Chúng ta xem tiếp đoạn kinh phía dưới: “Hữu đại địa ngục hiệu Cực Vô Gián, hựu hữu địa ngục danh Đại A-tỳ”. Đây là Địa Tạng Bồ Tát trước tiên giới thiệu và báo cáo cho chúng ta. “Hữu” ở đây đích thật là có, không phải là không có. Cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục không giống nhau, không phải là một cảnh giới. Trong cõi ngạ quỷ không có ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, giống như đoạn trước có nói họ sống ở trong tối tăm, chúng ta gọi cõi ngạ quỷ là “âm gian”, đích thật là có người đi qua.
Rất nhiều bút ký, tiểu thuyết ở Trung Quốc có ghi chép, đó không phải là tùy tiện nói, những gì nói trong Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký, trong Liêu Trai Chí Dị, trong Kiên Di Chí, nói cho chư vị biết đều là thật, không phải giả. Tôi học Phật nhiều năm nay, lúc chưa có học Phật, tôi chưa gặp quỷ nhưng tôi đã gặp hồ ly tinh, đây là thật, không phải giả tôi nhìn thấy tận mắt, nhiều người khác cũng nhìn thấy.
Hồ ly tinh tôi nhìn thấy là một người nam, không phải nữ, là con trai, mặc áo khoác dài màu xanh lam. Trong thời kỳ kháng chiến rất nhiều người nhìn thấy, nhưng chưa có ai nhìn rõ mặt của kẻ ấy, không có ai nhìn thấy, mặt mũi rất mơ hồ. Hồ ly muốn biến thành người phải trải qua năm trăm năm, có lẽ là kẻ ấy chưa đến năm trăm năm, còn thiếu một chút, có hình dáng của con người nhưng mặt mũi thì chưa hoàn toàn giống.
Lúc đó tôi mười mấy tuổi, lúc mười sáu, mười bảy tuổi mỗi ngày đều đi săn, tôi rất muốn bắn kẻ ấy, mẹ tôi ngăn cản, muôn vàn không được gây chuyện, gây chuyện rồi thì sau này rất phiền phức. Tôi bị mẹ tôi ngăn cấm, chứ tôi rất muốn bắn kẻ ấy. Hồ ly tinh ấy ở trên lầu nhà chúng tôi, thời kháng chiến chúng tôi ở nhờ một nhà dân, hồ ly ở trên lầu. Trên lầu đó đã mấy mươi năm chưa có người lên, vì thế có một ổ hồ ly sống trên đó, [ai nấy] đều biết.
Có người thấy khi trời vừa sáng hồ ly lạy mặt trời ở trên nóc nhà. Mọi người ở đó cũng muốn yên ổn, vô sự, hồ ly cũng không nhiễu loạn người khác, người ta cũng không dám phá chúng. Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng rất gan dạ, cứ muốn đi lên lầu xem thử, nhưng người lớn không cho phép, không có thang lầu. Thật vậy, không phải giả đâu, thật sự đã biến thành hình người. Có khi đi ra ngoài tản bộ thấy được. Thế nên tôi rất tin những chuyện quỷ, hồ ly viết trong cuốn Liêu Trai Chí Dị, tôi tin là thật, không phải giả, tuyệt đối không phải là ngụy tạo.
Lúc kháng chiến thắng lợi, quê chúng tôi xảy ra một chuyện kỳ lạ, tôi biết chuyện này rất rõ ràng, quê chúng tôi là sản xuất gạo, phần lớn gạo được xuất khẩu từ Vu Hồ, đều được chở đến Vu Hồ để bán, đó là nơi trao đổi hàng hóa. Tôi có một người bà con, năm ấy ông được mùa, chở đầy một thuyền gạo, là một loại thuyền buồm nhỏ. Lúc đó là dùng bao gai, từng bao từng bao gom lại rồi vận chuyển đến Nam Kinh để bán. Khi vác gạo lên thuyền có người nhìn thấy một con gì đó giống như con chồn lông vàng, từ tấm ván cầu nhảy lên thuyền. Sau khi nhìn thấy, rất nhiều người lên thuyền đi tìm, tìm mãi nhưng tìm không thấy, không biết ở đâu, có lẽ là người thấy [con vật đó] bị hoa mắt.
Thuyền gạo này chở đến Nam Kinh, sau khi đến Nam Kinh thì gạo trên thuyền bị mất hết, những bao gai vẫn còn hình dáng giống như vậy nhưng bên trong một hạt gạo cũng chẳng còn. Thế nên mọi người mới biết không phải người đó bị hoa mắt, chắc là “con vật” ấy quấy phá. Họ nhìn thấy con chồn đó, chắc là nó quấy phá rồi, không biết đắc tội với nó như thế nào mà cả thuyền gạo bị nó lấy mất. Người đó là họ hàng xa của tôi, họ Trần, ông ta không biết làm sao, không còn cách gì, ở lại Nam Kinh vài ngày rồi trở về nhà. Vừa về đến nhà thì thấy gạo của ông ở trong kho, vẫn còn nguyên, ông bị một trận trêu đùa như vậy. Dùng cách gì để chở gạo trở về? Không biết được. Đây chắc là đã đắc tội với nó, nhưng đắc tội không lớn lắm nên lần này mới trừng phạt, giở trò trêu đùa ông ta như vậy. Thật vậy, không phải giả.
Những chuyện thiên địa quỷ thần này đích thân tôi từng trải qua, chuyện này xảy ra ở huyện Lô Giang năm chục năm trước, cho nên chúng tôi đối với việc này tin sâu không nghi. Ở đây nói có đại địa ngục, địa ngục này ở phía dưới núi Thiết Vi, chúng ta không có cách gì xác thực, chúng ta không nhìn thấy. Đích thật là có, bạn tạo ra nghiệp này thì cảnh giới này sẽ hiện ra, bạn phải thọ nhận những quả báo này. Trong chú giải, Pháp sư Thanh Liên nói cho chúng ta biết: Vô Gián và A-tỳ, hai tên gọi này ở trong kinh Phật đều có nhắc đến, rốt cuộc là một hay là hai, từ xưa đến nay không có cách gì để xác định.
Cũng có cổ đại đức nói Vô Gián chính là A-tỳ, A-tỳ chính là Vô Gián, cũng có người nói Vô Gián và A-tỳ là hai cái địa ngục. Nhưng nói chung, hai địa ngục này đều là chỗ thọ báo tội nghiệp cực nặng, đây là điều chắc chắn. Ở đây Ngài cũng nêu ra cách nói trong kinh điển, kinh A Hàm và kinh Quán Phật Tam Muội nói là một cái, Vô Gián và A-tỳ là một cái, nhưng kinh này và kinh Lăng Nghiêm lại nói là có hai cái.
“Hữu đại địa ngục hiệu Cực Vô Gián, hựu hữu địa ngục danh Đại A-tỳ”, đây không phải là hai cái hay sao? Thế nên nói là một cái hay là hai cái đều là y cứ vào kinh điển, các Tổ sư đại đức xưa nay đều không có cách gì khẳng định, rốt cuộc là một hay là hai. Chúng ta đọc kinh này, y theo cách nói của kinh này, kinh này nói hai cái nên chúng ta xem nó là hai cái. Nói chung thọ báo ở trong hai cái này đều vô cùng nghiêm trọng, vô cùng đau khổ. Ý nghĩa của đoạn này vẫn còn chưa nói hết, nhưng thời gian hôm nay hết rồi, ngày mai chúng ta sẽ giảng tiếp.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 15)