Mọi cử chỉ, động niệm của chúng sanh trong cõi nam diêm phù đề không chi là không nghiệp, không chi là không tội, huống hồ là buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, trăm ngàn tội trạng.
Những câu này vô cùng quan trọng! Không nhớ hết cả bộ kinh, những câu kinh quan trọng nhất định phải ghi nhớ, nhất định phải học thuộc lòng, từng giờ, từng phút luôn luôn nhắc nhở chính mình. “Nam Diêm Phù Đề” chỉ địa cầu của chúng ta. Chúng sanh trên địa cầu này, đích thật từng “cử chỉ, động niệm” đều là đang tạo nghiệp, tạo tội, khởi tâm động niệm đều chẳng thiện, khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi, đó tức là nghiệp, là tội. Họ chấp trước cứng chắc, người thế gian không hiểu, hình như là vì lợi ích của chính mình, vì bảo vệ lợi ích của mình, mọi người đều cho rằng vậy là chính đáng, chính xác, đâu có sai lầm? Vậy là vọng tưởng, chấp trước của người thế gian. Đức Phật nói đây là sai lầm, hơn nữa là sai lầm quá đỗi. Lục đạo luân hồi hình thành như thế nào? Chính là do tự tư tự lợi, ngã chấp biến thành. Nếu bạn không thể phá trừ, không thể buông bỏ vọng tưởng, chấp trước thì bạn vĩnh viễn kẹt trong lục đạo luân hồi. Trong lục đạo, đức Phật đã nói quá nhiều rồi, chắc chắn là thời gian trong tam ác đạo dài, trong tam thiện đạo ngắn. Tam thiện đạo ví như đi nghỉ hè, du lịch ngắm cảnh; tam ác đạo ví như nhà mình, đi ra ngoài vài ngày lại trở về nhà. Trong kinh Địa Tạng chúng ta thấy việc này quá rõ ràng, quá rành rẽ rồi, đức Phật nói [khởi tâm động niệm đều tự tư tự lợi] như vậy là sai lầm to lớn. Như thế nào mới đúng? Khởi tâm động niệm đều vì hết thảy chúng sanh, không vì mình, thì bạn sẽ vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi, siêu việt tam giới, như vậy mới đúng.
Lời Phật dạy chúng ta là chân thật, thật sự phá mê khai ngộ, lìa khổ hưởng vui; niềm vui này không phải là niềm vui trong tam giới, trong tam giới chẳng có vui sướng. Siêu việt tam giới mới thật sự hưởng được vui sướng. Phật nói tam giới đều khổ. Trên trời cũng có khổ, khổ ít một chút thôi, nhưng vẫn là khổ. Chúng ta phải hiểu rõ ràng rành rẽ đạo lý và chân tướng sự thật này, sau đó thật sự mới cảm ân đội đức đối với giáo huấn của đức Phật. Chúng ta thật rất hân hạnh, người thế gian nói vận mạng thật tốt mới gặp được Phật pháp, đức Phật là thiện tri thức chân chánh của chúng ta, chúng ta gặp được thì đời này thật sự được giải thoát. Nếu chẳng gặp Phật pháp, như trong kinh đã nói, chúng ta khởi tâm động niệm đều tạo nghiệp, đều tạo tội. Sau khi hiểu rồi thì hãy vì Phật pháp, vì chúng sanh, vì Phật pháp thì hy vọng Phật pháp được lưu truyền rộng rãi, hy vọng Phật pháp trụ lâu dài trên thế gian, có thể làm cho hết thảy chúng sanh được lợi ích của Phật pháp, phải phát cái tâm này. Niệm niệm phải nghĩ đến hết thảy chúng sanh, không những nhân loại trên toàn thế giới, còn súc sanh, ngạ quỷ, chư thiên, hết thảy chúng sanh đều được lợi ích thù thắng của Phật pháp, vậy thì chúng ta mới mở rộng tâm lượng. Bồ Tát tức là phục vụ cho hết thảy chúng sanh, thù thắng nhất chẳng gì hơn xây dựng Phật pháp, xây dựng Phật pháp tức là y giáo phụng hành. Xây dựng trong đời sống hằng ngày của chúng ta, xây dựng trong ngành nghề của chúng ta, xây dựng trong công việc của chúng ta, xây dựng trong cách xử sự, đãi người, tiếp vật của chúng ta, làm cho cả xã hội, đời sống của mọi người, trong từng ngành nghề đều xây dựng Phật pháp. Xây dựng Phật pháp tức là mọi người đều biết phục vụ xã hội, phục vụ đại chúng. Cách nói của người hiện nay là hy sinh, dâng hiến, đó tức là Bồ Tát, làm được như vậy được phước chẳng cùng tận. Phước báo hiện tiền, Phật dạy chúng ta phải xả, đừng hưởng; vừa hưởng phước bèn mê, bèn hồ đồ, Phật dạy chúng ta “xả đắc” (xả được). “Buông xả” là nhân, “được” là quả, buông xả tiền tài thì được của cải, buông xả phước thì được phước, buông xả cái gì thì được cái đó, sau khi được thì phải xả tiếp tục. Cho nên ý nghĩa tầng thứ hai của “xả được” còn sâu thêm, đem những gì bạn đạt được rồi xả tiếp, vậy thì những gì bạn đạt được càng thêm thù thắng, càng viên mãn, tự mình vĩnh viễn không hưởng thọ, có phước báo, phước báo này cho chúng sanh hưởng, đây là Phật, Bồ Tát chân chánh ứng hóa tại thế gian. Trong thế gian này có [Phật, Bồ Tát] hay không? Có chứ. Người hiểu được Phật pháp, thật sự hiểu được thì họ sẽ y giáo phụng hành, thì họ sẽ làm như vậy, làm được hoàn toàn tương ứng, đó tức là Bồ Tát thị hiện.
– Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, quyển thượng, tập 24, HT. Tịnh Không chủ giảng.