Danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn, trong sách vở Tịnh Tông thường nói tới tánh trọng yếu của danh hiệu, nhưng học nhân thường hay xem nhẹ, chẳng biết đến ý nghĩa chân thật! Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chú giải kinh Vô Lượng Thọ, dẫn dụng rất nhiều lời thuyết pháp của cao tăng, đại đức đời Tùy – Đường. [Theo đó], trong hết thảy các kinh do đức Phật đã giảng trong bốn mươi chín năm, bộ kinh nào bậc nhất? Các tông phái đều công nhận Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Phạm Võng là những bộ kinh lớn của Nhất Thừa, nhưng đem so với kinh Vô Lượng Thọ thì kinh Vô Lượng Thọ là bậc nhất, bởi lẽ, kinh Hoa Nghiêm đến quyển cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện dẫn về Cực Lạc thì kinh Hoa Nghiêm mới viên mãn rốt ráo. Kinh Vô Lượng Thọ là tổng kết và quy túc của kinh Hoa Nghiêm. Kinh A Di Đà chính là tiểu bổn của kinh Vô Lượng Thọ.
Nếu quán sát sâu xa hơn, lão cư sĩ Hạ Liên Cư chia kinh Vô Lượng Thọ thành bốn mươi tám phẩm, lấy bốn mươi tám nguyện trong phẩm thứ sáu làm trung tâm của kinh. Trong bốn mươi tám nguyện, cổ đức coi nguyện thứ mười tám là bậc nhất. Nguyện thứ mười tám là “mười niệm ắt sanh”, viết rành rẽ, rõ ràng công đức chẳng thể nghĩ bàn của danh hiệu. Một câu Phật hiệu này mở rộng ra là bốn mươi tám nguyện, rồi lại mở rộng ra thành kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ mở rộng ra sẽ thành kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm mở rộng chính là Đại Tạng Kinh. Do vậy, một câu A Di Đà Phật chính là tổng cương lãnh của pháp tạng do đức Phật đã nói trong suốt bốn mươi chín năm. Niệm một câu danh hiệu A Di Đà Phật giống như niệm hết thảy kinh điển do đức Phật đã nói, công đức của danh hiệu thật chẳng thể nghĩ bàn.
Đối với pháp Quán Tượng Niệm Phật thì trong kinh Ban Châu Tam Muội có giảng phương pháp tu hành phép Quán Tượng Niệm Phật. Ngoài ra, Thập Lục Quán Kinh cũng giảng phép Quán Tượng Niệm Phật, nhưng chỉ giảng trong phép quán thứ mười ba, còn những phép quán khác, có mười hai phép đều giảng về cách Quán Tưởng Niệm Phật[8]. Trong phần trước, tôi đã nói Quán Kinh có hai bộ chú giải, một là bộ Diệu Tông Sao của tông Thiên Thai, do Tri Lễ đại sư chú giải. Lại còn có bộ chú giải mang tên Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ của Thiện Đạo đại sư. Hai bản này đều rất phổ biến, tôi đã đều giảng rồi. Tôi hưởng lợi ích nhiều nhất từ bộ Tứ Thiếp Sớ, bộ này được tôn là sách chú giải Quán Vô Lượng Thọ Kinh bậc nhất từ xưa đến nay, có thể sánh với Di Đà Yếu Giải. Trong bộ ấy có nhiều nhận định mà cổ đức chưa từng nói đến. Có người nói Thiện Đạo đại sư là A Di Đà Phật tái lai, trong sách chú giải kinh Vô Lượng Thọ, Hoàng cư sĩ cũng từng nhắc tới điều này. Cũng có thể nói: “Tứ Thiếp Sớ là do chính A Di Đà Phật tự thuyết pháp cho chúng ta!”
Đối với Lễ Bái, Cúng Dường, Ngũ Hối đều có thể lấy kinh Hoa Nghiêm để làm thí dụ. Trong mười đại nguyện vương thuộc phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm thì “lễ kính chư Phật” và “xưng tán Như Lai” thuộc về Lễ Bái, “quảng tu cúng dường” chính là Cúng Dường như ở đây đã nói. Ngũ Hối là năm phương pháp “Sám Hối, Khuyến Thỉnh, Tùy Hỷ, Hồi Hướng, Phát Nguyện”. Ngoài Sám Hối ra, bốn thứ còn lại, tức Khuyến Thỉnh, Tùy Hỷ, Hồi Hướng và Phát Nguyện đều có ý nghĩa sám hối. Nếu không thật sự sám hối thì bốn phương pháp này đều chẳng thể có. Do vậy, chúng đều thuộc vào pháp Sám Hối. Nếu đem Ngũ Hối áp dụng vào mười đại nguyện vương thì: “Sám hối nghiệp chướng” thuộc về phép thứ nhất trong Ngũ Hối. Tùy Hỷ thuộc phép Ngũ Hối thứ ba. “Thỉnh chuyển pháp luân” và “thỉnh Phật trụ thế” thuộc phép Khuyến Thỉnh thứ hai trong Ngũ Hối. “Thường tùy Phật học” và “hằng thuận chúng sanh” thuộc phép thứ năm là Phát Nguyện trong Ngũ Hối. “Phổ giai hồi hướng” thuộc về phép thứ tư, tức là Hồi Hướng trong Ngũ Hối. Có thể thấy rằng: Pháp được Phổ Hiền Bồ Tát tự tu là mười đại nguyện vương; Ngài dạy người khác tu pháp môn Niệm Phật.
(PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ – PHẦN 2 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật )