Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị, Lời dạy của đức phật

Về con đường tu hành xin chư vị phải nhớ chữ “Tín”

Về con đường tu hành xin chư vị phải nhớ chữ “Tín”. Tín tâm quan trọng lắm. Thường thường nhiều người không hiểu rằng sự thành tựu nằm ngay ở lòng tin.
Tu học mà tạp nhạp quá có được không?… Được chứ. Có thể thành tựu, nhưng chỉ hợp với hàng trung thượng căn trở lên. Tu như vậy thiên về Giáo Hạ. Còn tu về Thiền Định được không?… Tốt vô cùng. Nhưng chỉ hợp với hàng căn tánh thượng thừa mới được. Còn khi đã xác nhận ta là hàng phàm phu, xin chư vị hãy mau mau nhanh chóng giật mình liền bây giờ đi. Đường tu của hạng người hạ căn hạ trí, nghiệp chướng sâu nặng như chúng ta, đức Thế Tôn nói ngoài câu A Di Đà Phật ra không còn cách nào khác nữa hết. Đây là lời Phật dạy. Đây là lời Phật xác định.
Trong thời mạt pháp này phải: Niệm Phật – Niệm Phật – Niệm Phật… cầu sanh Tây Phương Cực Lạc. Phải có lòng tin, phải có chánh định, phải tinh chuyên mới có cơ hội giải thoát. Người tu hành xen tạp nhất định bị khó khăn. Chẳng tin, bây giờ tự chư vị quán lại đi… Quán là quán xét, là nghiên cứu. Quán gì nào?… Hãy nhìn ngược lại thời gian trong quá khứ để tìm hiểu mà xác minh.
Đây là thời của khoa học mà. Mình đang sống trong thế giới khoa học, hãy áp dụng phương pháp khoa học để kiểm định, chứng minh. Hãy tìm hiểu thử 100 chuyện về tu hành, ví dụ nếu 100 chuyện đó có 50 trường hợp thành công, 50 bất thành thì cũng được. Chứ 100 chuyện như vậy mà tới 99 chuyện sau cùng bất thành hay thất bại, còn một chuyện nữa thì mờ mờ, chưa biết rõ là có thành tựu hay không thì thật quá bấp bênh. Nếu ta đi con đường 99% bị thất bại, còn lại 1% thì hy vọng trong mơ mơ hồ hồ, thì thật sự ta đã sơ suất quá đáng rồi. Đã sơ suất quá đáng rồi. Nền tảng của niềm hy vọng ta đã đặt trên đám mây trôi bập bềnh trên không rồi. Đám mây khi tan khi hợp đổi thay vô thường. Nhất định chúng ta bị thua cuộc rồi chư vị ơi.
Chính vì thế mà trong cơ duyên này, Diệu Âm xin thành tâm khẩn thiết thưa với chư vị rằng: Câu A Di Đà Phật nhất định là điểm nương tựa vững vàng cho chính chúng ta đó. Diệu Âm thấy rõ rệt ngoài câu A Di Đà Phật ra, không còn cách nào khác, không có một phương thức nào, không có một điểm tựa nào khác để cho người phàm phu tội chướng sâu nặng như chúng ta trong thời mạt pháp này mà một đời có thể nói đến việc thành tựu đạo quả.
Trong những lúc đi gieo duyên về hộ-niệm vãng-sanh, may mắn cho Diệu Âm đã gặp được những người mà xét ra hình như họ dở hơn mình, họ mê hơn mình, họ yếu hơn mình, ấy thế mà họ lại vãng-sanh trước mình, nghĩa là họ thành tựu trước mình. Thấy vậy mà mình cũng cảm thấy được nhiều an ủi: “Bà đó mà còn được vãng sanh, chẳng lẽ mình không được vãng sanh sao?”…
Rồi cũng đi hộ-niệm cho những người mà công phu tu tập của họ hình như giỏi hơn mình, sự hiểu biết của họ giỏi hơn mình, trí huệ của họ hình như cũng cao hơn mình… nhưng chuyện gì đã xảy ra?… Mình khuyên họ niệm Phật, họ không chịu niệm. Mình cố gắng hết sức tới để trợ duyên, nhưng họ không cần. Khi họ ra đi đã để lại một thân tướng chẳng lành, một tiên triệu tiêu cực làm mình không dám tin rằng người đó có phước phần giải thoát.
Có thấy mới giật mình. Có thấy mới ngộ ra. À!… Đúng rồi, Phật dạy, câu A Di Đà Phật mới giúp cho một người trong thời này được giải thoát là đúng rồi. Niệm Phật với cái tâm chí thành – chí kính mới giúp cho một người giải thoát.
– Phải khẩn thiết muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc nghe chư vị…
– Phải ngày đêm khẩn cầu A Di Đà Phật phóng quang tiếp độ nghe chư vị…
– Phải thành thật mà cầu vãng sanh nghe chư vị…
– Một câu A Di Đà Phật niệm phải chí thành nghe chư vị…
– Một lời nguyện vãng-sanh phải tha thiết nghe chư vị…
Trích: SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (Tọa Đàm 40)
– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *