Lạc là cái gì đó tạo dễ chịu và khổ là cái gì đó gây khó chịu. Do quả lành đời trước bây giờ ta được hỷ lạc. Do quả khổ đời trước bây giờ ta bị khổ ưu. Cái dễ chịu chỉ là dễ chịu và đừng đi xa hơn nữa. Cái khó chịu chỉ là cái khó chịu và đừng đi xa hơn nữa. Đừng tiếp tục tạo nghiệp mới trên cái quả cũ. Câu này đáng để xăm lên người.
Đừng tạo nhân mới qua quả cũ nữa, dầu quả này là quả lành hay quả ác.
Bởi vì sao? Bởi vì chúng sanh không có tu tập thích làm ác hơn làm thiện, nhưng tới lúc chịu quả thì thích quả thiện hơn là quả ác. Đây là mấy cái ngu.
- Cái ngu thứ nhất là thích làm ác hơn làm thiện.
- Cái ngu thứ hai là thích hưởng quả thiện và sợ quả ác. Bậc Thánh không có thích quả thiện và sợ quả ác. Còn chúng ta làm thì thích làm ác không thích làm thiện, tạo nhân thì tạo nhân ác hơn nhân thiện mà lúc hưởng quả thì khoái hưởng cái quả thiện hơn là quả ác. Cái này thì đương nhiên rồi.
- Cái ngu thứ ba là chúng ta đón nhận quả thiện bằng tâm tham và đón nhận quả ác bằng tâm sân. Tức là ngu triple, ba lần ngu! Cho nên ở đây ngài nói rất là rõ: Lạc hãy để nó là lạc, nó là một phần rất riêng. Khổ hãy để nó là khổ, nó là một cái rất là riêng. Đừng nên dệt nó thành một cái gì đó mà làm nó lớn chuyện lên.
Mình may mắn mình sinh ra mình đẹp, hãy để cái đẹp dừng ở đó – đừng dùng nhan sắc làm các tội ác. Mình giàu có, thông minh, khỏe mạnh thì hãy dùng cái giàu, cái tài, cái mạnh để tiếp tục làm việc thiện mới. Chứ không phải lấy đó để hưởng thụ, để tiếp tục đam mê, chìm đắm, gục mặt cúi đầu trong đó để rồi tiếp tục vay thêm nợ mới cho đời sau. Ở đây nói rất rõ: Quá khứ là cái đã qua, bỏ nó đi để tập trung vào hiện tại. Tương lai là cái chưa đến nên quên nó đi để tập trung vào cái hiện tại.
Nhiều người hiểu lầm cái này lắm. Họ tưởng đâu Phật là người chủ trương tu hành phủ nhận quá khứ. Không phải vậy. “Quên quá khứ” ở đây chúng ta phải hiểu như thế này: Đừng nghĩ về quá khứ một cách không cần thiết. Nghĩ về quá khứ để mà tham, để mà giận thì không nên. Nghĩ về quá khứ để mà đau khổ thì không nên. Khi cần thiết chúng ta nhắc đến quá khứ vì đó là kinh nghiệm quan trọng, vì đó là một bài học quan trọng thì nên nhắc về quá khứ. Còn nếu nhắc về quá khứ chỉ để thêm phiền não, để giận, để sợ, để ghen tuông, tị hiềm thì không nên.
Tương lai cũng vậy, chúng ta tu Phật không phải là phủ nhận tương lai. Nhưng mà chúng ta không nên nghĩ về tương lai bằng cái kiểu hoài vọng, u mê, mù quáng của người không biết đạo. Đầu tư cho một cái mù mờ không thấy rõ thì cái đó không có nên. Nhưng nếu chúng ta có những trù hoạch, những kế sách thông minh cho tương lai một cách cần thiết thì là chuyện nên làm.
Đặc biệt ở đây tôi đang nói đến đạo giải thoát chứ tôi không nói đến chuyện làm ăn ngoài đời.
Mặc dầu ở ngoài đời cũng vậy. Chúng ta chỉ nghĩ hoài vọng về tương lai một cách cần thiết, chứ không thể nào tay cầm một cập vé số mà cứ nhìn cái villa, một ngày nào đó mình có chiếc xe hơi đắt tiền, mình có một cái resort riêng tư thì cái đó thì hơi đi quá xa.
Ở đây Kinh dạy rõ rằng: sáu căn là sáu căn, sáu xúc là sáu xúc, sáu trần là sáu trần; đừng kết nối nó lại bằng niềm đam mê trong đó; làm vậy chỉ là gieo khổ mà thôi.
Tôi nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần, Đạo không phải là bôi tro trét trấu cuộc đời. Đức Phật không nói xấu cuộc đời, Ngài không có bi quan hóa cuộc đời, Ngài không nói cuộc đời này là máu lệ. Ngài chỉ nói rằng mọi thứ không bền. Chúng ta bây giờ có đầu tư bao nhiêu thứ, chúng ta có giàu có, có thông minh, có nhan sắc … thì rồi ngày sau chúng ta vẫn phải sống bằng tâm trạng của người lờ đờ tám mươi, một trăm tuổi. Đó là chuyện trước mắt. Chưa kể nếu chúng ta cứ đam mê trong đó thì một khi tắt thở rồi chúng ta đi về đâu chỉ có trời mới biết.
Trích bài giảng Hatthisariputta
=== TK Giác Nguyên ===