Kính cẩn dựa theo lời Phật: Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, do nhân duyên tội phước mà luân hồi sáu nẻo. Nếu chẳng tận lực tu Giới – Định – Huệ để mong đoạn sạch tham – sân – si và sanh tín phát nguyện niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì không cách nào thoát ly được. Đây chính là vì ta cùng hết thảy chúng sanh sống trên không, dưới nước, trong sáu nẻo từ vô thỉ đến nay không ai chẳng xoay vần làm cha mẹ, anh em, thê thiếp, con cái, bạn bè, thân thích, không một ai trong vị lai chẳng được nghe Phật pháp tu Giới – Định – Huệ, đoạn sạch phiền hoặc, viên thành Phật đạo.
Do vậy, Như Lai truyền dạy các đệ tử kiêng giết, phóng sanh, chớ ăn các loại thịt. Nhưng tình ý mê muội của thế tục thường cho rằng cúng đồ mặn mới là cung kính, chẳng biết cả mình lẫn người đều gieo nhân ác đến nỗi tương lai phải chịu ác báo.
Nay ta đã biết tội lỗi của việc ăn thịt há nỡ để người trong cùng một làng vẫn chấp vào tình kiến mê muội ấy, để nhân duyên tội nghiệp ăn thịt làm lụy đến vị tôn thần ư? Lại sợ tôn thần chưa hiểu thấu duyên do mà sanh sân nộ, giáng xuống tai họa khiến người trong làng mê muội càng nặng, khiến cho ác báo trong tương lai của người trong làng và tôn thần càng thêm sâu, thêm lớn, chẳng dễ gì tiêu diệt được! Do vậy, riêng lấy phẩm Đoạn Thực Nhục từ kinh Nhập Lăng Già của đức Phật đã nói cung kính thiêu trước lò hương của thần, ngõ hầu trên hiểu thấu lòng từ của Phật, dưới thương xót tấm ngu thành, yêu tiếc mạng loài vật, chẳng hưởng của cúng tế bằng thịt.
Phàm những khi cúng chay bèn ban cho may mắn. Nếu dùng đồ mặn bèn hiện ra họa ương, khiến cho người trong làng cùng cảm nhận đức thông minh, chánh trực, hiếu sanh, ghét giết chóc của tôn thần, khiến cho gió Từ thổi khắp, hòng bồi đắp gốc đạo Bồ Đề, vãn hồi kiếp vận, cùng vui thái bình vô sự. Kính mong thần hãy sáng soi thì người trong làng may mắn lắm, vận nước may mắn lắm!
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, Lời tựa dùng phẩm Đoạn Thực Nhục [dứt ăn thịt] của kinh Lăng Già để răn thần đừng hưởng đồ cúng mặn)