Hiện nay không những người tại gia chúng ta phải hiểu đạo lý này, người xuất gia học Phật càng nên hiểu đạo lý này. Vì thân phận người xuất gia là một vị thầy, người ta gặp bạn, xưng bạn là pháp sư. Sư là mô phạm, là gương mẫu cho xã hội đại chúng, chúng ta lấy gì để làm gương mẫu? Lấy gì làm mô phạm? Chính là lòng vô tư. Nếu tự mình còn tâm riêng tư, người ta xưng bạn là pháp sư, bạn suy nghĩ xem bạn có cảm giác như thế nào? Không thể làm gương mẫu, làm mô phạm cho đại chúng thì khi người ta xưng bạn là Sư, bạn sẽ rất khó chịu, danh chẳng phù hợp với thật. Khi nào bạn có thể khởi tâm xấu hổ, có thể quay trở lại, sửa sai thì đó là việc tốt. Nếu vẫn ngu si mê muội như cũ, cho dù dám làm thì lẽ nào không tạo tội nghiệp cho được! Khi đảm nhận cách xưng hô này thì chúng ta đã có tội, đã tạo tội rồi. [Tội đó là] mạo xưng pháp sư, chẳng phải Sư (thầy giáo) mà giả mạo làm Sư, khi người ta xưng bạn một tiếng Sư thì bạn đã tạo tội một lần, xưng hai tiếng thì bạn tạo tội hai lần. Đức Phật dạy chúng ta tích lũy công đức, chúng ta lại tích lũy tội nghiệp, như vậy thì làm sao được! Do đó người xưa mới nói “Trước cửa địa ngục có nhiều tăng sĩ”, ai đọa địa ngục?
Người hiện nay đọa địa ngục càng nhiều nữa, người xưa đọa địa ngục ít, người tạo tội ngũ nghịch thập ác ít. Vả lại một vị tăng chẳng làm tròn trách nhiệm của mình thì sẽ chẳng tránh khỏi phải đọa lạc. Sự nghiệp to lớn của một người xuất gia, Địa Tạng Bồ Tát dạy chúng ta là phải “vị lai chúng sanh, diễn lợi ích sự” (làm lợi ích cho chúng sanh đời vị lai), câu này chính là sự nghiệp của người xuất gia chúng ta. Diễn là biểu diễn, làm ra gương tốt cho người ta coi, Thuyết là giải thích, phải vừa làm vừa nói. Ngày nay chúng ta vạch định thân phận của chúng ta, biết mình phải làm việc gì, làm việc ấy cho hoàn hảo thì đời sống này của chúng ta mới có giá trị, mới có ý nghĩa.
(Lược Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Quyển Hạ -Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Tập 32 : Phẩm Thứ Chín: Xưng Danh Hiệu Chư Phật – Trang -150)