Chúng ta thường thường hay nói đến 2 chữ “Tội lỗi”, vậy thế nào là tội? Thế nào là lỗi? Đây đều thuộc về thường thức, chúng ta là những người tu học đối với vấn đề thường thức này cần phải nắm cho thật vững, có như vậy thì mới có thể quản chế tốt bản thân mình, không để cho chính mình phạm phải.
Không luận là làm việc gì, suy nghĩ điều gì, nói điều gì mà có ác tâm trong đó thì đó là tội. Vô tâm làm thì đó là lỗi. Do đó, tội nghiệp và lầm lỗi là hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta nay tuy niệm Phật nhưng tội lỗi vẫn y như cũ, không tránh khỏi, lớn nhỏ gì đều có. Đây là đạo lý gì vậy? Đều do tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp tích tụ cho đến nay đã quá sâu dày, trong khi công phu niệm Phật của chúng ta hiện thời quá ư mỏng nhẹ, nên chưa thể đè nén được phiền não mới dẫn đến hiện tượng này. Nếu có thể đè nén phiền não, tức là quý vị niệm Phật đã đạt đến công phu thành phiến rồi. Khi đó chẳng còn gây tạo tội lỗi nữa, đây là điều nhất định.
Nói cách khác, chỉ cần quý vị vẫn còn những lỗi lầm nho nhỏ, thì chứng tỏ công phu của quý vị chưa kết thành phiến. Công phu thành phiến thật sự sẽ chẳng có lỗi lầm, vì quý vị đã thật sự có thể chế ngự được phiền não, tập khí của chính mình, đây là quý vị thật sự có được cái năng lực này. Khi đạt đến Nhất Tâm Bất Loạn là có thể đoạn được tập khí phiền não, đoạn sạch Kiến Tư Phiền Não. Đạt đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn thì là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
Nói đến chổ này tôi có 1 câu xin khuyên các vị đồng tu, đó là hãy cẩn thận với tội Đại Vọng Ngữ, tội này nếu phạm phải thì nhất định phải đoạ vào A Tỳ địa ngục. Vậy Đại Vọng Ngữ là gì? Chính mình chưa chứng quả lại bảo với người khác là mình đã chứng quả, tự mình chưa khai ngộ lại đi nói với người khác là mình đã khai ngộ rồi. Chúng ta phải biết rằng, đây chẳng phải là tội vọng ngữ tầm thường mà là Đại Vọng Ngữ. Do vậy, trăm ngàn muôn lần đừng bao giờ phạm phải.
Cũng có những loại vọng ngữ là Tăng Thượng Mạn, đây là thuộc về lỗi chẳng phải tội, chẳng phải kẻ ấy cố ý phạm phải mà là do vô ý mà phạm. Trong quá khứ tôi đã từng gặp 1 vị đồng tu, ông ta chuyên tu niệm Phật, công phu cũng khá lắm. Một hôm ông ta đến nói với tôi là ông ta đã chứng quả A La Hán. Tôi liền nói với ông ta là ông vẫn chưa chứng đắc, nhưng ông ta không chịu nghe. Nên buộc lòng tôi phải nói:
– ” Thật sự chứng quả A La Hán là 6 thứ thần thông đều trọn đủ”
Khi ấy chúng tôi là đang ngồi trong nhà, xung quanh đều có xây tường. Tôi hỏi ông ta:
– ” Bên ngoài xe chạy qua, lại có người đang qua lại, ông có nhìn thấy rõ ràng không?”
Ông nói không thấy. Tôi lại hỏi tiếp:
– ” Trong tâm tôi đang nghĩ đến chuyện gì ông có biết hay không?”.
Ông ta nói không biết. Tôi liền nói:
– ” Ông không có Thiên Nhãn Thông và Tha Tâm Thông, do đó ông chưa chứng quả A La Hán”.
Lúc này ông mới chịu phục. Đây là tuy rằng ông chẳng có ý khởi vọng ngữ, nhưng lại vô ý tự nghĩ mình như vậy. Thật là sai lầm quá đỗi.
Do vậy, chúng ta phải thường xuyên kiểm điểm lấy chính mình. Nếu trong tâm chính mình còn có thị phi nhân ngã, còn có tham, sân, si, mạn thì chắc chắn chúng ta vẫn còn là phàm phu, thứ gì cũng chưa đạt được, dĩ nhiên là trí huệ vẫn chưa thể khai mở được, bởi vì chưa được Định thì lấy đâu ra trí huệ chứ? Chưa có Định mà có huệ thì là cuồng huệ, thứ này sẽ hại chết người đấy, phải nên hết sức cẩn thận.
HT. Ân Sư
A Di Đà Phật xin thường niệm