Trong Tứ Y Pháp, đức Phật nói “y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. Phàm những pháp nào nói tới phước báo trong cõi trời, cõi người, chẳng thể liễu sanh tử, xuất tam giới thì gọi là “bất liễu nghĩa”. Kinh Tiểu Thừa lấy đoạn Kiến Tư Hoặc để xuất tam giới, chứng quả La Hán, chẳng thể thành Phật, cũng gọi là bất liễu nghĩa. Kinh Đại Thừa tuy đoạn Tam Hoặc, liễu sanh tử, cao hơn La Hán, nhưng chưa đạt đến Phật quả rốt ráo thì vẫn là bất liễu nghĩa. Nhất Thừa liễu nghĩa là “thành Phật ngay trong một đời”. Trong một đời thành Phật thì chỉ có Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần trong hội Hoa Nghiêm, tới cuối cùng, thành tựu là nhờ mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc. Trong kinh Pháp Hoa, long nữ tám tuổi thành Phật là loại rất hiếm, ít có, khó gặp. Trong kinh này, hết thảy chúng sanh trong một đời đều có thể viên thành Phật đạo, có thể nói là kinh này vượt trội Hoa Nghiêm lẫn Pháp Hoa. Phật dùng pháp môn này để độ chúng sanh trong chín pháp giới, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai cũng dùng pháp môn này để độ chúng sanh. Nói “vô thượng liễu nghĩa, đệ nhất phương tiện” là chuyên nói về bộ kinh này.
Viên (圓) là viên mãn, Đốn (頓) là nhanh chóng vượt thoát, chẳng theo thứ tự. Tiểu Thừa thành Phật phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Theo như tông Thiên Thai nói thì phải trải qua Tứ Giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Đấy là “tiệm tu” (tu dần dần theo thứ tự). Đại Thừa tu Bồ Tát đạo, từ Sơ Tín đến Đẳng Giác gồm năm mươi mốt địa vị. Kinh Hoa Nghiêm nói: Thành Phật phải mất vô lượng đại kiếp, chứ không phải chỉ ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Đức Phật nói ba đại A-tăng-kỳ kiếp là vì sợ chúng sanh nghe [nói vô lượng kiếp] sẽ co đầu rụt cổ, chẳng dám học Phật. Đại Thừa Bồ Tát tâm lượng to lớn, có tánh nhẫn nại, chẳng sợ thời gian lâu xa. Tổ sư khai sơn của Duy Thức Tông là Khuy Cơ đại sư soạn A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ, trong ấy Ngài cũng nói rõ pháp môn này thuộc về Đốn Giáo; bởi lẽ, trong kinh nói từ một ngày đến bảy ngày liền thành công. “Thành công” có nghĩa là thành Phật.
Nước đục ví với tâm ô nhiễm, tâm tạp loạn, Phật hiệu ví như thanh thủy châu. Đối trị tạp niệm hữu hiệu nhất chính là niệm Phật. Nếu tham cứu thấu đáo Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh và Di Đà Yếu Giải thì niệm Phật sẽ đúng lý, đúng pháp, câu nào cũng tương ứng, quả thật hữu hiệu. Nghe đạo lý Phật pháp rất nhiều, nhưng phiền não, tập khí vẫn rất nặng như cũ là vì chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay đã quá quen với rất nhiều phiền não tham, sân, si, mạn, đối với Phật pháp cảm thấy rất lợt lạt. Vì thế, cổ nhân nói: “Sanh xứ chuyển thục, thục xứ chuyển sanh” (Chuyển chỗ sống thành chỗ chín, chuyển chỗ chín thành chỗ sống). Ắt phải đem cái tâm phiền não ô nhiễm chuyển biến một trăm tám mươi độ thành tâm niệm Phật thanh tịnh. Hết thảy pháp sanh từ tâm tưởng, hết thảy pháp do tâm biến hiện.
Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Đây chẳng phải là nhân quả thông thường. Đại Thừa là Bồ Tát, Nhất Thừa là thành Phật. Trong thế giới Cực Lạc, chứng đắc bốn loại Tịnh Độ cùng một lúc. Hễ chứng được một, sẽ chứng hết thảy; vì thế gọi là “diệu quả”. Nhân và quả chẳng tách rời nhau. Điểm đặc biệt là pháp môn này được gọi là Liên Tông. Hoa sen là nhân và quả đồng thời; vì thế, tín nguyện trì danh là chánh tông. Bốn cõi Tịnh Độ là [giáo thuyết] do tông Thiên Thai sáng lập, nếu muốn hiểu rõ hơn, có thể tham khảo các sách Quán Kinh Diệu Tông Sao và Phạm Võng Kinh Huyền Nghĩa[9].
(PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ – PHẦN 2 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật )