Không luận là bạn tu một pháp môn đại thừa nào, không luận là bạn niệm danh hiệu của một vị Phật Bồ Tát nào hoặc giả là hành trì một nghi thức lễ sám nào, chỉ cần bạn đem công đức hồi hướng vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thảy đều là có thể được sanh.
Sau khi bạn đã biết rồi, bạn gặp những vị Pháp sư Đại đức hỏi bạn tại sao bạn niệm A Di Đà Phật mà không niệm Thích Ca Mâu Ni Phật thì bạn có thể trả lời được. Những người đặt ra câu hỏi này rất nhiều. Sự chấp trước như thế này, câu trả lời đơn giản nhất là tôi niệm A Di Đà Phật là do Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho tôi, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho tôi niệm A Di Đà Phật đương nhiên là tôi niệm A Di Đà Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật không có dạy tôi niệm Ngài, Ngài dạy tôi niệm A Di Đà Phật, nếu bạn không tin thì bạn hãy đọc Tịnh Độ tam Kinh. Đây là nói từ trên sự. Chúng ta nhất định phải thuận theo lời dạy bảo của Thích Ca Mâu Ni Phật. Từ trên lý mà nói thì bạn phải hiểu được, niệm A Di Đà Phật, khả năng của chúng ta là chỉ đới nghiệp vãng sanh, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ, nhưng mà sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì trí huệ, thần thông, đạo lực của chúng ta ngang bằng với Thất Địa Bồ Tát. Bạn niệm những vị Phật khác thì không có được. Điều này không thể không biết.
Tuy nhiên, trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, phẩm “Tam Bối Vãng Sanh” nói rất hay, bạn xem thượng, trung, hạ tam phẩm đều là “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Câu nói này vô cùng quan trọng. Nhưng đoạn cuối cùng, chính là nói người tu học pháp Đại Thừa không phải là chuyên tu Tịnh Tông, bất luận là tu pháp môn nào (phải biết đó là pháp môn của Đại Thừa), bất luận là bạn niệm vị Phật nào, vị Bồ Tát nào, hồi hướng vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì cả thảy đều được vãng sanh. Xưa kia có những Đại đức đem đoạn Kinh văn này chia ra thành “nhất tâm tam bối”. Phân đoạn chia ra rất hay. Đó là học các tông phái khác có thể đem công đức tu học của chính mình hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ. Có thể thấy được pháp môn Tịnh Độ này rộng lớn không bờ mé, cả thảy đều bao gồm ở trong đó. Trong “Kinh Kim Cang” nói với chúng ta: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”.
Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, thông suốt chân tướng sự thật này, nếu như bạn có gặp những đồng tu cả cuộc đời của họ chỉ niệm Quan Âm Bồ Tát, nếu họ hỏi: “Tôi niệm Quan Âm Bồ Tát có thể vãng sanh được không?”. Có thể được, chẳng có vấn đề gì cả, bạn cứ tiếp tục niệm Quan Âm Bồ Tát, đem công đức tu học của bạn hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ là được. Hoặc có người chỉ niệm Địa Tạng Vương Bồ Tát đã được nhiều năm rồi, vậy có cần phải đổi lại không? Không cần phải đổi lại, cứ tiếp tục niệm Địa Tạng Bồ Tát. Chỉ cần bạn niệm đến nhất tâm bất loạn, đem công đức của bạn hồi hướng cầu sanh Thế giới Cực Lạc, người nào cũng được vãng sanh. Pháp môn Tịnh Độ rộng lớn không ngần mé. Nếu như họ không có tu học pháp môn nào khác, hoặc là công phu tu học không sâu, chuyển trở lại chuyên niệm A Di Đà Phật thì tốt, thật là chắc chắn. Pháp môn này đơn giản, dễ dàng, vô cùng hy hữu, khó gặp. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” có nói, rất nhiều vị Bồ Tát muốn biết pháp môn này nhưng không có cơ duyên gặp được. Cuộc đời này của chúng ta không cầu mà gặp được, cuộc đời này rất may mắn, cho nên nhất định phải nắm chặt lấy nó, trong cuộc đời này nhất định phải thành tựu.
– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 307.
Hoan nghênh copy đăng tải rộng rãi kết thiện duyên !