Trong Phật pháp uống rượu được liệt vào trọng giới, tuy nhiên không phải là nặng nhất. Giới nặng nhất chúng ta xem trong Tỳ Kheo giới và Tỳ Kheo ni giới, bốn trọng giới đó là “sát, đạo, dâm, vọng”, ngoài bốn trọng giới này ra thì nặng nhất là giới rượu. Cho nên trong năm trọng giới thì giới sau cùng là giới rượu. Thế Tôn vì sao xem việc này nặng như vậy? Thực tế mà nói, giới luật trong nhà Phật thì “sát, đạo, dâm, vọng” là Tánh tội, là bản thân nó có tội. Bất luận là bạn có thọ giới hay không, hễ đã phạm thì liền có tội. Thế nhưng nếu bạn không thọ giới điều thì uống rượu không có tội. Cho nên rượu là thuộc về Giá tội, nó không giống với bốn điều ở phía trước. Thế Tôn xem việc này nặng như vậy chính là vì thông thường phạm bốn trọng tội thì trước đó đã phạm giới rượu rồi. Rượu có thể làm loạn tánh. Người ham uống rượu, uống say rồi thì trí huệ không thể làm chủ, cho nên mới làm những việc “sát, đạo, dâm, vọng”. Do đó mà nhà Phật giới rượu, chính là để phòng ngừa, không phạm đến những trọng tội “sát, đạo, dâm, vọng” này. Là nguyên nhân như vậy, chúng ta phải nên biết. Cho nên “Tỳ Kheo thanh tịnh, giọt rượu không uống”. Thế nhưng trong giới luật thì sự khai duyên của rượu cũng rộng nhất, lớn nhất. Vì vậy, Thế Tôn dạy người tu học là hợp tình hợp lý hợp pháp, không phải là không thông rõ nhân tình. Có rất nhiều phương thuốc phải dùng đến rượu để làm nguyên liệu, việc này là không phạm. Đây là rượu thuốc. Trong các món ăn, nếu đem nó làm thành một loại gia vị thì việc này cũng không phạm, là rượu gia vị. Tóm lại mà nói, miễn bạn thấy nó không phải là để làm cho bạn say không phải làm cho bạn bị mê hoặc. Thêm nữa là thân thể bị suy nhược, máu huyết lưu thông không tốt. Đặc biệt là những người lớn tuổi, những người trên 70 tuổi, tuổi tác quá cao, cũng bao gồm luôn những người xuất gia trong đó, sức khỏe không tốt, máu huyết tuần hoàn không tốt thì Thế Tôn cũng có sự khai duyên, bạn có thể uống một ly rượu để giúp cho máu huyết của bạn dễ lưu thông. Người trên 70 tuổi cũng có thể mặc áo da, quần áo từ lông và da. Nhưng nếu trên 70 tuổi mà sức khỏe rất tốt, còn cường tráng, vậy thì không cần. Cho nên hết thảy đều phải cân nhắc vào tình trạng thực tế của chính mình để quyết định. Không phải là nói cứ đến 70 tuổi thì có thể, vậy thì cũng sai. Giống như cư sĩ Hứa Triết thì 101 tuổi cũng không được dùng, vì sức khỏe của bà tốt, nên bà không thể dùng được. Thậm chí có người 50- 60 tuổi nếu sức khỏe rất kém thì họ cũng có thể dùng. Cho nên việc này là linh động chứ không phải chết cứng. Mỗi một giới điều đều có “Khai – Giá -Trì – Phạm”. Bạn nhất định phải hiểu, phải hiểu vì sao Phật chế định ra những giới điều này, tác dụng của chúng rốt ráo ở chỗ nào? Chúng ta tu học lợi ích ở chỗ nào? Nếu phạm giới thì tổn thất của chính chúng ta là ở chỗ nào? Không cần nói quá khứ, việc tổn thất thì chúng ta có những tổn thất nào, nhất định phải nên hiểu, sau đó mới biết được tâm của Phật chế định ra những giới này là chân thật từ bi, là trí huệ chân thật. Không có một việc gì mà không phải là để giúp cho chúng ta thành tựu. Phật chú trọng sự khỏe mạnh của thân tâm chúng ta, giúp đỡ chúng ta đoạn phiền não, khai trí huệ, thành tựu đạo nghiệp, có thể nói là chăm lo từng li từng tí. Việc này chúng ta phải nên hiểu, hiểu được rồi thì bạn mới sanh tâm cung kính, mới sanh tâm cảm ân, tuân thủ giáo giới của Phật. Việc uống rượu nếu biến thành sở thích, mê rượu hơn mạng sống thì người này không thể tu hành. Không những pháp xuất thế không thể thành tựu mà thế gian pháp cũng không thể thành tựu. Đây là việc mà chúng ta phải nên biết, phải hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó.
Trích Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 114)