Tu hành chẳng phải là mỗi ngày niệm Phật bao nhiêu, lạy Phật bao nhiêu, chẳng phải vậy! Nhưng đối với người sơ học, nhất định phải rèn luyện từ những phương pháp ấy. Chẳng có những phương pháp ấy, nói thật thà, hễ cảnh giới hiện tiền, tập khí phiền não của quý vị chắc chắn sẽ phát tác, quý vị chẳng thể khống chế được, chẳng có năng lực ấy! Do vậy, năng lực ấy vẫn phải từ tuân thủ quy củ, rèn luyện dần dần mà thành! Chính tôi là người đã từng trải, có kinh nghiệm: Tôi luyện ba mươi năm, công phu mới đắc lực. “Đắc lực” là gì? Thuận cảnh thiện duyên hiện tiền, có sanh tham ái hay không? Sanh chớ! Nhưng ý niệm tham luyến vừa dấy lên, chính mình lập tức biết ngay. Niệm thứ hai, niệm thứ ba liền dẹp yên. Một câu Phật hiệu (A Di Đà Phật) bèn dẹp yên; đấy là công phu đắc lực, phiền não chẳng dấy lên hiện hành, [phiền não] vừa trồi lên bèn giằn ép xuống. Gặp phải nghịch cảnh ác duyên, có sanh phiền não hay không? Sanh chớ! Nhưng ý niệm sân khuể vừa dấy lên, biết ngay. Ý niệm sân khuể vừa trồi lên, hễ nó trồi lên, ngay lập tức dùng A Di Đà Phật để giằn nén, nó liền lặng dứt. Rất nhanh! Mấy giây liền dẹp yên, tâm bình, khí hòa. Công phu như vậy, thưa cùng quý vị, [để đạt được] phải mất ba mươi năm!
Do vậy, tôi thường bảo mọi người: – Tôi chẳng phải là hạng thượng căn lợi trí, tôi là kẻ căn tánh trung hạ. Hằng ngày đọc kinh, hằng ngày giảng kinh. Giảng suốt hai, ba mươi năm, mới có thể chắc chắn dẹp yên [các vọng niệm] trong vòng một giây, thân người khôi phục bình thường, tâm bình khí hòa. Sau mười năm bèn [trở thành] tự nhiên, hễ cảnh giới hiện tiền, có dấy ý niệm hay không? Không! Tốn bốn mươi năm công phu đấy nhé! Tôi học Phật đến nay là năm mươi bốn năm! Hằng ngày hành, nghiêm túc hành, nỗ lực hành, mới đạt hiệu quả ấy! Nếu bản thân quý vị chẳng nghiêm túc, không nỗ lực, quý vị còn có những mong cầu viễn vông, còn có những chuyện mong mỏi, khó lắm! Suốt một đời này, quý vị chẳng thể khống chế tập khí phiền não của mình. Do vậy, phải thật sự hành. Điều kiện cơ sở là được thầy dạy dỗ, thấy thấu suốt, buông xuống. Buông xuống tự tư tự lợi, buông xuống tiếng tăm, lợi dưỡng, buông xuống sự hưởng thụ ngũ dục (tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ) lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), buông xuống tham, sân, si, mạn. Đấy là điều kiện cơ bản, tôi thường nói mười sáu chữ ấy. Mười sáu chữ ấy chính là cửa ải đầu tiên. Chẳng thể đột phá cửa ải ấy, sẽ vĩnh viễn đứng ở bên ngoài, chẳng vào được cửa Phật! Đối với mười sáu chữ ấy, quý vị thảy đều buông xuống, chúc mừng quý vị, đã nhập Phật môn.
(Pháp Sư Tịnh Không)