Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không

[Media] Thấy lợi quên nghĩa, không biết được ân đức, đó chính là tạo tác tội nghiệp

Ý nghĩa chú vãng sanh
Từ những bậc thánh nhân thế xuất thế gian dạy bảo chúng ta, ở ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải nên chú ý điều gì? Khổng Lão Phu Tử nói: “Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”, nhà Phật dạy chúng ta: “Đại từ đại bi, oán thân bình đẳng”, đó là ở ngay trong cuộc sống tu pháp sám hối. Người khác đối với ta tốt, vậy là họ có ân với ta, chúng ta phải tri ân báo ân. Tại sao trên thế gian hiện tại, người vong ân phụ nghĩa nhiều đến như vậy? Họ không biết được ân đức, nói lời hơi khó nghe một chút là không biết được tốt xấu. Bạn nói xem, còn có cách nào không? Không những là người thông thường rất khó phân biệt, mà người nhận qua giáo dục cao đẳng cũng vậy.
Chúng ta ở nước ngoài thấy những người nhận được học vị tiến sĩ, có địa vị tương đối ở trong xã hội, cũng tương đối có tiếng tăm, nhưng họ không biết ân nghĩa, không biết cái gì gọi là ân đức, vậy thì họ làm gì biết được báo ân? Thật là thấy lợi quên nghĩa. Họ làm việc ở trong công ty, đương nhiên là họ rất ưu tú, họ có kỹ thuật, họ có năng lực. Khi công ty khác biết được, đến nói với họ: “Anh đến chỗ tôi đi, tôi sẽ cho anh chức vụ cao hơn bên kia, cho anh sự đãi ngộ tốt hơn bên kia”. Họ vừa nghe thì liền từ chức bên kia, vội vàng đi qua bên này. Họ không biết được thân phận địa vị của họ là do người ta mang đến cho họ. Sau khi họ có địa vị rồi, quyền lợi ở nơi khác cao hơn một chút thì liền đi đến nơi đó. Thật đáng trách! Thấy lợi quên nghĩa, không biết được ân đức, đó chính là tạo tác tội nghiệp.
Cho nên ngay đến thánh nhân thế gian đều dạy chúng ta “dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”, chúng ta phải tri ân báo ân. Cho dù người khác hủy báng chúng ta, nhục mạ chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta cũng dùng tâm thanh tịnh đối đãi với họ, dùng tâm chân thành đối với họ, đó là dĩ trực báo oán. Cái trực này chính là trực tâm mà nhà Phật đã nói, chính là tâm chân thành cung kính, chúng ta vẫn là dùng tâm chân thành tâm cung kính đối với họ. Đó là đạo lý làm người. Vì sao vậy? Tuyệt đối không kết oán thù với người khác. Phải nên biết, sau khi kết oán thù rồi thì đời đời kiếp kiếp báo không cùng tận, tương báo lẫn nhau, đến lúc nào thì mới kết thúc? Ngày nay người khác hủy báng ta, nhục mạ ta, hãm hại ta, đó là quả báo của chúng ta. Vì sao họ không hủy báng người khác, không hãm hại người khác, mà họ lại hãm hại ta? Nhất định là trong đời quá khứ của ta đã huỷ báng họ, hãm hại họ, ngày nay gặp lại họ thì họ hủy báng ta, hãm hại ta, tương báo lẫn nhau, vậy thì phải nên tiếp nhận thôi, cái nợ này chẳng phải đã trả xong rồi sao? Ta không còn tâm oán hận nữa, không còn có tâm báo thù nữa thì nợ này đến đây đã kết thúc, không còn gì nữa.
Cho nên chúng ta phải dùng tâm chân thành cung kính để đối đãi với những người này thì nợ này liền trả xong. Không nên đời đời kiếp kiếp báo tới báo lui, thật phiền não. Đây là Phật dạy cho chúng ta, đó mới chân thật là phương pháp thông minh trí tuệ, giải quyết được vấn đề. Chúng ta không nên làm cho vấn đề phức tạp hơn, phải đem vấn đề giải mở. Giải mở rất thỏa đáng, rất viên mãn thì chúng ta trên đạo Bồ Đề mới được thuận buồm xuôi gió, mới không có chướng ngại. Trên Kinh Phật còn nói với chúng ta: “Ư nhất thiết xứ, nhi bất trụ tướng”, trên “Kinh Bát Nhã” thường nói: “Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp”, không nên đem những pháp tướng này để ở trong lòng, bao gồm tất cả hiện tượng đều không để ở trong lòng.
Đối với tất cả hiện tượng không nên sanh ưa ghét, thuận với ý của mình không nên có tâm tham ái, không thuận theo ý mình cũng không nên có tâm sân hận; ở trong thuận cảnh-nghịch cảnh, người thiện-người ác mà tu tâm thanh tịnh của chính mình, tu tâm bình đẳng của chính mình, đó gọi là thật tu hành. Cho nên hiểu được đời sống chân thật hạnh phúc mỹ mãn, đó là gì vậy? Tâm an lý đắc. Không luận ở trong hoàn cảnh nào, tâm của bạn vĩnh viễn là an định, vĩnh viễn không bị cảnh giới bên ngoài dao động, bạn mới chân thật trải qua ngày tháng hạnh phúc. Người xưa Trung Quốc chúng ta thường nói “đạm bạc minh trí”, đời sống càng đơn giản thì đời sống càng khỏe mạnh. Ở ngay trong đó then chốt nhất chính là tâm địa thanh tịnh, không nhiễm một trần.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 20)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ.
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *