Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Chuyện sát sanh thê thảm để tổ chức tiệc đãi bạn bè – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Chánh Biên

Vong linh các loài vật bị sát sinh hay ăn thịt thường bám theo người hại chúng

Nói đến chuyện đãi đằng bạn bè, vốn nhằm để thoả lòng, phô bày tình cảm sao lại dùng chuyện sát sanh thê thảm để giúp cho bữa tiệc thanh khiết ấy?

Loài vật cùng với ta và bạn ta chẳng hề có nỗi oán giết cha, sao lại xẻ thịt chúng bày thành tiệc để giúp cho khách khứa vui sướng? Cứ thử nghĩ đến tiền nhân hậu quả thì dù có ăn cũng chẳng thể nuốt trôi được! Người đời cưới vợ sanh con vốn để tiếp nối dòng giống, đó là chuyện tốt lành nhất, nếu như ăn thịt thì không còn gì hung hiểm hơn được! Ta muốn cho vợ chồng giai lão, con cháu đầy đàn mà làm cho những con vật kia chịu nỗi bi thương lìa bầy, hoặc bị nỗi thảm dao xẻ; đêm thanh suy nghĩ, yên lòng được chăng? Lại người ta cứ mỗi khi gặp dịp vui như chúc thọ, cưới vợ, sanh con v.v… nếu vô ý nói đến những chữ Chết, Tang v.v… chủ nhân không vui, nếu có chuyện như làm vỡ đồ đạc chẳng hạn liền cho là bất tường. Cớ sao giết các sanh mạng, cắt, chặt, nấu, nướng, cho đến xé ăn, lại ngược ngạo coi là vui, là lễ, là tốt lành, may mắn?

Thật ra, ấy là cái tâm gì vậy? Chính là [làm theo] thói quen không suy nghĩ đó thôi! Nếu nói đến chuyện để tự cung phụng mình thì lại càng không nên giết. Nên nghĩ rằng: Ta sanh trong thế gian có công đức gì đối với nhân dân, có phước trạch gì đối với tổ tông, cha mẹ, nay được nhờ phước ấm của tổ tông, cha mẹ che chở sâu dầy, chẳng cực lực làm lành để tăng thêm phước cho tổ tông, cha mẹ, lại cứ mặc tình sát sanh ăn thịt, chẳng những bất lợi cho mình, mà còn gây liên lụy cho tổ tông, cha mẹ. Huống chi ta bẩm thụ di thể từ cha mẹ, hằng ngày dùng loài vật để bồi bổ, lâu ngày khí chất sẽ biến đổi theo, thật đáng sợ! Nay tôi nêu chứng cứ đại lược ngõ hầu người biết yêu thương chính mình sẽ tận lực dứt bỏ thói tham ăn ngon ấy.

Sách Vạn Thiện Tiên Tư chép: “Đàn bà có thai ăn thịt thỏ thì con bị môi sứt, ăn thịt sẻ thì mắt lé, ăn cua thì phần nhiều con bị đẻ ngang, ăn ba ba thì cổ ngắn đầu teo, ăn cá chình, lươn thì phần nhiều khó sanh, ăn thịt ếch thì phần nhiều con bị câm ngọng”. Sách Đại Đới Lễ chép: “Ăn thịt thì dũng cảm nhưng hung hãn, ăn ngũ cốc thì trí huệ, nhưng khéo léo; đều là khí chất bị chuyển biến theo khí chất của từng loài, từng vật vậy”. Khí chất do cha mẹ để lại cho ta vì ăn thịt mà dần dần bị biến đổi ngấm ngầm thành khí chất của loài vật, đấy là đại bất hiếu. Từng thấy [người ta] chữa trị kẻ cứa cổ nhưng chưa đứt khí quản bằng cách cắt thịt chim hay thịt gà sống đắp vào chỗ bị thương, khi lành rồi chỗ ấy bèn mọc lên lông gà. Tuy đắp ở bên ngoài nhưng chỗ ấy vẫn là thể chất của súc vật. [Như vậy] suốt cả đời ăn thịt để bồi đắp bên trong há chẳng đáng kinh sợ hoảng hốt ư?

Như vậy là gìn giữ di thể được bẩm thụ từ cha mẹ đó sao? Huống chi chất thịt đều chứa chất độc, do lúc bị giết hận tâm kết lại cho nên người ăn thịt phần nhiều hay sanh ghẻ chốc, khi ôn dịch lưu hành hay mắc bịnh truyền nhiễm. Người ăn chay thường ít mắc phải những chứng ấy. Phàm muốn giải thoát oán nghiệp, giữ gìn thân thể thì không thể không biết [chuyện này].

(Trích lục: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Chánh Biên, Phổ khuyến kiêng giết ăn chay để vãn hồi kiếp vận)

Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *