Như trong Kinh, Phật dạy người phạm tội nói dối sẽ chiêu cảm lấy 10 ác báo, thứ nhất là hơi miệng hôi. Hôi miệng là chứng bệnh thường gặp của mỗi người chúng ta. Thế nhưng đa phần mọi người hay cho rằng hôi miệng là do dạ dày có bệnh, nên mới đưa đến bệnh hôi miệng. Chứ nào có ai nghĩ rằng đều là do ta trước đây đã tạo rất nhiều khẩu nghiệp. Vì thế không nên oán trách dạ dày mà làm gì.
Người mắc chứng bệnh này nói lên điều gì? Nói lên rằng người này trước đây đã từng phạm phải tội nói dối. Trong nói dối này bao gồm cả: nói hai lưỡi, nói thêu dệt, và nói ác khẩu. Có thể nói 4 thứ khẩu nghiệp này con người rất dễ phạm.
Hôi miệng là căn bệnh thông thường nhất, phổ biến nhất từ xưa đến nay, vậy bản thân ta có hay không? Có, nhưng vì bản thân chúng ta đã quen với điều này nên không nhận ra. Khi cùng ở với mọi người, chúng ta hắt hơi, nói chuyện mọi người đều nghe thấy, nhưng khi nghe không ai tiện nói, xong có thể nhìn thấy họ tránh xa ta, nếu không có điều gì thật sự cần thiết thì họ sẽ không gần gũi với ta.
Lúc tôi còn trẻ, giai đoạn 10 tuổi thì chưa có, nhưng đến năm 20 tuổi thì có. Tôi học Phật giảng Kinh bắt đầu từ năm 33 tuổi, lúc bấy giờ vẫn còn bị. Khoảng 3 năm sau từ ngày tôi bắt đầu giảng Kinh, có lão cư sĩ rất hiếm có, bởi ông là người hôm nào cũng đến nghe tôi giảng Kinh, lão cư sĩ này đến nói với tôi:
– Pháp sư, bây giờ thầy giảng Kinh đã có công đức rồi đó.
Tôi hỏi ông:
– Làm sao thấy được?
Ông mới trả lời rằng:
– Lúc thầy mới giảng Kinh, miệng của thầy rất hôi, luôn có mùi rất khó chịu. Giờ đã 3 năm, thầy đã hết hôi miệng. Từ chổ này để thấy thì việc thầy giảng Kinh đã có chút công đức.
Bản thân tôi hoàn toàn chẳng hay biết cái vấn đề này, nếu không phải lão cư sĩ nói cho tôi biết thì tôi căn bản chẳng thể nào phát hiện ra, mà xung quanh tôi cũng chẳng ai nói với tôi điều này cả. Lão cư sĩ này đã hơn 70 tuổi, đương nhiên ông không thể vọng ngữ đối với tôi.
Thường thường bị hôi miệng, mức độ càng ngày càng nghiêm trọng thì điều này chứng tỏ khầu nghiệp của quý vị rất nặng, quý vị không thể không biết điều này, không thể không tự giác ngộ lấy chính mình. Giác ngộ như thế nào đây? Không nên tiếp tục lừa dối chính mình và lừa dối mọi người nữa, chúng ta cần phải tự làm mới bản thân mình bằng cách quyết không tái phạm việc nói dối nữa.
Trong cuộc sống hằng ngày, khi giao tiếp với mọi người thì phải hết sức cẩn thận lời ăn tiếng nói của chính mình, dù là nói cho vui hay để đẹp lòng mọi người cũng quyết không thể nói dối.
Khi gặp phải những chuyện không như ý cũng không nên nổi giận để rồi dùng lời nói ác khẩu, chanh chua cay nghiệt để nói với mọi người.
Bất cứ chuyện gì dù là ta trực tiếp nghe, hay do người khác kể lại, khi nghe rồi thì phải làm như “Nghe mà không nghe”, không nên tiếp tục đi tạo thị phi khắp nơi.
Dù là vì lợi ích của chính mình hay là vì lợi ích của người khác, cũng không nên đặt điều thêu dệt nói không thành có, không nên dùng lời nói bóng bẩy để khiến cho người nghe vui lòng đẹp dạ, hòng tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của họ.
Chúng ta phải biết rằng, khẩu nghiệp là một trong những tác nhân gây tôn âm đức, phước đức và cả công đức của chính mình. Cho nên, khéo tu khẩu nghiệp rất quan trọng, không thể xem thường mà bỏ qua. Rất mong các vị đồng tu thời thời nên ghi nhớ để tự quản thúc lấy chính mình, đừng để cho bản thân mình tiếp tục phạm phải những lỗi lầm như thế nữa.
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không-