Hồi xưa, đọc qua chỗ nầy mấy lần, tôi vẫn không hiểu. Vì tôi quan niệm tu là phải có một phương pháp hẳn hoi, nên tìm hoài không được, sanh nản lòng. Không ngờ Tổ đã tuyên bố “Trực Chỉ” thì còn có pháp môn gì nữa? Bây giờ thì thấy rất rõ, chỉ cần nhìn lại hành trạng của nội tâm, vừa có niệm khởi liền biết vọng niệm không theo, không vọng niệm cũng biết, đó là tu. Như vậy, ngay khi vọng niệm hết thì chân tâm sáng suốt tự hiện, mà chân tâm sáng suốt đó là Giác, là Phật. Thế mà chúng ta muốn thấy ông Phật hào quang rực rỡ với những tướng khác lạ, chớ không chịu nhận ông Phật hằng sáng hằng giác sẳn có nơi mình. Tánh giác dụ như cái gương sáng, bên ngoài có vật thì hiện bóng trong gương, bên ngoài không vật thì gương không bóng, nhưng mặt gương vẫn trong sáng. Cũng vậy, tánh giác khi không có vọng niệm thì thanh tịnh sáng suốt, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, các căn vẫn hoạt động không mê mờ, cũng không có cái lanh của điên đảo. Một giờ niệm không khởi là một giờ tâm sáng suốt thanh tịnh, là Phật hiện tiền.
Vì không biết Phật là tánh giác sẳn có nơi tự tâm mình, nên người đời tưởng tượng rồi chạy theo hình tướng tô điểm vẽ vời tượng Phật môi son má phấn lòe loẹt. Phật đã không cho đệ tử dùng hương hoa, phấn sáp trang điểm thân hình, bây giờ chúng ta lại dùng son phấn tô điểm tượng Phật, làm một điều hết sức trái ngược! Ðức Phật từ giả nếp sống xa hoa lộng lẫy ở hoàng cung, đi vào rừng sống một đời sống đơn giản bình dị. Vậy mà, ngày nay người học Phật quá thiển cận, cứ chạy theo cái lòe loẹt xảo trá bên ngoài, nên đạo càng ngày càng xa. Cái thật hiện hữu trước mắt thì không chịu nhận. Chúng ta có thể ngồi chơi, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe tất cả âm thanh sắc tướng bên ngoài mà không khởi một niệm, tâm thanh tịnh lặng lẽ khoảng 5 phút, 10 phút…, ngay khi đó tâm bình an là Phật hiện tiền. Nói tâm bình an là Phật hiện tiền thì thấy quá dễ nên mọi người không dám tin. Song, đó là một lẽ thật không thể phủ nhận. Phật không xa, chỉ vì mình đem tâm tìm kiếm thành ra xa cách, rồi tự than: Ta sanh vào thời mạt pháp, cách Phật quá xa, nên khó tu! Nếu nắm được then chốt rồi thì sự tu hành không khó, gần với đạo vô cùng, ai cũng có thể làm được. Chỉ cốt đối duyên xúc cảnh, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe… không khởi niệm chạy theo trần cảnh, tâm hằng lặng lẽ sáng suốt đó là hợp đạo, là sống với trí tuệ, là Phật.
Bài kinh nầy giúp cho chúng ta thấy rõ đường lối tu của Thiền viện là dùng trí tuệ nhìn lại hành trạng của nội tâm mình; đó là một cách tu có căn bản, có nguồn cội, để chúng ta vững lòng tin, không hoang mang nghi ngờ, không sợ việc tu của mình bị sai lạc mà nỗ lực tu tập.
Nguồn : Www.thuongchieu.net