Hiền Hộ, mười sáu vị tôn giả này, mười sáu vị Chánh Sĩ là Bồ Tát Đẳng Giác tại gia, các Ngài là người thế giới Ta Bà của chúng ta, cùng thời đại với Thích Ca Mâu Ni Phật. Phía sau lại nói đến mười lăm vị Bồ Tát Đẳng Giác tại gia, đều là thế giới phương khác đến. Việc này rất có ý nghĩa. Hiền Hộ là chủ nhân của thế giới Ta Bà này, là chủ phương Đông, ngoài ra đều là khách. Việc này thị hiện ra, Phật nói pháp môn này đã chấn động tận hư không khắp pháp giới tất cả cõi nước chư Phật, bạn giảng các kinh khác thì không có sức mạnh này, chỉ riêng giảng bộ kinh này là chấn động tận hư không khắp pháp giới, cho nên Bồ Tát mười phương thế giới tự nhiên liền sẽ đi đến phương này, ủng hộ đạo tràng, trang nghiêm đạo tràng. Bồ Tát đến đạo tràng là vô lượng vô biên. Bồ Tát Hiền Hộ là chủ phương Đông. Kỳ thật, chủ phương Đông không chỉ là một mình Ngài Hiền Hộ, Bồ Tát thế giới Ta Bà cũng rất nhiều, vì sao lại dùng Ngài? Dùng danh hiệu của Ngài để biểu pháp. Sứ mạng thứ nhất của người tại gia là hộ pháp, sứ mạng thứ nhất của Bồ Tát xuất gia là hoằng pháp.
Hoằng pháp đương nhiên cũng phải hộ pháp, người xuất gia là lấy hoằng pháp làm chủ, hộ pháp là phụ trợ; Bồ Tát tại gia là lấy hộ pháp làm chủ, hoằng pháp là phụ trợ, hoằng và hộ đều phải gánh vác. Trong gánh vác có phân ra chủ, khách. Bốn chúng đồng tu phải hợp tác mật thiết thì Phật pháp mới có thể trụ thế gian lợi ích chúng sanh, bốn chúng phải hợp tác mật thiết, không thể phân ra. Ngày nay trong Phật pháp không có đoàn kết, nhân lực, tài lực của chúng ta thảy đều bị phân tán, vì vậy đối với chính mình có tổn thất vô cùng to lớn, đối với tất cả chúng sanh càng không cần phải nói. Nếu như chân thật có tâm muốn đem Phật pháp phổ biến khắp thế giới, có thể phổ độ tất cả chúng sanh hữu tình trên thế giới, có thể làm được hay không? Có thể làm được! Dùng phương pháp gì để làm được vậy? Đoàn kết thì có thể làm được. Chúng ta tập trung nhân lực, tài lực, sau khi tập trung lực lượng thì có thể làm được. Bởi vì mọi người hiện tại đều phân tán, làm cho sức mạnh bị chia nhỏ, rất là đáng tiếc, làm bất cứ việc gì cũng đều bị hạn chế rất lớn, nhân lực không đủ, tài lực không đủ, chân thật là “tâm có thừa mà sức không đủ”. Cho nên, ở ngay chỗ này Phật dùng Bồ Tát Hiền Hộ để ngay vị trí thứ nhất chính là nhắc nhở chúng ta sự việc này.
“Hiền” là nói về đức, có trí tuệ, có đức năng; “Hộ” là hộ pháp, hộ trì chánh pháp. Công đức của hộ pháp cùng hoằng pháp là như nhau, thậm chí chúng ta có thể nói, công việc của hộ pháp vượt hơn hoằng pháp. Các vị tỉ mỉ mà nghĩ thì liền biết được. Nhân tài hoằng pháp không phải không có, tại gia, xuất gia, bốn chúng đệ tử nếu muốn phát tâm hoằng dương Phật pháp đều không khó, khó là ở chỗ nào vậy? Khó ở chỗ bạn có được một hộ pháp đắc lực hay không? Có được một thì liền có thể làm ra một số việc, nếu như có được rất nhiều vị hộ pháp thì sự nghiệp hoằng pháp của bạn quyết không phải ở Chư Phật, những đại Bồ Tát này thị hiện làm ra những việc làm đó, không phải ở nơi các Ngài, cho nên công đức của hộ pháp không thể nghĩ bàn.
Trong một đời này tôi đã đích thân trải qua, tôi cũng đã ở đây giảng qua mấy lần. Khi tôi còn trẻ, ở trong hội của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam học kinh giáo, học giảng kinh. Sau khi học xong, nếu như không gặp được Hàn Quán Trưởng – người đã vãng sanh hồi năm trước (ngay trong các vị đồng tu đây cũng có người đã từng gặp qua bà, bà đã đến nơi đây rất nhiều lần), không có hộ trì của bà thì một chút năng lực chúng tôi cũng không có. Nếu không có người hộ pháp này, tôi chỉ có hai con đường để đi, một là đi theo con đường kinh sám, hai là không chịu cam tâm làm kinh sám thì hoàn tục, chỉ có hai con đường này, không có đường nào khác để đi. Gặp được một vị hộ pháp như vậy, bà phát đại tâm, tìm đủ mọi cách, không có đạo tràng thì thuê nhà mượn chỗ để cho tôi mỗi một tuần giảng kinh, ba mươi năm không hề gián đoạn. Mỗi một tuần chí ít giảng năm ngày, khi nhiều thì giảng hết bảy ngày, cho nên trong ba mươi năm này tôi không hề gián đoạn trên giảng đài. Không phải nói tôi giảng kinh hay, người khác không bằng tôi, không hề có cái lý này. Người giảng hay hơn tôi thì rất nhiều, nhưng không có người hộ trì, hay nói cách khác, họ không có cơ hội để luyện tập ở trên giảng đài, tài cán của họ cũng bị mai một, không thể triển khai, bạn nói xem, đáng tiếc dường bao! Chúng ta hoằng pháp ở quốc tế đều là duyên phận.
Tôi giảng kinh ở Đài Bắc, có một vị pháp sư và hai vị cư sĩ ở HongKong gặp được tôi ở Đài Loan, nghe tôi giảng kinh, vào lúc đó tôi nhớ được là ở Chùa Thiện Đạo giảng Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm hết tám ngày. Sau khi họ nghe rồi rất là hoan hỉ, yêu cầu tôi đến HongKong. Tôi đã kết được pháp duyên với HongKong. Ở HongKong có bà Lôi nghe kinh rất hoan hỉ, mỗi năm đều mời tôi, cho nên từ năm 1977 đến năm 1987, đại khái thời gian khoảng gần mười năm, mỗi năm tôi đều đến Hongkong một đến hai lần, thời gian dài nhất ở HongKong đến bốn tháng, ngắn nhất cũng không ít hơn một tháng, mỗi năm đều đi giảng. Sau khi bà Lôi vãng sanh thì không có người mời nữa, duyên này đã bị đứt đoạn. Chỉ một người! Nếu không có một người hộ pháp này, chúng ta muốn hoằng pháp cũng không có cơ hội, vì không có người mời, bạn mới biết được công đức hộ pháp bao lớn. Không có hộ pháp thì người ở phương đó không có cơ duyên nghe pháp. Có một hộ pháp như vậy, mời một vị pháp sư đến giảng kinh, người ở địa phương đó được lợi ích của Phật pháp, ai có công đức vậy? Người hộ pháp có công đức, cho nên tôi thường nói, công đức của hộ pháp vượt hơn công đức của pháp sư giảng kinh hoằng pháp rất nhiều lần.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 04)