Kiểu nghi ngờ lo lắng này chính là điên đảo về nhân quả, không hiểu rõ thời cơ. Thí như có người rối loạn tiêu hóa, ăn uống không được, chỉ có thể dùng thức ăn lỏng để duy trì mạng sống, thì không thể trách móc: “Sao chỉ cho họ ăn thức ăn lỏng, sao lại dẹp hết những thức ăn ngon của họ?”. Do vì các pháp môn thuộc Thánh đạo là tạp tu tạp hạnh, có nỗi lo pháp diệt, cho nên pháp môn Tịnh Độ đề xướng việc chuyên tu để cứu pháp thân huệ mạng của chúng sanh, duy trì sự nghiệp độ sanh của Phật giáo. Chưa từng nghe rằng việc khế cơ, khế lý, khế thời đề xướng chuyên tu niệm Phật mà khiến cho pháp diệt.
Nếu chúng sanh đời hiện tại tu đủ tam học liền đoạn được tham sân si, tu lục độ vạn hạnh liền chứng được Vô sanh pháp nhẫn, mà đề xướng một câu Phật hiệu thì e là ít người màng tới. Còn nếu chúng sanh không tu nổi tam học, không tu nổi lục độ, thì khi đề xướng việc viên tu vạn hạnh, trong tâm họ sẽ nảy sinh kỳ vọng: “Tôi tu không nổi những pháp môn này, có pháp môn nào dễ tu hành hơn không?”.
Căn cơ chúng sanh bất đồng, sở thích bất đồng, chưa hẳn một người đề xướng như vậy thì mọi người đều làm theo như vậy. Thí như khuyến khích việc xuất gia, không thể có chuyện mọi người đều chịu thế độ. Có người nghe nói: ‘Một câu Phật hiệu, một bộ kinh’ thì rất vui mừng, họ liền tin nhận vâng theo, niệm Phật thành Phật; có người thích học rộng nghe nhiều thì cũng có người đề xướng học rộng nghe nhiều phù hợp với tâm tình của họ.
Thiện tri thức hoằng pháp lợi sanh, đều ngay đối tượng mà tùy duyên nhiếp thọ, không thể rập khuôn, hễ phù hợp thì bổ sung lẫn nhau.
Pháp Sư Tịnh Tông – 淨宗法師 – Dharma Master Jingzong