Trong hoàn cảnh vật chất có thuận cảnh, có nghịch cảnh. Trong hoàn cảnh nhân sự có thiện duyên có ác duyên. Bất luận là thiện ác thuận nghịch tâm của ta đều trú tại nơi Phật A Di Đà, vững vàng chắc chắn, vô cùng bình an, không bị ảnh hưởng. Nếu như không trú nơi Phật A Di Đà, một câu danh hiệu này quí vị sẽ giống như Xá Lợi Phất vậy, cũng tiến tiến thoái thoái. Không biết đến lúc nào quí vị mới có thể duy trì được bất thoái chuyển. Sự việc này chính ngay trong cuộc sống hiện tiền, không xa!
Quí vị nghĩ xem chúng ta học Phật được bao lâu rồi? Có người học ba năm, bốn năm, có người học mười mấy năm, có người học hai mươi mấy năm, giống như tôi học Phật năm nay tròn sáu mươi năm rồi, có bị thoái chuyển hay không? Nếu như không có một câu A Di Đà Phật này, thì không biết đã thoái chuyển đến đâu rồi. Đích thực cổ nhân nói rất hay, tu hành như chèo thuyền ngược dòng, không tiến thì lùi. Tiến thì phải nắm chặt cái gì? Nắm chặt A Di Đà Phật. Phật A Di Đà ngay phía trước, theo sát ngay phía sau, tuyệt đối không thể để tách rời. Hiểu được đạo lý này quí vị sẽ không sợ nữa. Quí vị sẽ vượt xa ngài Xá Lợi Phất. Nhưng sanh tín tâm đối với Phật A Di Đà, thật không dễ dàng. Thực sự là pháp khó tin vậy.
Tôi có sự thể nghiệm sâu sắc, tôi cũng là một phần tử tri thức tiêu chuẩn, nói cho hay thì đó là hiếu học nghe nhiều, đây là nói nghe cho hay, hiếu học nghe nhiều, tuổi trẻ, thích quảng học đa văn. Thầy giáo tuy dạy tôi “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, bản thân lại thường không cam tâm, không tình nguyện. Thế nhưng tôi vẫn tuân thủ nguyên tắc của thầy giáo, không phải là một trăm phần trăm. Tôi học một bộ kinh xong rồi, tiêu chuẩn mà tôi học xong chính là tối thiểu phải từ đầu đến cuối trên giảng tòa giảng qua một lần. Tôi dùng điều này làm tiêu chuẩn. Tôi lại học bộ thứ hai. Học một bộ, tôi không xem bộ thứ hai, tôi chỉ chuyên chú vào học một bộ. Thời gian gần đây, chúng ta học tập Đại Kinh Giải, tôi đặt Kinh Hoa Nghiêm xuống rồi, không còn xem nó nữa, mỗi ngày chỉ đọc Đại Kinh Giải, “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Chư Phật Bồ Tát, chư vị cổ đức hướng dẫn chúng ta, một đời chỉ học một bộ kinh. Tôi khẳng định, tôi thừa nhận, đây là lời giáo huấn chắc chắn chính xác. Tôi sáu mươi năm trước, nếu như kiên trì nghe theo lời giáo huấn của thầy giáo một trăm phần trăm, chăm chỉ tu học, nói cho quí vị rằng rất có thể tôi đã khai ngộ chứng quả rồi. Tức là đã giảm bớt lời giáo huấn của thầy giáo, hiện tại đã hoàn toàn hiểu rõ rồi.
Quí vị nếu học theo tôi đi theo con đường của tôi, học sáu mươi năm, đến trình độ như tôi cũng coi như khá lắm rồi. Nếu như quí vị tuân thủ theo lời giáo huấn của Phật, Bồ Tát, thầy giáo, mãi mãi không thay đổi, tức là một bộ kinh học một đời như vậy, thì quí vị vượt qua tôi quá nhiều rồi, không chỉ mười lần, trăm lần. Đây đều là lời chân thật, tôi không có tâm tật đố, tôi hi vọng quí vị thực sự có thể vượt qua tôi. Dùng thời gian bao lâu? Mười năm, mười năm chuyên học một bộ kinh, Kinh Vô Lượng Thọ, chuyên niệm một câu A Di Đà Phật. Mười năm của quí vị không chỉ vượt qua tôi sáu mươi năm thôi đâu. Đây là thật.
Tôi đi con đường vòng, không hi vọng quí vị lại đi trên con đường vòng tôi đã đi. Hi vọng quí vị đi con đường thẳng. Người người đều có thể vượt qua tôi thì Phật Pháp hưng thịnh rồi. Người người không bằng tôi, Phật Pháp sẽ suy diệt thôi. Tôi làm tiêu chuẩn cho mọi người. Tiêu chuẩn của tôi là tiêu chuẩn thấp nhất, không phải là tiêu chuẩn cao nhất. Đây là điều chư vị nhất định phải biết vậy. Tôi không phải nói lời khiêm tốn mà là nói lời chân thật đấy. Vì sao năm xưa không thể hoàn toàn tuân thủ lời giáo huấn của thầy giáo. Đó là tập khí. Tập khí này dùng lời hiện tại mà nói chính là thoái duyên. Nếu muốn không thoái chuyển, nhất định phải kiên trì. Thầy giáo yêu thương chúng tôi, thầy giáo không miễn cưỡng tôi, thực sự gọi là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.
Tôi hi vọng đồng học Tịnh Tông chúng ta, trong đời này phải hạnh phúc, phải tín ngưỡng Tổ sư Đại đức, đặc biệt là Tổ sư các đời của Tịnh Tông, vị gần đây nhất là Ấn Quang Đại sư, Tổ sư đời thứ 13. Nhất định phải biết trì giới, “giới là gốc của vô thượng bồ đề”. Vô thượng bồ đề chính là Phật A Di Đà. Giới là đại căn đại bản để thành Phật. Không có giới thì quí vị không có gốc. Bất luận là dụng công như thế nào, cho dù là “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, cũng không được. Vì sao vậy? Vì không có gốc. Trong bộ kinh này của chúng ta có gốc hay không? Có. Phẩm 32 đến phẩm 37, trong sáu phẩm kinh này là giới luật, nói rất tường tận, nói ngũ giới thập thiện, nghiệp nhân quả báo.
Tịnh Tông học hội thành lập rồi, chúng tôi định ra một bản Khóa Tụng Sáng Tối, đã chọn đoạn kinh văn này làm thời công phu chiều, thời công phu sáng là phẩm kinh này, phẩm kinh thứ sáu 48 nguyện. Thời công phu sáng là nguyện, thời công phu chiều chính là giới. Phẩm 32 đến phẩm 37, sáu phẩm kinh này nó không phải là đọc thuộc lòng, không phải là giảng giải, mà phải từng chữ từng câu thực tiễn vào cuộc sống thường ngày, trở thành lý niệm của chúng ta, trở thành hành vi chuẩn tắc của chúng ta. Điều này quan trọng! Mỗi ngày không thể đọc toàn kinh một lần thì ít nhất cũng đem phẩm thứ sáu này, và sáu phẩm sau, phẩm thứ sáu 48 nguyện, sáu phẩm sau bộ phận giới luật này, ít nhất phải đọc một lần. Gốc cắm chắc rồi, công phu không uổng, công đức của quí vị có thể thành tựu.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 254)