Bánh xe luân hồi là tác phẩm Phật giáo kinh điển giải thích các trạng thái tâm lý, tiến trình sinh tử, đặc điểm tồn tại của các cõi giới luân hồi cùng những triết lý sâu sắc về nhân sinh, vũ trụ theo quy luật biện chứng nhân quả. Sự mô tả các cảnh giới trong tác phẩm này giúp chúng ta có được tri kiến về bản chất luân hồi và thúc đẩy mạnh mẽ động cơ tu tập, tìm cầu giác ngộ giải thoát nơi mỗi người. Vòng luân hồi thường được vẽ ở lối vào Đại hùng Bảo điện các tự viện thuộc truyền thống Kim Cương thừa, với mục đích giúp chư Tăng Ni và các Phật tử hành hương có được cái nhìn sâu sắc về bản chất sự sống, các nguyên nhân nền tảng của khổ đau và phương pháp chuyển hóa khổ đau để đạt được hạnh phúc chân thật.
Chúng ta có thể tìm hiểu khái quát các chi tiết mô tả bánh xe luân hồi theo bốn lớp hay bốn vòng đồng tâm quanh bánh xe đó, chi tiết như sau:
1. Vòng Hoặc ở trục trung tâm,
2. Thứ hai là vòng Nghiệp,
3. Thứ ba là vòng Khổ và
4. Thứ tư là vòng Mười hai nhân duyên.
Ở trục trung tâm của bánh xe là ba chữ chủng tử OM AH HUNG tỏa sáng, biểu trưng cho thân khẩu ý giác ngộ, tinh túy thanh tịnh của ba căn bản phiền não tham, sân, si.
Vòng tròn tiếp theo là vòng Hoặc hay vòng Phiền não có hình ảnh ba con vật: lợn, gà và rắn đan quyện vào nhau nêu biểu cho tham, sân, si hay ba phiền não căn bản, cũng là nguyên nhân sâu xa và động cơ vận hành vòng quay sinh tử luân hồi.
Bởi tham sân si là nguyên nhân điều khiển mọi hành vi thân khẩu ý dẫn đến tạo “nghiệp”, nên “nghiệp” được thể hiện tại vòng tròn thứ hai gồm hai nửa đen trắng. Nửa bên trái nền trắng gồm những chúng sinh tạo thiện nghiệp. Nửa bên phải nền đen gồm những chúng sinh tạo ác nghiệp. Dù có tính chất thiện hay ác, các nghiệp do chúng sinh tạo ra vẫn bị chi phối trong vòng Nghiệp lực với kết quả là sự lưu lạc chầm trìm trong luân hồi. Tuy nhiên, có một sợi dây mỏng manh nêu biểu cho Trung đạo, nối từ vòng Nghiệp, dẫn dắt chúng sinh đi lên cảnh giới của chư Phật nằm ngoài vòng luân hồi. Sợi dây tượng trưng cho con đường duy nhất đưa chúng sinh siêu vượt cõi luân hồi đạt được hạnh phúc và tự do giải thoát chân thật.
Vòng tròn thứ ba là vòng Khổ chia làm sáu khoen tương ứng với sáu cõi luân hồi gồm cõi Trời, A tu la, Người, Địa ngục, Ngã quỷ và Súc sinh.Góc khoen ở phía bên phải tương ứng với cõi Ngạ quỷ, ở dưới là cõi Địa ngục. Chúng sinh bị đọa vào các cõi thấp này do ảnh hưởng của bất thiện nghiệp và xúc tình phiền não tiêu cực. Cảnh giới nơi đây vô cùng kinh khiếp với những dòng sông băng lạnh giá và đám lửa cháy bừng bừng… Nhìn tiếp theo chiều kim đồng hồ, chúng ta sẽ thấy một cõi thấp khác là cõi Súc sinh nằm ở bên trái. Ngay trên cõi này là cõi Atula của các vị Á Thiên luôn bị thúc đẩy dày vò bởi tâm đố kỵ ghen đua. Ở phía trên cùng là khoen mô tả cõi Thiên màu xanh lục, nơi sinh sống của chư thiên tự mãn về tâm linh. Bên dưới cõi Thiên dối lừa này là cõi Người, quan kiến Đạo Phật cho rằng đây là cõi giới có các điều kiện thuận lợi để thực hành và thành tựu tâm linh.Trong mỗi cõi giới đều có một vị Phật đứng trên những đám mây bồng bềnh, nêu biểu rằng dù hoàn cảnh có khổ đau, đáng sợ đến mức nào, cuộc sống trong lục đạo luân hồi đều cho chúng ta cơ hội giải thoát giác ngộ.
Vòng thứ tư là vòng Mười hai nhân duyên.Vòng này giống như vòng xích của mười hai mắt xích nhân duyên nối tiếp nhau, mỗi mắt xích là kết quả của mắt xích trước đó đồng thời cũng là nguyên nhân của mắt xích sau nó.Vòng này minh họa tiến trình của sinh tử, đồng thời cũng giải thích sự vận hành của tâm, cách thức mà chúng sinh xoay vần trong sáu đạo luân hồi. Yếu tố nhân (nguyên nhân), duyên (điều kiện) kết hợp là cơ sở sinh khởi mọi sự vật, hiện tượng. Khi nhân, duyên lìa tan sẽ khiến các sự vật hiện tượng diệt vong. Vô minh thiếu hiểu biết được đề cập đến đầu tiên bởi đó là nguyên nhân căn bản, tiếp đến, theo thứ tự nhân duyên, chúng ta có: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão bệnh tử.
Toàn bộ bánh xe luân hồi được đặt giữa những móng vuốt sắc nhọn của Ma vương, trong hình vẽ là một Quỷ thần có răng nanh, với các sức trang hoàng trên đầu là những sọ người nêu biểu cho vô thường, thân Ma vương ở giữa lửa cháy và khoác một tấm da hổ. Bánh xe Phật Pháp thị hiện ở hai lòng bàn chân Ma vương và con mắt trí tuệ (tuệ nhãn) ở trên trán Ma vương chỉ ra rằng các chu kỳ thời gian không chỉ là những ảo ảnh mà còn là thực tại không thể trốn tránh của cõi giới luân hồi chúng ta đang sống.
Khi chúng ta không để tâm đến sự vận hành miên viễn không dừng của dòng thời gian và những khó khăn trong việc trưởng dưỡng tâm linh, chúng ta giống như những bộ xương, còn gọi là “Hài lâm thi chủ”, được mô tả ở hai góc dưới bức tranh. Tại góc bên trái, các vị lãng phí thời gian trong những bữa tiệc và cuộc chơi tàn canh, chi phối bởi những thú vui, đam mê phù phiếm. Góc dưới bên phải bức tranh, các vị lại nỗ lực vô ích để vật lộn với những phóng chiếu ảo cảnh do tâm tạo. Ở phía dưới cùng của bức tranh là Đức Tài Bảo Thiên Vương Vaishravana, một Thần Tài bảo và Bậc Hộ pháp, cưỡi một con sư tử tuyết trong một đám mây. Xung quanh là bảo châu như ý. Trong bánh xe luân hồi, mọi tích lũy cuối cùng đều mất đi ngoại trừ trí tuệ hiểu biết về bản chất của vạn pháp. Những viên ngọc như ý vô giá này chính là sự hiển bày của tâm giác ngộ.
Chừng nào còn bị chi phối bởi sân giận, ngã mạn và si mê, chúng ta còn lạc trong cảnh giới vô minh, bị quay cuồng giam hãm trong vòng xoay luân hồi không ngừng nghỉ.
Phía trên cùng bức tranh là hải hội chư Phật Bồ tát nêu biểu cảnh giới Giác ngộ được chia thành ba cụm. Trong đó, góc bên trái là sự thị hiện của Ngũ Trí Phật nêu biểu cho bốn phương chính và sự chắt lọc năm loại xúc tình tiêu cực thành tinh túy giác ngộ của các Ngài.
– Đức Phật Đại Nhật Vairochana mầu trắng (3), “Bậc Tỏa Sáng Quang Minh rực rỡ”, tay bắt thế ấn Chuyển Pháp luân và chuyển hóa sự lãnh đạm thành ánh sáng Diệu minh Pháp giới thể tính trí.
– Đức Phật Bảo Sinh Ratnasambhava (4) màu vàng, chuyển hóa kiêu mạn thành Bình đẳng tính trí.
– Đức Phật A Súc Bệ Akshokbya (5), có thân mình màu xanh dương đậm, kết ấn súc địa chạm những ngón tay xuống đất nêu biểu cho trí tuệ siêu việt Đại viên Cảnh trí.
– Đức Phật A Di Đà Amitabha (6), Đức Phật của vô lượng ánh sáng, nêu biểu cho sự chuyển hóa tham muốn thànhDiệu quan sát trí.
– Đức Phật Bất Không Thành Tựu Amoghashiddhi (7) giơ tay lên với thế ấn Vô úy, nêu biểu cho Thành sở tác trí hay sự thành tựu không chướng ngại. Các Ngài tạo thành hình vòng cung bao quanh Bồ tát Long Thọ đang dẫn độ các chúng sinh thực hành tâm linh đến với cảnh giới giác ngộ siêu việt.
Ở cụm chính giữa là đức Phật Kim Cương Trì an tọa, nêu biểu cho sự bất khả phân của sắc và không.(1).
Hai bên Ngài là sự thị hiện Báo thân Phật qua hình ảnh Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara (8) và Bạch Độ Phật Mẫu Tara (9) trì giữ những bông hoa sen nêu biểu cho trí tuệ vượt qua các cõi giới luân hồi. Cũng tại nơi đây thị hiện Hóa thân Phật qua hình ảnh (10) Đại Thành Tựu giả Naropa và Đức Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh Padmasambhava (11), đầu đội mũ màu đỏ đặc trưng, trì giữ một chày Kim cương ở tim nêu biểu cho con đường Đạo bất biến dẫn tới giải thoát tâm linh.
Tại góc bên phải là sự thị hiện của ba Đại Bồ Tát nêu biểu cho mối liên hệ mật thiết giữa trí tuệ, từ bi và năng lực chuyển hóa. Bồ Tát Văn Thù (12) cầm thanh gươm của ngọn lửa trí tuệ Diệu quan sát. Đức Quan Âm (13) trì giữ viên ngọc từ bi vô ngã, và Bồ Tát Kim Cương Thủ Vajrapani (14), ở giữa vầng hào quang lửa, nêu biểu cho năng lượng Vô úy là đặc trưng của con đường tu tập Mật Thừa.Trong lúc đó, Nữ thiên Basundhara Lục Thủ (15) nêu biểu cho của cải và sự dồi dào. Một Đức Phật đang đứng (16) duỗi cánh tay hướng về chúng sinh, chỉ ra con đường đi đến chân hạnh phúc và giác ngộ tuyệt đối.