Trong thời đại này, cuộc sống của chúng ta vô cùng gian nan, chướng duyên nghiêm trọng khôn sánh, bản thân chúng ta phải suy nghĩ, trong thời gian ngắn ngủi, tạm bợ của kiếp sống này, chúng ta phải làm như thế nào để nắm chắc sự thành tựu chân thật cho chính mình? Vì sao? Chính mình chẳng thành tựu, sẽ chẳng thể lợi lạc chúng sanh. Các bậc đại thánh đại hiền trong pháp thế gian và Phật pháp, không vị nào chẳng dạy chúng ta: Thành tựu chính mình rồi mới có thể thành tựu người khác. Chính mình chẳng có thành tựu, nếu muốn hoằng pháp lợi sanh, đức Phật thường nói: “Vô hữu thị xứ” (chẳng có lẽ ấy). Đúng là lòng thì có thừa, nhưng sức chẳng đủ, quý vị chẳng làm được. Nhất định là trước hết phải thành tựu chính mình.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện là nguyên tắc chỉ đạo tốt nhất, phải phát nguyện lớn: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, phải độ tận hữu tình trong chín pháp giới, đấy là phát đại Bồ Đề tâm. Quý vị độ họ bằng cách nào? Quý vị chưa độ chính mình được, sẽ chẳng thể độ người khác. Phải tự độ ra sao? Đầu tiên là đoạn phiền não, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Kiến Tư phiền não vô tận, Trần Sa phiền não vô tận, Vô Minh phiền não vô tận, đoạn bằng cách nào? Ngay trong cuộc sống hằng ngày, học gì? Nguyên tắc chỉ đạo chung là học “chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước”, đó là tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc. Đối với tế hạnh trong cuộc sống hằng ngày, Đại Thừa nói tám vạn tế hạnh, Tiểu Thừa nói ba ngàn oai nghi, từng ly từng tí trong cuộc sống, đức Phật dạy chúng sanh đừng chấp trước từng điều nhỏ nhặt một!
Bắt đầu học từ đâu? Trong Phật giáo, Tịnh nghiệp học nhân bắt đầu từ bằng “tam phước”; nếu quý vị chưa thể tự độ, sẽ chẳng thể có phước báo. Vì vậy, mở kinh Phật ra, thiện nam tử, thiện nữ nhân, có thiện căn, có phước đức, kinh Di Đà kinh nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà sanh về cõi ấy). Thiện căn và phước đức học từ Tam Phước, đó là phước đức chân chánh. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, quý vị thấy phước tu từ đâu? Từ hiếu dưỡng phụ mẫu. Kẻ chẳng hiếu thảo với cha mẹ sẽ chẳng có phước, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh, kẻ không biết tôn sư trọng đạo cũng chẳng thể vãng sanh! Thân mạng của quý vị do cha mẹ mà có, huệ mạng của quý vị do thầy mà có. Quý vị thấy hai câu này được đức Phật xếp trước hết. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện nghiệp”.
Vì vậy, có những đồng học hỏi tôi: “Thưa pháp sư, vì sao thầy phải đề xướng Cảm Ứng Thiên? Vì sao đề xướng Đệ Tử Quy? Những thứ ấy không phải của Phật giáo!” Tôi bảo họ: “Những thứ ấy đều là của Phật giáo” [Họ cãi]: “Trong Phật giáo không có nói!” Ai bảo không có nói? Điều thứ nhất trong Tịnh nghiệp tam phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, quý vị coi thử Đệ Tử Quy có giảng [những điều ấy] hay không? Có! Làm thế nào để thực hiện hai câu ấy? Thực hiện Đệ Tử Quy, quý vị sẽ thực hiện được [hai câu ấy]. “Từ tâm chẳng giết”, quý vị thi hành Cảm Ứng Thiên liền làm được câu này. Ba câu trên đây là cơ sở, tiếp theo là “tu Thập Thiện nghiệp” mới có thể làm được. Vì sao chưa làm được Thập Thiện nghiệp? Do chưa làm được ba câu trên. Ba câu trước đó chính là Đệ Tử Quy và Cảm Ứng Thiên, chưa làm được! Vì vậy, quý vị chưa làm được Thập Thiện nghiệp, [như vậy thì đề xướng Đệ Tử Quy và Cảm Ứng Thiên] còn sai nữa hay không? Tôi thấy chẳng sai!
Do đó, thật sự học Phật, nay chúng ta phải nương theo lời giáo huấn của Ấn Quang đại sư; Ấn Quang đại sư dạy chúng ta phải vun bồi vững vàng cội rễ bằng Cảm Ứng Thiên. Căn bản thứ nhất là Cảm Ứng Thiên, giáo dục nhân quả, quý vị thật sự liễu giải đạo lý nhân quả, liễu giải chân tướng sự thật, sẽ không chỉ chẳng dám làm ác, mà ngay cả ác niệm cũng chẳng dám dấy lên. Vì sao? Động một niệm bất thiện, ba thứ “trọn khắp” đều có, trọn khắp pháp giới, ai mà không biết? Khắp hư không, trọn pháp giới, tất cả hết thảy Phật, Bồ Tát, A La Hán thảy đều biết. Chẳng thể gạt ai! [Có muốn] gạt ai cũng chẳng được! Một niệm của quý vị trọn khắp pháp giới, một niệm xuất sanh vô tận. Xuất sanh vô tận là gì? Thiện niệm sanh ra thiện công đức, ác niệm sanh ra những điều ác độc, có báo ứng. Không dám động niệm thì còn dám làm nữa ư?
So với luân lý, đạo đức, so với bất cứ loại giáo dục nào, cũng đều hữu dụng hơn! Có rất nhiều kẻ học hành rất giỏi, nhưng bất hiếu với cha mẹ, phản thầy, nghịch đạo, họ dám làm, do nguyên nhân gì vậy? Cổ nhân bảo là “lợi dục huân tâm” (mờ mắt vì lợi lộc, dục vọng). Họ bị danh lợi trước mắt mê hoặc, biết rõ, nhưng vẫn cố phạm. Biết sai lầm, mà vẫn muốn làm; nhưng nếu kẻ ấy hiểu nhân quả, sẽ chẳng dám làm, vì sao? Những gì quý vị đạt được trong hiện tiền là một chút danh lợi bé tẹo, trong tương lai phải trả giá quá to, [biết như vậy] liền chẳng dám làm nữa!
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 16.