh Niệm, khi xuất gia làm Pháp Tạng Tỳ kheo. Và Ngài làm Pháp Tạng Bồ tát tu Bồ tát hạnh để tạo phước đức, trí tuệ. Khi có đầy đủ phước đức, trí tuệ, hoàn tất Báo thân rồi, với chánh báo như vậy thì y báo là thế giới Cực Lạc của Ngài hiện ra ở phương Tây cách đây mười muôn ức cõi nước.
Từ quán tưởng Phật Thích Ca là vị đại Đạo sư giáo hóa chúng ta bằng ứng hóa thân Phật, cho đến nhận chân được Báo thân và Pháp thân Phật đầy đủ y báo và chánh báo trọn lành; đó là quá trình tu đúng thấy như vậy.
Trở lại từ đầu, tôi cảm Phật Di Đà lúc mới năm tuổi và trải qua quá trình tu sáu mươi năm, đến nay hội đủ nhân duyên lại gặp Phật Di Đà, như vậy là trải suốt một thế kỷ, đi giáp một vòng, gặp lại vị Phật mà tôi có nhân duyên. Lúc năm tuổi, tôi có một người dì mà tôi rất thương, vì bà rất thương tôi. Bất chợt một hôm, vô thường đến, bà đã chết làm tôi vô cùng buồn bã. Mẹ tôi tráng bánh tráng, tôi ngồi kế bên ăn bánh tráng hư, vừa nghe mẹ tôi đọc bài sám Hồng Trần. Tôi đã nghe bài này sáu mươi năm trước, mà nay đọc lại vẫn thấy hay. Và nhất là từ khi tôi cảm Phật Di Đà nhân chuyến đi Mỹ vừa qua, tôi đọc lại bài này cũng vẫn thấy hay. Có điều lạ là đã trải qua sáu mươi năm không đọc, mà bài sám Hồng Trần vẫn sống động trong lòng tôi:
Nhờ ơn Đức Phật Di Đà
Phóng ra một ngọn chói lòa hào quang
Trong khi tiếp dẫn rõ ràng
Dắt hồn ra khỏi sáu đàng ngục mê
Quan Âm Bồ tát vui mừng
Tay cầm nhành liễu, tay bưng kim đài
Với cùng Thế Chí các ngài
Cũng đều khuyên thỉnh lên ngay sen vàng
Có bảo cái, có tràng phan
Có mùi hương lạ, có đàng ngọc xây
Có Trời các cõi truy tùy
Có đờn, có trống, rước đi một đường
Rước về đến cảnh Tây phương
Có ao thất bảo, có hương ngũ phần
Lưu ly có đất sáng ngần
Ma ni có nước trong ngần chảy quanh
Thất trần có bảy lớp thành
Bảy hàng cây báu, bảy vành lưới châu
Có ngân các, có kim lầu
Có chim nói pháp nhiệm mầu để nghe
Nghe rồi tỏ đạo Bồ đề
Bao nhiêu nghiệp chướng hồn mê dứt liền
Đã sanh về chín phẩm sen
Mấy tay cũng xảy, mấy duyên cũng tròn
Phật như thể mẹ tìm con
Con mà gặp mẹ lại còn lo chi
Lầu vàng đài báu thiếu gì
Ăn thì cơm ngọc, mặc thì áo châu
Không ơn, không oán, không sầu
Không già, không chết, có đâu luân hồi
Từ nay duyên kiếp sạch rồi
An vui tự tại sống đời Vô sanh.